Tin từ báo Zing.vn cho hay, chỉ trong 3 ngày hoạt động, từ 1/8 đến 3/8 đã có gần 10 phương tiện khi qua trạm thu phí trên Quốc lộ 1 địa phận huyện Cai Lậy (Tiền Giang) dùng tiền lẻ cuộn nhét trong chai nhựa để trả phí.
Có tài xế thì đưa từng tờ tiền lẻ cho nhân viên trạm thu phí.
Ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang) nói trên báo Giao thông, không chỉ dùng tiền lẻ mà một số tài xế có lời lẽ không đúng mực gây ức chế cho nhân viên của trạm.
"Họ cố tình kéo dài thời gian mỗi lần qua trạm gần 7 phút, gây ùn tắc giao thông", nguồn trên dẫn lời ông Hiệp.
Anh Ngọc Định (lái xe ở Tiền Giang) chia sẻ trên báo VnExpress, anh và một số tài xế đã khoét lỗ chai nhựa rồi cuộn tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1000 đồng rồi nhét vào trong, đưa cho nhân viên thu phí mỗi lần qua trạm. Theo chia sẻ của tài xế này thì mỗi ngày anh chuẩn bị sẵn 2 chai tiền lẻ để qua trạm.
Căn nguyên của chiêu nhét tiền lẻ vào chai nhựa được lái xe Định lý giải do... "khổ quá".
"Tôi lái xe tải giao hàng, mỗi ngày qua trạm hai lượt, mất 100.000 đồng. Tôi xin chủ hàng lên cước phí, nhưng họ không đồng ý mà còn dọa kêu xe khác. Phí qua trạm cộng với tiền dầu, tính ra chẳng còn được bao nhiêu, khổ quá tôi mới nghĩ ra cách này để phản đối", báo VnExpress dẫn lời lái xe Ngọc Định.
Tài xế bỏ tiền vào chai nhựa đưa cho nhân viên. Ảnh cắt từ clip của Vnexpress
Trên báo Đất Việt, ông Huỳnh Văn Nguyện (Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Tiền Giang) cho hay, sang tuần phía Hiệp hội sẽ làm việc với các lái xe về sự việc này. Ông nói việc phản đối trạm thu phí trên Quốc lộ 1 địa phận huyện Cai Lậy đã xảy ra nhiều vì đang đụng chạm đến quyền lợi của dân.
"Ở đây là chỉ có vài trường hợp, đầu tuần chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo thông tin cụ thể cho cơ quan quản lý... Bên chỗ trạm thu phí BOT thì giải thích do thời gian thu phí ngắn nên giá mức thu phí tương đối cao, chỉ có 6 năm 5 tháng", nguồn trên dẫn lời ông Nguyện.
Ông Nguyễn Phú Hiệp (Giám đốc Công ty TNHH BOT đầu tư QL1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án BOT tuyến tránh Thị xã Cai Lậy) cũng đã có đơn kêu cứu gửi công an tỉnh, Sở GTVT và UBND các huyện về việc một số tài xế dùng tiền lẻ khi qua trạm thu phí.
Theo ông thì việc làm của các tài xế gây khó khăn cho nhà đầu tư.
"Việc đặt trạm thu phí không phải do chủ đầu tư muốn đặt đâu thì đặt.
Thứ nhất, muốn đặt phải được UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT, Bộ Tài chính đồng ý. Thứ hai, việc đặt trạm do một đơn vị tư vấn độc lập của Bộ GTVT thuê, sau khi đo đạc lưu lượng xe đưa đến thống nhất vị trí đặt trạm, nên chủ đầu tư chỉ thực hiện theo mà thôi", ông Hiệp lý giải trên báo Thanh niên xung quanh một số luồng dư luận phản đối trạm.
Được biết, trạm thu phí trên Quốc lộ 1 địa phận huyện Cai Lậy (Tiền Giang) đi vào hoạt động từ 0h ngày 1/8/2017. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động với 85 nhân viên phục vụ. Mức phí mỗi lượt qua trạm từ 35.000 đến 180.000 đồng.
Trước đó, sự việc hàng loạt lái xe dùng nhiều đồng tiền lẻ loại 200, 500, 1000 đồng để mua vé qua trạm thu phí cầu Bến Thuỷ hồi tháng 4/2017 cũng gây xôn xao dư luận.
Nhiều chủ xe và người dân cho rằng, họ không đi đường BOT những vẫn phải gánh phí khi qua cầu Bến Thủy I và II. Cụ thể, vé bán tại đây lại in có nội dung trả phí cho đường BOT.
Việc tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm khiến thời gian kéo dài, xảy ra tắc nghẽn cục bộ ở trạm thu phí. Phía trạm phải điều thêm nhân viên ra đếm tiền lẻ trả phí của tài xế.
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí khi qua cầu Bến Thủy. Ảnh: Gia Hưng
(Tổng hợp)