"Tàng hình" + Su-35 + Syria: Không quân Nga đã trở về từ vực thẳm

Hải Vy |

Theo chuyên gia Mỹ, Không quân Nga ngày nay đã đạt được những khả năng mà trước đây chỉ Không quân phương Tây mới có.

"Tàng hình" + Su-35

Theo tạp chí National Interest, các biến thể của Su-27 Flanker sẽ tiếp tục là xương sống của lực lượng máy bay chiến đấu chiến thuật của Nga trong tương lai gần. Còn các mẫu máy bay khác như tiêm kích tàng hình thế hệ năm PAK-FA sẽ đóng một vai trò riêng - đó là duy trì nỗ lực phát triển công nghệ và nền công nghiệp của Nga.

Do thiếu ngân sách, quá trình hiện đại hóa đang diễn ra chậm chạp, tuy nhiên, Không quân Nga đã được phục hồi sau giai đoạn suy yếu thời hậu Xô Viết những năm 1990.

Tàng hình + Su-35 + Syria: Không quân Nga đã trở về từ vực thẳm - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu Su-30SM

Đối với Không quân Nga, Su-30SM là biến thể Flanker quan trọng nhất. Linh hoạt, đa nhiệm, mẫu chiến đấu cơ 2 chỗ ngồi này có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ đánh chặn, chiếm ưu thế trên không đến tấn công trên biển.

Bên cạnh đó, hệ thống hàng không tinh vi, phạm vi hoạt động và khả năng mang tải đa dạng của nó đã mang lại cho Không quân Nga năng lực mạnh mẽ, đặc biệt là trong các chiến dịch đường không phức tạp.

Biến thể một chỗ ngồi Su-35S tiên tiến hơn Su-30SM ở một số khía cạnh. Theo ông Michael Kofman, chuyên gia về các vấn đề quân đội Nga tại tổ chức nghiên cứu CNA, Su-35S sẽ tập trung nhiều hơn vào vai trò chiếm ưu thế trên không.

Nó được nâng cấp với radar quét điện tử thụ động Irbis-E mạnh mẽ, thiết bị dò quang-điện tử/hồng ngoại, hệ thống liên kết dữ liệu, kho vũ khí lớn và hàng loạt nâng cấp khác.

Su-35 có khung máy bay nhẹ hơn, kết hợp cặp động cơ đẩy 3 chiều AL-41F1S nâng cấp, cho phép nó đạt hiệu suất khí động học tuyệt vời.

"Không thứ gì có thể đụng đến F-22. Thế nhưng, Flanker là một ngoại lệ, dù không tàng hình" - ông Kofman nói.

Tàng hình + Su-35 + Syria: Không quân Nga đã trở về từ vực thẳm - Ảnh 2.

Chiến đấu cơ Su-35

Công nghệ trên Su-35S còn có thể được sử đụng để tạo lập các hệ thống nguyên mẫu dành cho tiêm kích tàng hình thế hệ năm PAK-FA. Vấn đề mà Nga đang gặp phải bắt nguồn từ thời kỳ suy yếu trong những năm 1990, khi ngân sách dành cho nghiên cứu và phát triển bị cắt giảm do Liên Xô sụp đổ.

"Động cơ" luôn là bộ phận khó nhất và ngốn nhiều thời gian nhất trong quá trình chế tạo máy bay mới. Nga đã có một khởi đầu chậm chạp trong việc phát triển loại động cơ thích hợp dành cho máy bay của mình, dù cuối cùng họ có thể sẽ thành công.

"Họ có công nghệ và trình độ kỹ thuật" - Ông Kofman cho hay.

Mặc dù tập đoàn Sukhoi ít nhiều đã chiếm ưu thế hơn trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc nhưng tập đoàn MiG vẫn nỗ lực cạnh tranh và đang trong quá trình phát triển nhiều biến thể của tiêm kích MiG-29 Fulcrum.

