Vài hôm nay, mấy anh hàng xóm người Hàn Quốc cứ gặp tôi là vỗ vai khen: Người Việt Nam yêu bóng đá thật. Các bạn Hàn của tôi sống ở khu The Garden, gần SVĐ Mỹ Đình nên được tận mắt chứng kiến cảnh hàng dài CĐV điên cuồng tranh nhau tấm vé bán kết AFF Cup.
Họ chen lấn, xô đẩy, thậm chí là giẫm đạp lên nhau, húc đổ cả cổng liên đoàn vì không mua được vé. Dân ta cứ lo các nước văn minh nhìn vào lại chê bai dân Việt kém ý thức, mọi rợ, mua vé mà cứ như tranh cướp thực phẩm sau động đất.
Nhưng tôi biết, ở những nước phát triển hơn Việt Nam gấp bội, cảnh tượng kiểu này cũng chẳng thiếu. Ví dụ như CĐV của CLB Celtic chẳng hạn.
Họ chỉ được đội chủ nhà Man City phân phối cho 3.000 vé, nhưng kéo theo… 50.000 CĐV sang Manchester làm loạn.
Ở Ukraine đợt EURO 2012, dân nước họ cũng chen chúc, xô đẩy nhau ở các quầy vé để giành giật cơ hội vào sân xem lễ khai mạc.
Thảm họa Hillsborough năm 1989 khiến 96 người thiệt mạng cũng xuất phát từ việc các CĐV chen chúc nhau vào sân dự khán trận đấu giữa Liverpool và Sheffield.
Những người bạn nước ngoài mà tôi biết cũng cảm thấy chuyện chen nhau để mua một tấm vé xem một trận bóng đá quan trọng như bán kết AFF Cup là chuyện bình thường. Phải vài năm mới có một trận đấu thế này, tranh cướp nhau cũng không phải là vấn đề to tát.
Tuy nhiên, tất cả những câu chuyện kể trên: CĐV Celtic, Ukraine 2012, Hillsborough 1989 và thái độ của người nước ngoài trước cảnh CĐV chen nhau mua vé đều gặp nhau ở cùng một lối tư duy: Vì tình yêu bóng đá.
Trong bóng đá, cứ nhân danh tình yêu là làm việc gì cũng có thể được thông cảm. Nhưng đó phải là tình yêu đích thực. Đó chính làvấn đề.
Tôi tự hỏi, người Việt có yêu bóng đá đến mức sẵn sàng chen chúc, giẫm đạp, sẵn sàng chi gấp 2, 3 lần giá niêm yết để mua vé, sẵn sàng nổi điên đạp đổ cổng Liên đoàn… hay không?
Yêu thì tất nhiên có người yêu. Nhưng tôi e rằng, người yêu bóng đá thật sự không nhiều trong số những người đang nhân danh tình yêu để tạo nên một đám đông hỗn loạn, mất kiểm soát trước cổng liên đoàn.
Ngồi nói chuyện với cánh đồng nghiệp làm thể thao tôi mới biết được nhiều chuyện nực cười về tấm vé. Anh bạn tôi kể, ông anh họ ở quê gọi điện ra nhờ mua vé. Đắt mấy cũng mua. Theo bạn tôi khẳng định thì ông anh này cả đời không xem bóng đá, ngồi nhậu với Quốc Vượng, Văn Quyến cũng không biết họ là… cầu thủ, nhưng nhất quyết phải ra Hà Nội xem trận này.
Tôi cũng có cô em gái tối qua gọi điện hỏi mua vé. Cô nói muốn ra sân để xem… Mạc Hồng Quân thi đấu (Mạc Hồng Quân không đá lần này).
Cảnh xếp hàng mua vé ở Mỹ Đình.
Nhiều người khi được tôi hỏi tại sao lại quyết định chi số tiền lớn để mua vé, họ cũng rất thẳng thắn thừa nhận rằng: Chẳng mấy khi Việt Nam có một ngày vui như thế.
Có rất nhiều những cổ động viên như thế. Họ coi SVĐ Mỹ Đình chỉ là một điểm check-in và trận bán kết giữa Việt Nam và Indonesia đơn giản chỉ là sự kiện hot để câu like trên Facebook.
Những CĐV thế này có tiền, có quan hệ, và đáng tiếc là những thành phần a dua thế này đang chiếm một lượng không nhỏ. Họ sẽ giành vé từ tay những fan chân chính, dẫn tới thực tế là người muốn đi thì không có vé, người coi Mỹ Đình như một điểm check-in Facebook thì rất sẵn vé trong tay.
Nó tạo ra một hiệu ứng dây chuyền, phác họa nên bức tranh hỗn loạn mà chúng ta đang phải chứng kiến: Những tay cò vé, phe vé vì để phục vụ lực lượng có tiền này sẽ giẫm đạp, chen chúc nhau để ôm càng nhiều vé càng tốt.
Người anh mà tôi quen, làm thể thao tính bằng đơn vị chục năm khẳng định: Cứ 3 người có vé trong tay thì chỉ có 0,5 người là fan đích thực. Phần còn lại là a dua, ngoại giao hoặc vì tò mò.
Những thành phần a dua sẵn tiền nhưng không có thời gian. Và họ tìm tới các tay cò, gián tiếp tạo nên cơn sốt ảo, đẩy giá vé lên cao chót vót, ảnh hưởng trực tiếp tới những fan chân chính, chỉ đơn thuần muốn chi ra một mức giá hợp lý để thỏa mãn niềm đam mê.
Chỉ một vài tấm vé AFF thôi mà cả một xã hội thu nhỏ hiện ra. Ở đó có những kẻ vụ lợi phục vụ cho đối tượng a dua và những kiếm tiền trên tình yêu chân chính của fan.