New Horizons vừa hoàn thành chuyến đi tới nơi xa nhất trong Hệ mặt trời mà con người từng phát hiện - thiên thạch Ultima Thule, ở tốc độ 51.000 km/h. Ultima Thule cách Trái đất 6,4 tỷ km, được phát hiện năm 2014.
Khoảng 10 giờ sau khi New Horizons tiếp cận với thiên thạch trên, anten khổng lồ của NASA đặt tại Laurel, Madrid, Tây Ban Nha mới nhận được tín hiệu của tàu lúc 12h33 ngày 1/1. Cùng lúc đó là tiếng hò reo làm nổ tung Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, nơi theo dõi nhiệm vụ lịch sử của con tàu vũ trụ NASA.
"Con tàu vẫn ổn. Chúng ta vừa chinh phục vật thể xa nhất lịch sử", ông Alice Bowman, trưởng nhóm điều hành nhiệm vụ tại ĐH Johns Hopkins nói.
Hình ảnh về Ultima Thule được New Horizons chụp lại vào ngày 16/8/2018. (Ảnh: AP)
Theo NASA, hình ảnh đầu tiên được New Horizons gửi về cho thấy vật thể nằm trong vành đai Kuiper có hình dạng tương tự như một quả bowling có kích thước khoảng 32x16 km.
Ultima Thule nằm trong vành đai Kuiper là tập hợp các thiên thạch siêu lạnh quay quanh Mặt Trời, trải dài suốt 20 AU (đơn vị thiên văn) trong không gian, có quỹ đạo cách Hải Vương Tinh khoảng 2 tỷ km. Các nhà khoa học tin rằng các vật thể như Ultima Thule gần như chắc chắn nắm giữ manh mối về điều kiện hình thành của Hệ mặt trời 4,6 tỷ năm trước.
Tuy nhiên, giới khoa học sẽ phải mất nhiều tháng để lấy tất cả số gigabyte hình ảnh và các quan sát về Ultima Thule từ New Horizons. Dự kiến công việc này kéo dài tới tháng 9/2020.
New Horizons là phi thuyền thăm dò không gian tự động được NASA phóng lên vũ trụ vào năm 2006. Đây cũng là phi thuyền đầu tiên của nhân loại thám hiểm Diêm Vương Tinh và cũng là phi thuyền đầu tiên thăm dò về những thiên thể ngoài Sao Hải Vương.
Kinh phí để phóng New Horizons lên đến 700 triệu USD bao gồm chi phí chế tạo tên lửa, phí thiết bị, phí nghiên cứu thiết bị mới.