Động thái diễn ra cùng thời điểm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên máy bay rời Bắc Kinh, bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Phần Lan từ ngày 4 đến 6/4, trước khi sang thăm Mỹ - tờ Zaobao (Singapore) cho hay.
Tại Singapore, nhóm tác chiến tàu Carl Vinson đã tổ chức một buổi tiệc chiêu đãi để tôn vinh quan hệ đối tác mạnh mẽ giữa Mỹ và Singapore, với sự góp mặt của Tham tán Đại sứ quán Mỹ tại Singapore Stephanie Syptak-Ramnath, Chỉ huy Hạm đội Singapore Cheong Kwok Chien, Phó đô đốc Hạm đội 3 Hải quân Mỹ Nora Tyson...
"Trong sự chuyển dịch toàn cầu hiện nay, mọi người thắc mắc về sự cam kết của Mỹ đối với khu vực và với thế giới," bà Syptak-Ramnath nói.
"Tôi nghĩ chúng ta có thể nhìn quanh bàn trong buổi tối hôm nay (4/4) để biết được câu trả lời. Tàu Carl Vinson lần đầu tiên hoạt động ở biển Đông vào năm 1983, và từ đó tiếp tục đi lại ở vùng biển này gần 35 năm nữa."
Các quan chức cấp cao của nhóm tác chiến tàu USS Carl Vinson cho biết các nhóm tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã tuần tra một cách thường trực và định kỳ ở vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong hơn 7 thập kỷ qua và sẽ tiếp tục chương trình này. Riêng nhóm tàu Carl Vinson đã được triển khai ở 16 nhiệm vụ khác nhau trong 35 năm.
Sau khi rời Singapore, nhóm tàu này sẽ tiếp tục nhiệm vụ theo lịch trình ở Tây Thái Bình Dương, như một phần sáng kiến gia tăng vai trò của Hạm đội 3 trong khu vực và củng cố hiện diện quân sự của Mỹ bên cạnh Hạm đội 7 đóng ở Nhật Bản.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện trong chuyến thăm cấp nhà nước Phần Lan từ hôm 4/4, trước khi sang Mỹ ngày mùng 6 (Ảnh: Xinhua)
Thêm nhân tố bất ổn cho hội đàm Trump-Tập?
Cam kết tham gia gìn giữ an ninh ở biển Đông và châu Á-Thái Bình Dương được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi ông Tập thăm Mỹ để tổ chức cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Donald Trump vào mùng 6, 7/4 tới.
Trước thềm hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, ông Trump viết trên Twitter đánh giá cuộc thương thảo sẽ "rất khó khăn" bởi Mỹ không thể "tiếp tục nhập siêu khổng lồ và thất thoát công ăn việc làm nữa".
Nhưng đồng thời, Tổng thống Mỹ khẳng định với các doanh nghiệp có cơ sở sản xuất ở Mỹ rằng họ sẽ thấy "bị cuốn hút" khi theo dõi cuộc họp giữa 2 nguyên thủ tại Florida.
Giới quan sát không đặt nhiều kỳ vọng vào thành quả thực tế mà hội nghị thượng đỉnh Trump-Tập có thể đạt được, trong bối cảnh hai nước có nhiều bất đồng từ vấn đề hạt nhân Triều Tiên, thương mại cho đến tình hình biển Đông... Đồng thời chính sách chi tiết của chính quyền Trump với Trung Quốc vẫn chưa thành hình bởi bộ máy nhân sự chưa hoàn thiện.
Các nhà phân tích quan tâm hơn đến các biểu hiện ngoại giao cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo, và đặt câu hỏi ông Tập Cận Bình được chuẩn bị thế nào để đối phó với những tình huống bất ngờ đến từ Tổng thống Trump, như một cái bắt tay lâu bất thường hay thái độ phớt lờ.