Vụ nổ bom tại ga tàu điện ngầm ở cố đô St. Petersburg, mà giới chức Nga coi là tấn công khủng bố, tới nay vẫn chưa rõ là của tổ chức nào, và các thông tin đưa ra vẫn còn rất mờ mịt, nhiều khi mâu thuẫn.
Tuy nhiên, nó cho thấy là nước Nga - ngoài mâu thuẫn về quân sự với Ukraine và kinh tế, ngoại giao với phương Tây, còn phải đương đầu với một nguy cơ hiện hữu khác: Chủ nghĩa khủng bố đến từ nhiều kẻ thù.
Vụ nổ mang tính tượng trưng
Vào thứ Hai (3/4), Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt tại Strelna (gần thành phố quê hương ông, St. Petersburg) đúng lúc vụ đánh bom liều chết xảy ra.
Chưa có dấu hiệu cho thấy thủ phạm muốn ám sát vị nguyên thủ quốc gia này; tuy nhiên, việc hành sự đúng vào lúc Putin đang đàm phán với người đồng nhiệm Belarus, ông Aleksandr Lukashenko ở không xa nơi Tổng thống Nga chào đời có thể là thông điệp cho một cuộc chiến mới.
Tổng thống Nga Putin đặt hoa hồng tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ tàu điện ngầm tại St. Petersburg. Ảnh: AP
Chuyên gia về Nga Anton Bendarzhevsky cho rằng, với vụ tấn công được tổ chức ngay tại nơi an ninh đang được siết chặt vì chuyến công du của Putin, kẻ khủng bố muốn chứng tỏ khả năng của hắn.
Trái với thủ đô Moscow, nơi an ninh được duy trì rất ngặt nghèo ở các đầu mối giao thông, St. Peterburg lỏng lẻo hơn, và cơ hội trốn chạy của sát thủ cũng lớn hơn so với Moscow vì nơi đây gần các nước Baltic.
Và cuộc chiến mới ấy, rất có thể là cuộc chiến với các phần tử cực đoan "có yếu tố Syria", trong đó đáng sợ nhất vẫn là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Không ít chiến binh thuộc những tổ chức khủng bố Chechnya thời xưa, giờ đã đầu quân ISIS ở Syria hay Iraq. Nhóm này lên tới 2.000-7.000 người, và đa phần là những tay súng tinh nhuệ. Moscow phải dè chừng khả năng họ sẽ hồi hương, nơi cũng đang có hàng chục nghìn phần tử cực đoan.
Chuyên gia an ninh Tálas Péter, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược (Đại học Dân chính Quốc gia Hungary) cho rằng, việc Nga tham chiến tại Syria - bên cạnh những yếu tố chiến lược khác - còn với mục đích ngăn chặn sự bành trướng của ISIS tại các quốc gia hậu Xô-viết.
Không chỉ thế, Điện Kremlin còn hy vọng sẽ tiêu diệt được các phần tử cực đoan Trung Á gia nhập ISIS ngay tại trận tiền, ngăn không cho họ trở về quê nhà.
Tứ bề thọ địch
Thế giới mới biết đến khủng bố Hồi giáo từ khoảng một thập niên rưỡi nay, nhưng với Nga thì điều này không hề mới.
Ngay sau khi Liên bang Xô-viết tan rã năm 1991, đất nước này đã phải đối đầu với rất nhiều tổ chức khủng bố Hồi giáo vùng Trung Á, thường có liên quan chặt chẽ tới căng thẳng sắc tộc và những phong trào giành độc lập dân tộc của nhiều xứ sở - đặc biệt ở vùng Bắc Caucasus như Chechnya, Daghestan hay Ingushetia.
Lực lượng ly khai thuộc "Tiểu đoàn cảm tử" Chechnya tập trận tại miền đông Ukraine. Ảnh: Reuters
Bom chế tại gia, "cảm tử quân", "góa phụ đen", đi kèm với những mối quan hệ quốc tế nhằng nhịt và phức tạp, với mục tiêu nhằm vào thường dân và sát thương ở mức độ cao nhất - đó là điểm chung của những cuộc khủng bố đẫm máu diễn ra ở Nga trong hơn hai thập niên qua.
Bệnh viện, trường học, khu chung cư, tàu xe công cộng... từng là tiêu điểm của khủng bố, những nơi nhạy cảm nhất về mặt hình ảnh và tác động nhất tới truyền thông.
Đa số các cuộc tấn công khủng bố đẫm máu nhất kể từ năm 1995 tới giờ đều có xuất xứ từ các thủ lĩnh quân sự Chechnya, và ít nhiều là hệ quả của phong trào ly khai tại vùng đất này. Hai cuộc chiến Chechnya (1994-1996 và 1999-2009) chỉ có thể tiêu diệt một số nhóm ly khai cùng các thủ lĩnh phiến quân, nhưng không chấm dứt được nguồn gốc của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ở khu vực. Nguy cơ dai dẳng vẫn còn, và còn phức tạp hơn.
Cuối năm ngoái, tại Moscow và St. Petersburg, lực lượng an ninh Nga đã bắt giữ 10 thành viên của một nhóm khủng bố Trung Á có quan hệ với ISIS, nhưng không phải tới khi đó nhà chức trách Nga mới để tâm đến khả năng các thành phố lớn của họ bị tấn công.
Không chỉ gây hấn tại Trung Á, từ năm 2002, khủng bố đã lan tới Moscow, và không ít vụ được tiến hành tại các ga tàu điện ngầm, trên tàu hỏa hay ngay cả máy bay, đem lại thương vong đáng kể.
Nước Nga, theo một số nhà bình luận, dễ tổn thương hơn nhiều so với công luận có thể hình dung, nhất là từ khi nước này bước vào cuộc chiến Syria. Và xét cho cùng, mối liên hệ giữa khủng bố Hồi giáo Trung Á và ISIS, cũng như những phi vụ riêng lẻ của đôi bên càng khiến tình hình trở nên phức tạp và khó lường.
Moscow sẽ phải đau đầu vì nguy cơ khủng bố, điều mà vài năm vừa qua tưởng chừng là "đặc sản" của các nước Phương Tây.