Tin nội bộ là gì?
Trên chính trường Trung Quốc, "tin nội bộ" có quan hệ mật thiết đến địa vị chính trị. Các lãnh đạo để được xem "tin nội bộ" cần dựa trên những yếu tố như: Thân phận, địa vị, cấp bậc và tư cách.
Tin nội bộ cũng được chia làm nhiều đẳng cấp khác nhau. Do đó, nếu một số tin nội bộ được coi là tuyệt mật thì ngay cả lãnh đạo cấp bộ cũng không thể dễ dàng để tiếp cận.
Một văn kiện "tham khảo nội bộ" của Nhân dân nhật báo. Ảnh minh họa
Theo trang Đa chiều, nguồn thông tin về tin nội bộ cũng được đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quy định rõ ràng.
Theo luật "Điều lệ giám sát nội bộ ĐCSTQ (thử nghiệm)" ban hành năm 2004, ngoài những thông tin được công khai trên truyền thông thì những thông tin chỉ được phản ánh trong nội bộ đảng được gọi là "tin nội bộ".
Đặc điểm lớn nhất của những loại "tin nội bộ" này chính là độ chân thực, nhạy cảm và chuyên sâu của nó khác xa so với những gì dư luận được thấy. Do đó mà rất nhiều lãnh đạo Trung Quốc không "mặn mà" với những thông tin đã được công khai trên truyền thông.
"Quan chức Trung Quốc tiếp cận với rất nhiều thông tin và các kênh tin cũng rất đa dạng", theo ông Hồ Kiều Mộc - phó Trưởng ban Tiểu tổ công tác lịch sử đảng Trung Quốc.
Ngoài ra, trong chuyến thăm Mỹ năm 1989, ông này còn tiết lộ, "tin nội bộ" là một trong những nguồn quan trọng nhất để lãnh đạo Trung Quốc kịp thời nắm bắt thông tin.
Nguồn tin nội bộ có cấp bậc và độ tin cậy cao nhất là ấn phẩm "Bản phụ lục tình hình trong nước" xuất bản không theo định kỳ và "Tình hình trong nước" xuất bản hàng ngày của Tân Hoa Xã.
"Thượng phương bảo kiếm" của nhà cầm quyền Trung Quốc
Đối với không ít quan chức Trung Quốc, một ngày làm việc bắt đầu bằng việc xem tin nội bộ.
"Việc đầu tiên trong ngày của lãnh đạo trung ương và các tỉnh, thành phố chính là xem tin nội bộ của Tân Hoa Xã", một phóng viên của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cho hay.
"Tin nội bộ" được coi là "môn học bắt buộc" hàng ngày của Mao Trạch Đông. Ảnh minh họa
Mao Trạch Đông từng nói: "Tôi hiện nay chỉ xem qua vài tin tức trên báo chí nhưng những văn kiện như 'tư liệu tham khảo', 'thao khảo nội bộ' đều phải xem hàng ngày".
Theo "Bản thảo của Mao Trạch Đông từ sau khi nước Trung Quốc mới thành lập" (tạm dịch) tiết lộ, ông Mao từng xem hơn 30 loại và phê duyệt gần 200 văn kiện tin nội bộ.
Theo Ký sự Đặng Tiểu Bình (tạm dịch), ông là một trong những lãnh đạo Trung Quốc chăm chỉ đọc và phê duyệt những văn kiện thông tin nội bộ nhất.
Đặng Tiểu Bình thường đọc ấn phẩm nội bộ do các đơn vị truyền thông báo cáo theo định kỳ, ấn phẩm nội bộ của các cơ quan quốc gia và quân đội, thông tin do truyền thông bên ngoài gửi đến văn phòng ông Đặng và những thông tin được chia sẻ bởi chính giới quan chức Trung Quốc.
Ngoài ra, rất nhiều các lãnh đạo Trung Quốc khác như Chu Ân Lai, Lưu Thiếu Kỳ... không chỉ đọc và phê duyệt tin nội bộ mà còn dùng thông tin trong những văn kiện này để áp dụng vào trong công việc thực tế.
Các lãnh đạo Trung Quốc sau khi xem tin nội bộ sẽ thông qua Văn phòng trung ương đảng và Văn phòng Quốc vụ viện để chỉ thị các cơ quan cấp tỉnh. Đồng thời, các lãnh đạo địa phương sẽ phải hoàn toàn thực hiện theo chỉ thị trong tin nội bộ được gửi.
Do đó, giới quan chức Trung Quốc coi tin nội bộ chính là hình ảnh của "thượng phương bảo kiếm" đầy quyền lực của Trung Nam Hải.
Đa chiều dẫn chứng một ví dụ được phản ánh trên Tóm tắt đơn thư năm 1980, sau khi biết tin quân khu Nam Kinh chuẩn bị xây dưng một nhà khách sang trọng, Đặng Tiểu Bình đã ra chỉ thị: "Yêu cầu Văn phòng trung ương đảng điều tra và đình chỉ thi công".
Vào ngày 19/2 vừa qua, Tập Cận Bình trước chuyến khảo sát ở Tân Hoa Xã đã đến làm việc với ban biên tập tin nội bộ của hãng tin này.
Trước đó năm 2013, Tập Cận Bình từng phê duyệt một văn kiện tin nội bộ, yêu cầu lãnh đạo các địa phương thực hiện chống lãng phí ngân sách.
Sau chỉ thị, lãnh đạo các địa phương đã lập tức tổ chức các hội nghị Nhân đại và Chính hiệp cấp tỉnh để quán triệt thực hiện theo lời ông Tập.
Tin nội bộ qua các đời lãnh đạo Trung Quốc
"Ở Trung Quốc, có những thông tin không được công khai bởi những tin này đều đang trong quá trình xác thực, điều tra hoặc là những sự kiện chính trị vô cùng nhạy cảm.
Góc nhìn của phóng viên Trung Quốc và phương Tây thường không giống nhau...", một phóng viên kỳ cựu về "tin nội bộ" cho hay.
Theo báo cáo của Tân Hoa Xã vào thập niên 1950, tin nội bộ bao gồm: Vấn đề quan trọng mới phát sinh trong công tác thực tế và hoạt động quần chúng; những tư liệu phản ánh công tác đảng; những sai lầm nảy sinh trong quá trình thực thi chính sách của nhà nước.
Tuy nhiên, các đời lãnh đạo khác nhau thì quy định về phạm vi nội dung tin nội bộ cũng khác nhau nhưng chúng đều có điểm chung chính là những sự việc cụ thể và nhạy cảm.
Đa chiều tiết lộ, vào tháng 12/2012, nhờ bài phỏng vấn được dụng công trong vòng 3 tháng với tiêu đề "Tân bí thư huyện Lợi Tân bàn về việc mua quan bán chức thịnh hành tại các đơn vị cơ sở" mà phóng viên Tân Hoa Xã Trương Thự Quang được Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào trọng dụng.
Các đời lãnh đạo Trung Quốc đều rất coi trọng và ví "tin nội bộ" chính là "thanh thượng phương bảo kiếm" để trị quốc. Ảnh: Chinanews
Lãnh đạo Trung Quốc không chỉ coi trọng vấn đề được phản ánh trong tin nội bộ mà còn trực tiếp phê duyệt tỉ mỉ về những thông tin trong văn kiện này, Đa chiều bình luận.
Ví như, phóng viên viết về tin nội bộ không được đưa ra phương án giải quyết trong bài viết.
"Nhiệm vụ mà trung ương giao cho phóng viên chính là phản ánh chân thực tình hình thực tế... Còn trung ương phán đoán như thế nào là việc của trung ương", Mao Trạch Đông từng nói.
Vào năm 1984, dưới sự chỉ đạo của cố Tổng bí thư Trung Quốc Hồ Diệu Bang, Tân Hoa Xã đã lần đầu tiên mở hội nghị công tác tin nội bộ, định hướng phương châm về phạm vi nội dung "tin nội bộ" trong thời kỳ mới.
Hiện nay, cơ quan ngôn luận có ảnh hưởng lớn nhất, số lượng nhiều nhất, nội dung tin nội bộ kiện toàn nhất chính là Tân Hoa Xã.