Sau nhiều năm mòn mỏi xếp sau các đối thủ cạnh tranh trong nước và nước ngoài, tập đoàn chế tạo máy bay MiG - biểu tượng của ngành công nghiệp hàng không Nga - đã tìm được lối thoát.
Tập đoàn hiện đang gấp rút hoàn thiện 46 máy bay chiến đấu MiG-29M loại mới để cung cấp cho một khách hàng giấu tên. Một số nguồn tin cho biết, hợp đồng này có giá trị ít nhất là 2 tỷ USD.
Mặc dù đã xuất hiện vài manh mối về vị khách bí ẩn này trên báo chí Nga trong năm qua nhưng tới nay vẫn chưa có xác nhận chính thức nào. Chỉ duy nhất bản báo cáo của một cổ đông (do nhà cung cấp linh kiện cho MiG công bố) xác nhận rằng thỏa thuận này có thật.
Tài liệu đề cập tới thỏa thuận cung cấp 92 động cơ lắp đặt trên MiG-29. Với mỗi máy bay trang bị 2 động cơ thì thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp với các báo cáo cho rằng MiG đang thực hiện hợp đồng cung cấp 46 chiếc MiG-29.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất vẫn là: Những máy bay này sẽ được cung cấp cho quốc gia nào?
Buồng lái của một chiếc MiG-29M. Ảnh: Wiki
Con số 46 máy bay chiến đấu cho thấy đây là một thỏa thuận vũ khí lớn và đó chính xác là những gì mà MiG đang rất cần. Trong 2 thập kỷ qua, tập đoàn đã để mất nhiều hợp đồng lớn vào tay các đối thủ cạnh tranh trong nước và nước ngoài.
Hiện MiG đang phải vật lộn để đuổi kịp các đối thủ, nhưng thậm chí còn không thể hoàn thành đúng thời hạn các hợp đồng đã được ký kết với nhiều khách hàng lớn của Nga, như Ấn Độ.
"Nga không tuyên bố chính thức thỏa thuận này bởi nhiều hợp đồng trước đó đã bị chậm trễ. Khi công bố một thỏa thuận và sau đó có vấn đề phát sinh thì hình ảnh của một nhà cung cấp uy tín sẽ bị tổn hại rất lớn" - Yury Barmin, chuyên gia các vấn đề đối ngoại của Nga nhận định.
Vị khách bí ẩn là ai?
Theo tờ The Moscow Times, ứng viên hàng đầu cho 46 chiếc MiG-29 là Ai Cập. Suy đoán này phần lớn dựa trên những tuyên bố úp mở của các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng Nga tại các cuộc triển lãm và họp báo trong năm qua.
Những thông tin chính thức được đưa ra bao gồm: MiG sẽ tiến sang thị trường Bắc Phi và danh tính vị khách hàng chính xác chưa thể được tiết lộ.
Tháng Năm năm ngoái, tờ Vedomosti đưa tin, Nga sẽ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ai Cập trong khuôn khổ thỏa thuận vũ khí trị giá 3,5 tỷ USD do Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Abdel el-Sisi ký kết trong tháng 4/2015.
Máy bay MiG-29M2 tại triển lãm MASK 2005. Ảnh: Wiki
Bất cứ thỏa thuận tiềm năng nào với Ai Cập đều khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay và mang ý nghĩa địa chính trị.
Nga đang nỗ lực củng cố vai trò "đối tác" và "nhà cung cấp vũ khí" cho chính quyền Tổng thống Sisi bằng cách lợi dụng lỗ hổng mà Mỹ để lại từ lúc bắt đầu xa cách Ai Cập sau khi ông Sisi lên nắm quyền vào năm 2014.
Xét tới việc tổng sản lượng xuất khẩu vũ khí của Nga đạt khoảng 14-15 tỷ USD hàng năm thì hợp đồng trị giá 2 tỷ USD của MiG (có vẻ sẽ được hoàn tất trong giai đoạn 2016-2018) sẽ là một chiến thắng lớn cho Nga.
Ai Cập đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Trước đây, nước này duy trì một lực lượng không quân gồm các trang thiết bị có nguồn gốc từ Anh, Pháp và Nga.
Gần đây, Mỹ đã phần nào khôi phục lại mối quan hệ với chính quyền Tổng thống Sisi thông qua việc chuyển giao 12 chiến đấu cơ F-16. Còn Pháp đã bắt đầu chuyển giao các máy bay mới cho Ai Cập trong năm ngoái.
Phi đội MiG già cỗi của Ai Cập cũng đến lúc cần được thay thế.
Nga đã được hưởng lợi rất nhiều từ khi Washington thu hẹp quan hệ với Cairo. Khi Pháp đồng ý bán lại 2 tàu đổ bộ chở trực thăng lớp Mistral cho Ai Cập (vốn được đóng cho Nga trước khi châu Âu áp đặt lệnh cấm vận), Moscow đã nhanh chóng "chen chân" vào thỏa thuận này bằng cách cung cấp các trực thăng được thiết kế riêng cho Mistral.
Mặc dù cũng thể hiện sự quan tâm đến nhiều hệ thống vũ khí khác do Nga chế tạo nhưng Ai Cập không phải là ứng viên duy nhất cho hợp đồng lần này, bởi Nga còn đang chào mời Iran - quốc gia hiện vận hành một lực lượng không quân cổ điển, do các máy bay Mỹ và Liên Xô có từ những năm 1970 cấu thành.
Iran sẽ trở thành khách hàng lý tưởng cho hợp đồng 46 chiếc MiG. Tuy nhiên, theo thỏa thuận hạt nhân Iran, các hợp đồng cung cấp vũ khí tấn công cho quốc gia này có thể bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác bỏ trong vòng 5 năm tới. Đây có thể là nhân tố làm phức tạp hóa thỏa thuận máy bay MiG giữa Nga - Iran.
Trên lý thuyết, các máy bay MiG có thể được chuyển tới Syria, song không rõ chính phủ Assad sẽ làm cách nào để chi trả chúng.
Ấn Độ cũng là khách hàng truyền thống của máy bay Nga nhưng các đơn đặt hàng lớn thường được giao cho tập đoàn Sukhoi.
Trong khi đó, Trung Quốc - một khách quen khác của vũ khí Nga - có vẻ không có nhu cầu mua máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng nhẹ như MiG-29.
"Lối thoát" cho MiG
Nếu những máy bay chiến đấu này giành cho Ai Cập thì đó sẽ là chiến thắng lớn cho Nga trong công cuộc tái khẳng định vai trò của Moscow trên thị trường vũ khí Trung Đông.
Không những thế, đây còn là một "lối thoát" cho tập đoàn MiG trong giai đoạn khốn khó.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ, tập đoàn MiG đã suy yếu hơn so với các đối thủ của mình, trong đó có Sukhoi.
Theo số liệu do công ty tư vấn IHS tiết lộ trong năm ngoái, từ năm 1991, Sukhoi đã xuất khẩu 252 máy bay chiến đấu, thu về 15,4 tỷ USD. Trong khi đó, MiG chỉ xuất khẩu được 185 máy bay và thu về 8.6 tỷ USD.
MiG-29 OVT trình diễn tại triển lãm Farnborough
Sukhoi có nhiều lợi thế hơn MiG. Máy bay của hãng này nhìn chung có kích cỡ lớn hơn và được thiết kế để phù hợp với nhiều vai trò tác chiến khác nhau.
Ngoài ra, danh tiếng cũng là một yếu tố quan trọng. MiG đã không hoàn thành được nhiều hợp đồng lớn trong quá khứ, điển hình là vụ Algeria đòi bồi hoàn hợp đồng mua máy bay MiG-29 trị giá 1,28 tỷ USD ký kết vào năm 2008 do những lo ngại về chất lượng. Sau đó, nước này đã lựa chọn mẫu tiêm kích Su-30 của Sukhoi để thay thế.
Với những gì đã thể hiện trong thời gian vừa qua của MiG, chưa hẳn thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Ai Cập có thể cầm chắc thành công.
Theo Mark Bobbi, chuyên gia phân tích tại IHS, dịch vụ hỗ trợ sản phẩm và chất lượng sản phẩm của Nga cần phải được cải thiện đáng kể.