Các nhà cung cấp thường lựa chọn chuyển hướng LNG sang các thị trường có mức giá cao nhất. Ảnh: DPA
Châu Âu đang đối mặt với việc khan hiếm năng lượng do Nga cắt giảm nguồn cung sau khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow vì xung đột ở Ukraine.
Điều này buộc các nước Châu Âu phải tìm nguồn cung thay thế, bao gồm cả khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên, các chuyến hàng vận chuyển loại nhiên liệu siêu lạnh này đã phơi bày thực tế châu Âu thiếu năng lực “tái khí hóa”, do các công ty chuyển đổi LNG trở lại dạng khí đều đang hoạt động tối đa công suất.
Nếu sự ùn ứ này không được giải quyết sớm, các tàu chở LNG có thể sẽ phải tìm đến các cảng khác bên ngoài châu Âu để bốc dỡ hàng.
Nghịch lý giữa con “khát” khí đốt ở châu Âu
Các nguồn tin cho biết, ngày 17/10, có hơn 35 tàu chở LNG đang lênh đênh ngoài khơi Tây Ban Nha và xung quanh Địa Trung Hải, trong đó chỉ riêng ngoài khơi vịnh Cadiz có ít nhất 8 tàu neo đậu.
Tây Ban Nha có tổng số 6 trạm LNG và Madrid cũng chỉ cung cấp 6 suất tái khí hóa tại các kho cảng LNG trong tuần này. Con số đó chỉ có thể giải quyết chưa tới 1/5 số tàu đang “lênh đênh” ngoài khơi.
Trong một tuyên bố ngày 17/10, Nhà vận hành mạng lưới điện khí đốt quốc gia Enagas của Tây Ban Nha nói rằng họ có thể sẽ phải từ chối cho phép các tàu bốc dỡ LNG do các kho cảng đã quá công suất.
Các kho chứa khí đốt tại các nhà máy tái khí hóa LNG đã gần tới giới hạn công suất và sẽ chưa thể giải phóng bớt cho tới ít nhất đầu tháng 11.
Ngoài Tây Ban Nha, vẫn còn các tàu LNG đang neo đậu gần các quốc gia châu Âu khác. Điều này có nghĩa là hàng chục tàu khác cũng đang phải chờ đợi.
Việc thiếu các nhà máy tái khí hóa hoặc hệ thống đường ống kết nối giữa các quốc gia có nhà máy này với các thị trường châu Âu có nghĩa là LNG trên các tàu lênh đênh ngoài khơi cũng không thể sử dụng.
Ông Alex Froley, nhà phân tích LNG tại công ty ICIS, cho biết: “Chúng tôi đã thấy lượng lớn hàng hóa chờ ngoài khơi ở phía Nam Tây Ban Nha hoặc xung quanh Địa Trung Hải cũng như một số hàng hóa đang chờ ngoài khơi Vương quốc Anh”.
Chờ giá tăng cao?
Việc ùn ứ LNG còn có nguyên nhân khác là do nhu cầu công nghiệp thấp hơn khi nền kinh tế châu Âu tăng trưởng chậm lại cũng như mức tiêu thụ nội địa thấp hơn dự kiến ở Tây Ban Nha do thời tiết ấm áp so với thường lệ ở thời điểm này trong năm.
Theo ông Froley, còn một lý do khác dẫn đến tình trạng ùn ứ các tàu chở LNG ở ngoài khơi Tây Ban Nha là giá khí đốt dự sẽ kiến tăng khi mùa đông đến gần và nhu cầu sưởi ấm tăng lên. Do đó, một số tàu chở LNG đang chờ để bán hàng với giá cao hơn có thể bù đắp chi phí trong thời gian chờ đợi.
Giá LNG giao cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 hiện ở mức cao hơn giá hiện tại khoảng 2USD/mmBtu (đơn vị nhiệt Anh, tương đương 26,8m3) so với giá khí đốt hiện tại.
“Chiến lược này có hiệu quả một phần vì một số công ty có thể linh hoạt trong danh mục vận chuyển do các sự cố ngừng hoạt động như đóng cửa nhà máy Freeport ở Mỹ”, ông Froley nói.
Freeport là nhà xuất khẩu LNG lớn thứ hai của Mỹ đã tạm dừng hoạt động từ tháng 6 năm nay sau một vụ nổ và hỏa hoạn.
“Nếu hàng được sản xuất nhiều hơn, các công ty có thể không thể để tàu của họ chờ đợi lâu như vậy” - ông giải thích.
Các tàu LNG có thể chuyển hướng sang Châu Á
Trước đó, cũng trong ngày 17/10, Trung Quốc đã dừng bán LNG ra nước ngoài để đảm bảo nguồn cung trong nước. Theo các nhà phân tích thị trường, điều này có thể thúc đẩy nhiều tàu LNG chuyển hướng đến châu Á hơn.
Với 6 nhà máy, Tây Ban Nha có công suất tái khí hóa lớn nhất trong Liên minh châu Âu, chiếm 33% tổng lượng LNG và 44% công suất lưu trữ LNG.
Tuần này, lãnh đạo Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dự kiến sẽ nhóm họp để tìm cách đạt thỏa thuận về đường ống MidCat có thể đưa khí đốt Tây Ban Nha – và trong tương lai có thể là hydrogen – tới Trung Âu.
MidCat có thể tạo ra tuyến kết nối khí đốt thứ ba giữa Pháp và Tây Ban Nha. Dự án này được cả Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và gần đây là Đức bày tỏ ủng hộ, cho rằng nó sẽ giúp châu Âu giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga./.