MiG-35, biến thể mới nhất của Fulcrum, có những tính năng tương tự như các phiên bản tiên tiến của Flanker.

Tàng hình + Su-35 + Syria: Không quân Nga đã trở về từ vực thẳm - Ảnh 3.

Tiêm kích MiG-29K

Ông Kofman cho biết, Không quân Nga đang đặt mua 30 máy bay thuộc biến thể mới, chủ yếu để duy trì dây chuyền sản xuất, từ đó hy vọng bảo đảm xuất khẩu. Hải quân Nga cũng đặt mua một lô tiêm kích MiG-29K để thay thế các máy bay Su-33 Flanker.

Mặc dù Không quân Nga đã tiếp nhận các mẫu máy bay mới, có khả năng lớn như Su-30SM, Su-35S và Su-34 nhưng lại không được trang bị số lượng lớn ngay. Phải mất vài năm, Không quân Nga mới nhận được vài chục máy bay loại này để thay thế hàng trăm chiến đấu cơ từ thời Xô Viết vẫn đang trong biên chế.

Ngoài ra, Không quân Nga đang tiếp nhận một số máy bay Su-30M2 và MiG-35 nhưng hoàn toàn là để duy trì hoạt động cho công ty sản xuất.

Nước này đang tiến hành một chương trình song song để nâng cấp các máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29 cũ lên tiêu chuẩn hiện đại. Một ví dụ điển hình là Su-27SM3, phiên bản này đã nâng phiên bản Flanker chiếm ưu thế trên không ban đầu lên một cấp độ mới, gần như ngang ngửa với các biến thể Su-30SM và Su-35S mới nhất.

Trong khi đó, các máy bay MiG-29 tiếp tục hoàn thiện phi đội hàng không chiến thuật kém tiên tiến hơn của Nga bằng các đợt nâng cấp khiêm tốn.

Bài học từ chiến dịch ở Syria

Một vấn đề khác là, mặc dù Không quân Nga tiếp nhận máy bay mới trang bị các loại radar mạnh mẽ (radar quét mạng pha điện tử chủ động - AESA và thụ động - PESA), cùng hệ thống tác chiến điện tử tuyệt vời nhưng họ vẫn thiếu các pod chỉ thị mục tiêu quang-điện tử/hồng ngoại so với Không quân Mỹ.

Ngoài ra, các loại vũ khí dẫn đường chính xác (như JDAM của Mỹ) vẫn còn tương đối hiếm trong kho vũ khí của Nga. Chiến dịch quân sự của Moscow tại Syria đã cho thấy điều này.

Song, người Nga đã nhận ra những thiếu sót của mình và đang nỗ lực để khắc phục chúng. Các pod chỉ thị mục tiêu mới sắp được đưa vào sản xuất.

Không quân Nga ngày nay được thừa hưởng thành quả từ các khoản đầu tư vào công nghệ tiên tiến trong giai đoạn cuối thời Liên Xô. Họ đã đạt được những khả năng mà trước đây chỉ Không quân phương Tây mới có được, chẳng hạn như vũ khí dẫn đường chính xác và các cuộc tấn công tầm xa.

Chiến dịch tại Syria cho thấy quân đội Nga đã đạt tới trình độ chuyên nghiệp, họ có thể thực hiện nhiệm vụ từ một căn cứ viễn chinh, cách xa nước Nga.

Không quân Nga có vẻ sẽ tiếp tục kết hợp các bài học rút ra từ chiến dịch Syria để nâng cao chất lượng và hoàn thiện trong thời gian tới. Vì thế, mặc dù không còn quy mô lớn như thời Liên Xô nhưng Không quân Nga ngày nay đã mạnh hơn ở một số khía cạnh, như binh sĩ được đào tạo tốt hơn, trang bị nhiều công nghệ tiên tiến.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tình hình kinh tế hiện nay đang là trở ngại không nhỏ đến tốc độ hiện đại hóa của quân đội nước này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại