Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi

Bùi Tấn Trường (Linh Đan ghi, Thiết kế: Đỗ Linh) |

Bùi Tấn Trường là một trong những thủ môn có tên tuổi và thành công bậc nhất của bóng đá Việt Nam. Nhưng ngoài thành công, sự nghiệp của anh còn có không ít những thăng trầm.

Hơn 15 năm đi đá bóng, tôi trải qua đủ cả vinh quang lẫn thăng trầm. Vinh quang nhiều hơn vì tôi đến CLB nào thì cũng đều có thành tích cả. Còn thăng trầm thì ai cũng có, nhưng có lẽ tôi vấp nhiều hơn mọi người.

Như kiểu một diễn viên, nếu đóng vai phản diện quá thành công thì sau dù có đóng phim nào người ta cũng cứ nhớ đến vai đó mãi. Kiểu như nam diễn viên Trung Quốc đóng vai Hòa Thân ấy. Giờ nhìn thấy ông ấy thì cứ gọi là Hòa Thân trước, chứ khán giả không phải ai cũng nhớ tên thật.

Tôi thấy mình cũng thế. Rằng dư luận cứ mặc định tôi sai sót một chút là phải có vấn đề, là phải soi, phải bới lên, phải đặt nghi vấn bán độ. Tôi không hiểu. Thủ môn Việt Nam sai cũng lôi tôi vào, thủ môn nước ngoài sai cũng so sánh với tôi. Không ai thấy như thế là bất công cho tôi à?

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 1.

BỎ HỌC ĐI LÀM THUÊ, ĐÁ GIẢI TỈNH THỦNG LƯỚI 29 BÀN VẪN ĐƯỢC HLV CHẤM

Nhà nghèo, tôi nghỉ học từ lớp 8 rồi xin vào làm tại một xưởng chế biến thủy sản để phụ giúp gia đình. Công việc cũng không có gì quá khó, chỉ là bỏ đầu, lọc da cá lấy thịt thôi. Nhưng đi làm chưa được bao lâu thì biển động, không có cá về, xưởng cứ ít việc dần.

Đúng vào lúc ấy, tôi được một thằng bạn trong xóm rủ đi đá giải tỉnh vì đội đang thiếu thủ môn. Tôi ngày đó đâu biết đá bóng, chân vụng lắm, nhưng được cái có lợi thế về thể hình, 15 tuổi đã cao 1m77 rồi. Cũng chính nhờ lợi thế đó mà con đường bóng đá của tôi bắt đầu.

Đi đá giải U16 tỉnh Đồng Tháp, đội tôi thua thê thảm. Bảng đấu có 5 đội, đá có 4 trận thôi mà đội mình thủng lưới đến… 29 bàn. Có trận thua đến 11-0. Cũng dễ hiểu thôi vì đội mình yếu, ngày đó tôi cũng đâu có biết gì đâu, chưa được đào tạo chuyên môn, ăn tập một ngày nào cả. Cứ thế vào mà bắt thôi nên bay nhảy, phản xạ kém lắm.

Nhưng không ngờ đội thua tan nát, thủng lưới quá trời thế mà các thầy ở Đồng Tháp lại chấm tôi. Đơn giản bởi lúc đó thể hình tôi so với các bạn đồng trang lứa quá vượt trội. Đứng vào đội hình nhìn khác biệt lắm. Các thầy nhìn thấy lợi thế đó nên quyết định trao cơ hội cho tôi.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 2.

Khi biết tin tôi được Đồng Tháp chọn, mẹ không muốn cho tôi đi, nhưng bà ngoại lại động viên, bảo thôi cứ cho thằng Trường vào đó. Giờ ở nhà khó khăn, cho nó đi vào lò được người ta nuôi ăn, nuôi học thì cũng đỡ cho gia đình.

Vào tập được 1 năm thì tôi bị loại sau đợt sát hạch của đội. Cứ tưởng là con đường bóng đá của mình hết rồi, nhưng không ngờ Đồng Tháp lại mở cho tôi một con đường khác.

Số là lúc đó trường thể thao Thủ Đức có đợt thi chọn quân cho đội dự tuyển U18 quốc gia. Đáng ra các CLB phải cử những người giỏi nhất để đến thi, nhưng Đồng Tháp họ muốn giữ lại lứa của Phan Thanh Bình để đá giải nên quyết định cho nhóm các cầu thủ bị loại như tôi đi.

Nhờ "tấm vé vớt" đó mà tôi được chọn và lại tiếp tục gắn bó với bóng đá, chứ không chắc cũng lại đi về kiếm công việc tay chân nào đó phụ giúp gia đình.

BÀI HỌC TỪ GAME VÀ NHỮNG LẦN ĐI NHẶT BÓNG

Từ năm 2002 đến 2006, tôi đi đâu cũng chỉ bắt dự bị người ta, từ CLB đến các cấp độ đội tuyển. Chỉ có duy nhất một mùa tôi được cho mượn về Cần Thơ đá giải hạng Nhì thì mới có cơ hội bắt chính và đội năm đó giành quyền lên hạng Nhất.

Trở lại Đồng Tháp năm 2007 tôi vẫn chỉ dự bị. Nhưng vào giải được vài trận thì thủ môn chính thức bắt không tốt, cơ hội đến với tôi và từ đó tôi chiếm được suất bắt chính. Năm đó tôi 21 tuổi.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 3.

Vào nghề muộn nhưng Tấn Trường tiến bộ rất nhanh.

Nhớ năm 15 tuổi tôi còn chưa biết gì, nhưng 6 năm sau nhờ sự cố gắng của bản thân tôi bắt đầu có dấu ấn đầu tiên. Quãng thời gian 6 năm đó tôi luôn tự nhủ mình phải cố gắng tập luyện. Từ một thằng không biết gì về đá bóng, tôi không chỉ tập luyện để bắt sao cho tốt mà còn tập cả chơi chân nữa.

Như quả phát bóng tấn công là tôi tìm tòi và học hỏi để cố luyện cho thành thục. Lúc ấy tôi chỉ là thằng bé nhặt bóng thôi, ngồi trên sân nhìn thủ môn Santos phát bóng tấn công mình mê lắm. Anh ta vung chân rồi miết quả bóng đi đúng tầm đồng đội băng lên để tổ chức tấn công nhanh. Tôi nhìn mà phát mê, quyết phải luyện cho bằng được.

Tất nhiên cũng phải cố lắm, rèn giũa thời gian dài mới được chứ những ngày đầu tập trên sân tập có khi mình toàn phát bóng vào trúng chân tiền đạo đối phương (cười).

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 4.

Những ngày đó còn có một câu chuyện thế này. Tôi vốn mê game từ bé. Đầu những năm 2000 có mấy trò Half-Life, MU rồi Võ lâm truyền kỳ, tôi đều chơi cả. Có thời gian tôi mê game kinh khủng. Cứ tập xong lại đi chơi game. Sáng chơi, chiều chơi, tối chơi. Cứ ngoài giờ tập là lại lén trốn ra quán điện tử.

Nhưng rồi tôi thấy mình dần bị hụt hơi trên sân tập. Ngày đó còn trẻ, giáo án nặng lắm, mình không đủ thể lực thì không thể tập nổi. Tôi nghĩ thế này không ổn rồi. Mình phải tính lại thôi. Và rồi tôi tự tiết chế lại, cho cơ thể mình nghỉ ngơi, ăn uống sinh hoạt hợp lý để có sức mà tập. Tôi tự nghĩ và tự làm thôi chứ không phải có biến cố hay câu chuyện gì xảy ra cả.

Giờ về Hà Nội thì cũng vẫn nhớ game. Buổi tối rảnh, tôi với Phí Minh Long vẫn đèo nhau đi làm vài ván game rồi về ngủ. Tôi chỉ mê game thôi, chả mê gì khác cả. Có một đợt tôi hút thuốc lá, tuy nhiên sau thấy như thế không tốt cho nghề nên quyết tâm bỏ.

Nhưng rồi đến một ngày tôi vô thức châm lại điếu thuốc. Đó là khi bị stress cùng cực sau SEA Games 2009.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 5.

TRÁI ĐẮNG Ở SEA GAMES 2009

Merdeka Cup 2008 là giải đấu đầu tiên tôi được bắt chính ở cấp độ quốc tế cho đội tuyển. Trước đó SEA Games 2007 tôi cũng được đi, nhưng chỉ là thủ môn số 3 của đội thôi. Thế mà không hiểu sao vừa rồi xem sản phẩm của một người cũng có tiếng, tôi thấy họ đề cập rằng U23 Việt Nam thua ở SEA Games 2007 là lỗi do tôi. Ủa sao lại thế? Năm đó tôi có được vào bắt phút nào đâu mà đổ lỗi cho tôi.

Nghĩ cũng buồn cười. Kiểu như cứ đội thua, thủ môn sai lầm là người ta nghĩ đến Tấn Trường. Mà thậm chí như chuyện SEA Games 2009 người ta cứ nói tôi mãi mà đâu hiểu hết sự tình.

Trận chung kết với Malaysia tôi bị chấn thương nhưng chỉ là trật khớp vai thôi. Còn đứt dây chằng là chuyện về sau, vì cố thi đấu, dây chằng co giãn nhiều mà không có điểm bám mới thế chứ không phải tôi bị nặng thế ngay lúc đầu.

Khi từ Lào về nước tôi phải nhận rất nhiều chỉ trích, nói mình ích kỷ không chịu rời sân. Thực sự lúc đó tôi đã ra ký hiệu thay người, nhưng được sự tin tưởng của HLV, tất cả anh em cầu thủ động viên, bác sỹ vào sân chăm sóc cũng hỏi mình có cố được không. Thực sự mọi người rất tin mình.

Lúc đó cánh tay cảm giác rất đau, khó cử động, nhưng bác sỹ bảo có cách làm cho tôi mất cảm giác đau và có thể đứng trong khung thành tiếp. Họ tiêm cho tôi một mũi thuốc tê trực tiếp vào vùng trật khớp. Ngay lập tức tôi có thể cử động tay lên xuống được luôn mà không thấy đau nữa.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 6.

Pha bóng dẫn đến chấn thương vai trái của thủ môn Tấn Trường.

Hầu như mọi người không biết cụ thể chuyện đó mà chỉ nhớ rằng mình thua Malaysia 0-1. Trận ấy tôi đâu có lỗi gì. Ngay tình huống bị thua, pha trước đó đối mặt tiền đạo đối phương tôi còn cản phá được cơ mà. Đến quả tạt tiếp theo thì thực sự nó cũng không có gì nguy hiểm. Bóng gần đến, tôi đã đặt hai tay để chờ bắt rồi thì bất ngờ Mai Xuân Hợp đưa cái vai vào.

Người ta cứ nói rằng lỗi do tôi, rằng tay đau mà không ra sân để rồi không kịp đổ người. Nhưng tôi đau tay trái, còn quả đó bên tay phải cơ mà. Đâu có liên quan gì cơ chứ mà bảo tôi tay đau không đưa ra bắt được. Tình huống diễn ra quá bất ngờ và thủ môn khó phản xạ kịp. Chỉ đơn giản thế thôi.

Tôi vẫn nhớ sau bàn thua ấy, cả sân vận động chết lặng. Hàng chục nghìn CĐV Việt Nam phủ đỏ cả sân quốc gia Lào nhưng trong khoảnh khắc đó không ai nói lên lời. Tất cả lặng im như tờ. Tôi hét lên đầy cay đắng, còn Mai Xuân Hợp thì đổ gục xuống. Lúc ấy thực sự cũng muốn có ai đó sốc tinh thần anh em lên, nhưng mà thực tình không sốc nổi nữa rồi.

Kết thúc trận đấu, Việt Nam thua Malaysia 0-1 và rồi bức ảnh giữa tôi và HLV Calisto ở cabin huấn luyện bắt đầu được lan truyền. Ai cũng nghĩ HLV Calisto đang bóp cổ tôi. Nhưng trong hoàn cảnh đó tôi đang bị ức mà không khóc ra được. Tôi đứng lên và muốn bỏ vào phòng thay đồ. Nhưng HLV Calisto mới tiến lại, đè tôi xuống và bảo: Mày phải ngồi đây, chứng kiến thất bại này thì mày mới là người đàn ông.

Và sau đó thì tôi bật khóc. HLV Calisto liền trấn an tôi nhưng khoảnh khắc đó thì không ai chụp lại hết. Người ta chỉ nói và thích nhắc lại về bức ảnh lúc trước đó thôi.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 7.

BÙI TIẾN DŨNG SAI LẦM, TÔI BỊ ĐEM RA NÓI. THỦ MÔN NƯỚC NGOÀI SAI LẦM, TÔI CŨNG BỊ LÔI VÀO

Nhắc lại chuyện SEA GAMES 2009 để hỏi vì sao người ta cứ soi mói tôi? Tôi mắc một lỗi nhỏ thôi là lại dập tơi tả, nói tôi bán độ này kia. Chuyện đó nếu có thì cơ quan điều tra đã tra ra rồi và tôi chẳng còn ngồi đây được nữa.

Như trận Bình Dương gặp Ceres Negros ở AFC Cup năm ngoái, pha bóng đó là trọng tài biên đã giơ cờ lên rồi, tôi nghĩ là tình huống việt vị nên dừng bóng lại và bị đối phương cướp lấy rồi ghi bàn. Đó là lỗi chuyên môn đơn thuần thôi. Nhưng ngay sau trận đấu, họp báo xong chưa bao lâu thì CLB lại có những thông tin đưa ra ngoài, nghi ngờ tôi có tiêu cực, rồi báo chí cứ thế dồn lên, trong khi đáng ra chính đội bóng phải bảo vệ cầu thủ của mình.

Năm 2013, Việt Nam đá vòng loại Asian Cup 2015, tôi mắc lỗi ở trận gặp Uzbekistan và báo chí phản ứng rất gay gắt. Có nơi còn viết rằng nên loại thẳng Tấn Trường khỏi đội tuyển. Nhưng ở tuyển thì ban huấn luyện rất bảo vệ tôi. Không chỉ vì đó là hình ảnh quốc gia mà bởi mọi người hiểu đó chỉ là vấn đề chuyên môn đơn thuần chứ không phải tư tưởng tôi có vấn đề.

Sau đó tôi bị Bình Dương kỷ luật nội bộ, phải treo găng một thời gian. Tôi có nói luôn rằng đội bóng làm thế này thì nếu có trở lại tôi cũng không bắt tốt được nữa. Thủ môn dễ bị vết hằn về tâm lý, lần sau rất dễ mắc lỗi lại vì bị tâm lý rồi. Và sau đó trở lại thực sự tôi đã bị ảnh hưởng.

Mà nói thật khi tôi mắc lỗi mà bị xử lý như thế thì chính người thay thế tôi là Trần Đức Cường cũng bị tâm lý. Nhưng sao lúc Đức Cường mắc lỗi người ta không chỉ trích, mà lại cảm thông, kiểu trước Tấn Trường lỗi rồi, giờ Đức Cường lỗi cũng là bình thường. Ủa vậy là sao? Tại sao cứ thủ môn sai lầm thì nhớ đến tôi vậy?

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 8.

Tình huống mắc lỗi ở trận gặp Ceres Negros khiến thủ môn Tấn Trường phải chịu án kỷ luật nội bộ tại Bình Dương.

Như vụ Bùi Tiến Dũng vừa rồi chẳng hạn. Khi cậu ấy mắc sai sót ở SEA Games, người ta gọi cho tôi, còn nói là Tiến Dũng mắc lỗi như Tấn Trường ngày xưa. Tại sao người ta cứ phải chăm chăm chỉ trích, gây áp lực cho thủ môn, trong khi không thể động viên, khích lệ để em ấy vượt qua? Và như tôi đã nói, thủ môn mắc lỗi rồi thì rất dễ bị tâm lý. Đặc biệt nếu càng bị chỉ trích thì càng dễ sai sót. Và rồi vào giải U23 châu Á, cậu ấy lại mắc một lỗi bóng bổng như vậy.

Hay khoảng thời gian này năm ngoái, thủ môn Kawin mắc lỗi để Anh Đức đánh đầu ghi bàn trong trận Việt Nam – Thái Lan tại King’s Cup. Sau đó có một đơn vị truyền thông chế ảnh thủ môn Kawin sai lầm rồi ghép mặt tôi vào. Tôi bức xúc vô cùng. Thậm chí định làm lớn chuyện luôn rồi. Tại sao hết thủ môn thế giới rồi Việt Nam sai lại cứ lôi tôi ra để nhắm vào? Nhắm vào tôi để lấy tương tác cao à?

Về sau thấy tôi bức xúc thì họ có liên lạc xin lỗi và giải thích rằng đó là của một bạn thực tập mới vào, muốn có bài đăng tương tác cao một chút để báo cáo với sếp nên mới làm vậy. Tôi chấp nhận lời xin lỗi rồi bỏ qua, cũng bởi mình nghĩ giờ có quá nhiều báo muốn viết về mình theo kiểu tiêu cực, chẳng lẽ đi kiện hết tất cả hay sao.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 9.

TÔI TRỞ LẠI ĐỂ CỐNG HIẾN CHO BÓNG ĐÁ, CHO CLB, KHÔNG PHẢI ĐỂ CHIỀU LÒNG DƯ LUẬN

Kết thúc mùa giải 2019, tôi rời Bình Dương. Tôi nhớ ở giai đoạn lượt về, những lần ra sân cuối của mình là chuỗi 3 trận thắng liên tiếp của đội và Bình Dương đủ điểm để trụ hạng.

Xong như thế thì họ lại cho tôi về dự bị, để người khác bắt. Tôi cũng chả ý kiến gì. Hết mùa, tôi vẫn còn hợp đồng nhưng người ta quyết định thanh lý. Anh hỏi lúc tôi ở Bình Dương cũng lâu, về nghỉ như thế thì có tri ân gì hay không à? Thực tình chả có gì cả. Chẳng tiệc tùng, tặng hoa hay tạm biệt gì. Cứ thế mà chia tay nhau thôi.

Trước khi về Hà Nội, từ đầu mùa đã có Nam Định, Hà Tĩnh rồi sau đó là Đà Nẵng liên hệ nhưng tôi không nhận lời. Tôi vốn đã định nghỉ nhưng đến khi về nghỉ rồi mới hiểu rằng với cầu thủ như bọn tôi, đam mê bóng đá đã ngấm vào máu rồi và không dễ mà bỏ được.

Lúc về nghỉ tôi vẫn đi đá phủi, chơi tiền đạo hẳn hoi và rất hay ghi bàn. Đến trận vòng loại cúp Quốc gia 2020, tôi còn đến sân xem Đồng Tháp đá với Hải Phòng. Ngồi trên khán đài, nhìn thủ môn Minh Nhựt đồng trang lứa với mình đến giờ vẫn còn thi đấu làm đam mê trong tôi lại trỗi dậy. Đúng lúc ấy Hà Nội liên lạc. Tôi hỏi ý kiến gia đình và quyết định nhận lời. Tôi rất trân trọng những lời mời trước của các CLB khác, nhưng có lẽ lời mời của Hà Nội đến đúng vào lúc cảm xúc của tôi lên cao nhất, muốn trở lại với V.League nhất. Chỉ đơn giản thế thôi.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 10.

Tôi biết ngày tôi ra Hà Nội, người ta xì xào nhiều điều không hay về tôi. Nhưng họ nói gì kệ họ. Quá khứ giờ tôi để sau lưng và chỉ biết cố gắng hết mình vì đội bóng. Dư luận không trả lương cho tôi, đội bóng mới làm việc đó. Nhiệm vụ của tôi trên sân là cống hiến cho đội bóng, cho khán giả, còn những "lời ong tiếng ve" tôi bỏ ngoài tai.

Tôi thấy lần trở lại này mình không có nghĩa vụ phải chứng minh với dư luận rằng mình ra sao cả. Tôi chỉ biết làm tốt thôi. Mình làm việc thật tốt thì người ta sẽ phải có suy nghĩ khác về mình.

NGƯỜI TA BẢO TẤN TRƯỜNG CỐ LÀM CHIÊU TRÒ CƯỠNG HÔN ĐỂ LẤN SÂN SHOWBIZ. SAI HẾT!

Tôi đi đá bóng xa nhà nhiều năm nên khi về nghỉ vợ con cũng vui chứ. Gia đình lại được quây quần. Ở nhà 7 tháng, tôi phụ giúp vợ việc kinh doanh, đưa con đi học, chơi với con. Cũng trong thời gian nghỉ ngơi đó mọi người có thấy tôi đi chơi game show và nói đến nhiều nhất khi có hình ảnh tôi cưỡng hôn diễn viên Quang Trung trên sóng.

Dư luận nói Tấn Trường cưỡng hôn này kia nhưng có lẽ ít người xem cả show để hiểu rút cục tình huống đó là như thế nào. Trước tiên phải nói rõ là tôi có hôn đâu, chỉ làm động tác tay che miệng Quang Trung lại rồi dứ dứ thế thôi.

Còn câu chuyện thì thế này. Ở game show đó có một câu hỏi về phong tục của một quốc gia khác, hỏi rằng sau khi kết hôn thì họ kiêng làm điều gì? Có hai phương án, một là kiêng không hôn 3 ngày, hai là kiêng không tắm 3 ngày. Thì sau đó Quang Trung mới đóng vai người chồng, tôi đóng vai vợ, giả vờ làm động tác cưỡng hôn. Chỉ có thế thôi.

Mà cũng chẳng phải tôi cố tình làm chiêu trò để lấn sân vào showbiz đâu. Tôi đâu có ham. Tôi có quen vài người bạn ở showbiz, họ mời tôi đến tham gia cùng mấy anh em cho vui.

Nói thật thù lao đâu có được bao nhiêu, nhưng mà với tôi đó là một trải nghiệm. Lúc ấy mình cũng xác định tạm nghỉ thi đấu ngoài thời gian dành cho vợ con thì tôi đi chơi gameshow với anh em bạn bè cho vui. Đơn giản thế thôi chứ chẳng phải tôi có ý định lấn sân hay gì.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 11.

Tình huống của Tấn Trường (áo trắng) và diễn viên Quang Trung ở một game show.

Tôi chả mê gì khác, chỉ mê mỗi game. Tôi chơi từ bé rồi và thấy game rất tốt cho tư duy. Tất nhiên mình chơi phải điều độ, chứ không phải cày cuốc suốt đêm suốt ngày. Như thế thì lại rất hại.

Nhiều người cũng thắc mắc rằng sao tôi mê game thế mà mắt không bị cận. Cái này thì tôi cũng không biết nữa, chắc tại tôi không nhìm chằm chằm vào màn hình quá lâu mà chơi một lúc lại nhìn sang xung quanh cho đỡ mỏi mắt.

Có câu chuyện từng được dư luận nhắc đến về việc một HLV nói thủ môn của họ do mê game nên hay bị mất tập trung. Tôi nghĩ cái đó cũng tùy. Vì tôi chơi không nhiều đâu, chơi để giải trí thôi, không để đầu óc mình bị ám ảnh.

Ngay cả 7 tháng vừa rồi tôi cũng sắp lịch stream game cụ thể. Một ngày chơi có thể đến 6 tiếng, nhưng không bao giờ ngồi lỳ liên tục mà chia ra sáng chiều tối, mỗi buổi một lúc. Còn bây giờ tất nhiên trở lại thi đấu rồi thì tôi không stream game nữa, mình phải tập trung vào chuyên môn đã, còn lại mọi thứ kia tính sau.

Tấn Trường: Tôi như vai phản diện của bóng đá, cứ thủ môn sai lầm là dư luận réo tên tôi - Ảnh 12.

Một cái nữa mọi người cũng hỏi rằng tôi là người Đồng Tháp, dân miền Tây mà lại không thích ăn nhậu. Thực ra tôi có thể uống được, thậm chí uống rất tốt, nhưng mà tôi không ham.

Từ ngày nghỉ Bình Dương về nhà có bao nhiêu tiệc tùng nhậu nhẹt mời tôi đều từ chối cả. Đi đá phủi, anh em xong trận rủ nhau đi làm cốc bia cho mát còn tôi thì đi về. Tôi không thích thì tôi không uống. Thế thôi.

Cầu thủ lứa tôi giờ đâu còn mấy ai thi đấu được. Nhìn qua nhìn lại còn Tấn Tài, Minh Nhựt, Quý Sửu, Xuân Việt… Có vài người thôi. Tôi muốn giữ cơ thể mình khỏe mạnh để thi đấu được càng lâu nữa càng tốt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại