Tạm biệt Volkswagen, Trung Quốc có ‘vua xe hơi’ mới

Vũ Anh |

Thương hiệu 'made in China' đang khiến phần còn lại của thế giới ‘hít khói’.

Tạm biệt Volkswagen, Trung Quốc có ‘vua xe hơi’ mới - Ảnh 1.

Thị trường xe điện Trung Quốc bứt tốc mạnh mẽ trong năm 2023, qua đó khiến phần còn lại của thế giới phải ‘hít khói’.

Dẫu vậy, 2023 vẫn được coi là năm khá khốc liệt với các nhà sản xuất xe điện EV, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các gã khổng lồ có tiếng. Mọi người lúc này đặt ra câu hỏi: Ai sẽ là người chiến thắng?

Theo The New York Times, thị trường xe điện Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 2020, một phần nhờ hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình này hết hạn vào tháng 12 sau 13 năm, một cuộc cạnh tranh gay gắt đã nổ ra trong một phân khúc thị trường vốn đang rất đông đúc.

Cuộc chiến về giá mà Tesla châm ngòi đã lan rộng khắp toàn ngành, đồng thời khiến nhiều công ty khởi nghiệp EV vừa và nhỏ tại Trung Quốc gặp khó khăn về tài chính sau quãng thời gian dài mọc lên nhan nhản như nấm. Các chuyên gia dự đoán một giai đoạn hợp nhất của ngành có lẽ sắp xảy ra.

BYD là thương hiệu dẫn đầu, chính thức vượt qua Volkswagen để trở thành hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc: khoảng 704.000 xe năng lượng mới, trong đó 50% là xe hybrid. Theo WSJ, con số kỷ lục này tăng gần gấp đôi so với một năm trước đó.

Được biết, BYD, công ty do Warren Buffett hậu thuẫn, có thể sản xuất pin cho riêng mình. Điều này giúp hãng giảm chi phí và kiểm soát chất lượng sản phẩm tối ưu. Ngoài ra, hãng cũng đã có những động thái dứt khoát nhằm đảm bảo quyền tiếp cận các nguyên liệu thô chính.

Được thúc đẩy bởi chính sách giảm giá, Tesla ghi nhận lượng đơn giao hàng kỷ lục: 466.000 EV trên toàn cầu trong quý II/2023. Theo Hiệp hội ô tô chở khách Trung Quốc, nhà máy Thượng Hải của Tesla đã bán được khoảng 247.000 ô tô trong quý. Được biết, Tesla là thương hiệu nước ngoài duy nhất trong số các mẫu xe điện bán chạy tại Trung Quốc.

Ngoài ra, Li Auto cũng là thương hiệu ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực khi giao được gần 87.000 xe trong quý, tức gấp 3 lần so với năm ngoái. Trong khi đó, số lượng xe giao nhanh của Xpeng và Nio đều giảm.

Ô tô của Li Auto về cơ bản là xe hybrid cắm điện, sử dụng xăng để cung cấp năng lượng nếu pin sắp cạn. Công ty, với quy mô lớn hơn và đà tăng trưởng nhanh hơn, đã chính thức có lãi trong quý I với tỷ suất lợi nhuận là 20%. Cổ phiếu Li Auto cũng vận động tốt nhất trong top 3 Li Auto, Xpeng và Nio.

Theo các chuyên gia, các nhà sản xuất ô tô truyền thống sẽ cần tới một chiến lược EV tốt hơn để tồn tại. Hiện khoảng 30% ô tô được bán tại Trung Quốc là phương tiện năng lượng mới và tỷ lệ này đang tăng lên nhanh chóng.

Honda và Toyota đều chứng kiến lượng xe giao nhanh giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi hãng xe Geely được nhận định là thương hiệu chiến thắng tiềm năng. Dòng Zeekr cao cấp của Geely đã chứng kiến lượng đơn giao hàng tăng 147% trong tháng 6 này.

Theo The New York Times, hiện Trung Quốc có khoảng 300 hãng sản xuất xe điện nội địa. Didi, dịch vụ gọi xe hàng đầu của Trung Quốc, đã phát triển chiếc EV dành riêng cho tài xế. Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh, lên kế hoạch ra mắt xe điện vào năm 2023 và ngay cả Evergrande, nhà phát triển bất động sản nức tiếng vì “bom nợ” cũng không để mình lạc hậu.

Trung Quốc là thị trường hàng đầu về ô tô điện cũng như số lượng xe bán ra, thậm chí nhiều hơn cả phần còn lại của thế giới cộng lại vào năm ngoái. Các nhà sản xuất ô tô nước ngoài theo đó nhận ra nhu cầu cấp thiết trong việc giành lại chỗ đứng tại đại lục.

Cui Dongshu, tổng thư ký Hiệp hội xe du lịch Trung Quốc, cho biết cuộc chiến giá cả “chắc chắn sẽ tiếp tục” vì tầm quan trọng của việc sản xuất xe điện số lượng lớn.

“Cuối cùng, những công ty doanh số nhỏ, công nghệ kém sẽ bị đào thải”, ông Cui nói.

Theo: WSJ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại