Tại sao Ukraine không bao giờ trở thành “cường quốc tàu ngầm”

PV |

Trên trang mua sắm công của Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố gói thầu tiêu huỷ một chiếc tàu ngầm điện-diezel nào đó thuộc đề án 641. Thời hạn nộp hồ sơ được xác định vào trước 25/7, giá trị gói thầu không được đưa ra.

Người Mohican cuối cùng

Trên trang mua sắm công của Bộ Quốc phòng Nga vừa công bố gói thầu tiêu huỷ một chiếc tàu ngầm điện-diezel nào đó thuộc đề án 641. Thời hạn nộp hồ sơ được xác định vào trước 25/7, giá trị gói thầu không được đưa ra.

Có gì giật gân ở đây đâu? Các tàu chiến của hạm đội hải quân đã hết hạn sử dụng và được đưa khỏi biên chế sẽ bị tháo rỡ làm sắt vụn hoặc bán với giá độc quyền cho các nước "thế giới thứ ba". Nếu như, tất nhiên, tìm được quốc gia có nhu cầu mua. Điều quan trọng – quốc gia đó phải có tiền để duy trì khí tài đã qua sử dụng này trong tình trạng hoạt động.

Bên cạnh đó, các tàu ngầm điện-diezel đề án 641 (gọi tắt là 641), hoặc theo phân loại của NATO là "Foxtrot" – theo những chuẩn mực hiện hành hoàn toàn thuộc diện sắp phải đánh đắm. Thời kỳ vàng son của dòng tàu ngầm này là cuộc xung đột Caribe năm 1962, khi 4 chiếc tàu ngầm của Liên Xô bí mật di chuyển tới Cuba.

Trong bối cảnh vũ khí ngày càng phát triển, đến cuối thập niên 80, chúng đã bị coi là lỗi thời. Vào những năm 90, chúng bị đưa khỏi biên chế hạm đội Liên Xô và Nga.

Vào đầu thập niên 2000, "Foxtrot" bị Ba Lan và Ấn Độ đưa ra khỏi biên chế. Đến đầu thập niên này, các tàu ngầm trên chỉ còn lại trong hàng ngũ 3 hạm đội "các cường quốc biển" – Cuba, Libya và… Ukraine.

Câu chuyện về chiếc tàu ngầm "Zaporozye" duy nhất của Ukraine, theo ý kiến của đại tá hải quân Nga Vladimir Shigin, xứng đáng viết nên cả một tiểu thuyết.

Đã hơn 5 năm, người dân và du khách của Sevastopol có cơ hội độc nhất vô nhị ngắm nhìn "người anh cả" và "niềm tự hào của lực lượng tàu ngầm Ukraine" neo đậu ở bến cảng Yuznaya bukhta dưới lá cờ hải quân Nga. Chính xác chiếc tàu này sẽ bị tiêu huỷ.

Từ vinh quang cho tới sự vô vọng: Làm sao chiếc tàu ngầm Liên Xô lại ở Ukraine

Tuy nhiên, trước khi kể câu chuyện hài hước về chiếc tàu ngầm hi sinh trong trận không chiến không cân sức trên lãnh thổ Ukraine, cần phải lưu ý rằng chiếc tàu ngầm này từ được biên chế vào năm 1971 và 25 năm phục vụ tận tuỵ trong hàng ngũ 3 hạm đội hải quân Liên Xô và Nga là Baltic, Biển Bắc và Biển Đen.

Không phải chiếc tàu chiến nào trong thời bình cũng có thể tự thưởng bởi những thành tựu mà B-435 đã có được – đó là 14 chuyến hành trình trên đại dương, bao gồm hành trình từ Biển Baltic tới Biển Barentzevo vòng qua bán đảo Scandinavo, những chuyến hải trình tới Đại Tây Dương và Địa Trung Hải cùng với các lần cập cảng Cuba, Syria, Nam Tư, Ai Cập, Ma-rốc, Tunisia.

Mùa hè năm 1990, chiếc tàu ngầm lỗi thời đã di chuyển từ Biển Trắng sang Biển Đen, nơi mà sau đó nó chìm sâu vào bóng tối.

Khi phân tách Hạm đội Biển Đen vào năm 1997, chiếc tàu ngầm B-435 thuộc về Ukraine một cách không phải ngẫu nhiên. Những người Ukraine khôn ngoan đã lựa chọn nó cho hạm đội của mình như chiếc tàu ngầm có khả năng sẵn sàng chiến đấu tốt nhất trong hàng ngũ tàu ngầm của Hải đội số 155.

Trước đó không lâu nó vừa qua giai đoạn trung tu, còn vào năm 1994, nó được nhận danh hiệu chiếc tàu ngầm "tuyệt vời" trong Hạm đội Biển Đen chưa bị chia đôi. Vào ngày 11/6/1997, lá cờ Ukraine đã được kéo lên trên cầu tàu B-435, nó được đặt tên là "Zaporozye" và gắn mã số "U01".

Câu chuyện liên quan tới mã số cũng có tính chất biểu tượng. Chiếc tàu ngầm đã lỗi thời được công bố là chiếc tàu chiến đầu tiên của Ukraine. Bên cạnh đó, người Ukraine tiếp cận việc xây dựng "lực lượng tàu ngầm" của mình với quy mô đặc thù.

Đã tổ chức cả một quân đoàn – một hải đội tàu ngầm của Hải quân Ukraine. Thực ra, nó đã bị giải tán sau đó vài năm do nhân sự quá đông, lại chỉ ngồi chơi xơi nước. Nguyên nhân hết sức vớ vẩn – Kiev không tìm kiếm được nguồn lực tài chính để đóng mới hoặc mua các tàu ngầm mới, còn chiếc tàu ngầm duy nhất hiện có đã không còn khả năng lặn xuống biển sâu.

15 năm không lặn bao giờ

Cần phải nói rằng ngay từ đầu, chiếc tàu đã gặp phải nhiều vấn đề dưới màu cờ mới. Một mặt, nhiều thành viên kinh nghiệm của thuỷ thủ đoàn đã bỏ đi vì không muốn phục vụ cho Ukraine. Thứ hai, các pin ắc quy bị hư hỏng, nhưng lại không có tiền để thay thế. Bởi vậy, chiếc tàu đã bị neo tại cảng ở Balaklav bukhta. Người ta đã quên hẳn nó trong vòng vài năm.

Nó chỉ được "nhớ đến" vào cuối năm 2002. Người ta đã bố trí được số tiền 3,5 triệu USD để mua các pin ắc quy của Hi Lạp, và vào tháng 2/2003, «Zaporozye" được lai dắt đến nhà máy đóng tàu số 13 thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol.

Chính quyền Ukraine kỳ vọng rằng vào đầu năm 2005 chiếc tàu ngầm có thể ra khơi. Vào năm 2004, trước sự kiện "Cách mạng Cam", một nhóm các sĩ quan – thành viên thuỷ thủ đoàn "anh cả của hạm đội tàu ngầm Ukraine" đã được cử tham gia một khoá đào tạo đặc biệt ở Mỹ.

Tuy nhiên, những kỹ năng chỉ huy các tàu ngầm có được từ người Mỹ lại không giúp ích gì cho những thuỷ thủ Ukraine.

Tình hình mắc kẹt giữa hài kịch và thảm kịch. 3,5 triệu USD đã được chi ra một cách vô nghĩa. Các pin ắc quy của Hi Lạp không phù hợp với tàu ngầm của Liên Xô. Chính những ắc quy này đã bị các thuỷ thủ Ukraine tháo ra bán sắt vụn. Như vậy, chiếc tàu ngầm duy nhất của Ukraine lại bị neo tại bến cảng.

Bộ trưởng Quốc phòng mới của Ukraine khi đó, ông Anatoly Gritzenko, đã không ảo tưởng đối với "Zaporozye" và đề nghị đưa nó khỏi biên chế và đem bán. Hơn nữa, có lúc Libya gần như đồng ý mua chiếc tàu ngầm của Ukraine để bổ sung vào thành phần hạm đội 02 chiếc "Foxtrot" còn lại của mình. Tuy nhiên, ý tưởng này không thành hiện thực.

Hóa ra, vỏ tàu không thể cứu được. Vào năm 2009, Kiev một lần nữa quyết định phục hồi chiếc tàu ngầm "đã mang tới nhiều đau khổ" cho lực lượng hải quân của mình. Và họ lại nhờ Nga giúp đỡ.

Vào đầu năm 2010, cuối cùng thì các ắc quy mới đã được lắp đặt trên "Zaporozye", cùng với hàng loạt các công việc tu sửa đã được thực hiện, mà sau đó ít ra chiếc tàu đã có thể ra khơi. Tổng chi phí đại tu "người anh cả của lực lượng tàu ngầm Ukraine" được đánh giá vào khoảng 60 triệu hrivnia, chưa tính chi phí mua ắc quy.

Vào năm 2011, "Zaporozye" đã tham gia vào cuộc tập trận chung hải quân Nga-Ukraine mang tên "Vùng biển hoà bình". Thực ra, trong vai trò một chiếc tàu ngầm bị đắm giả định. Còn phần diễn tập có sự tham gia của nó lại diễn ra ngay ở cảng của nhà máy đóng tàu số 13.

Sợ rằng không tới được Odessa

15 năm sau khi thượng cờ Ukraine, "Zaporozye" cuối cùng đã có thể ra khơi với việc sử dụng động cơ của chính mình (nhưng vẫn phải có tàu kéo đi theo dự phòng trường hợp xấu xảy ra), lặn xuống độ sâu 14 m của kính tiềm vọng và thậm chí sau đó còn di chuyển dưới nước.

Sự kiện diễn ra vào tháng 7/2012 này được toàn bộ quan chức quốc phòng Ukraine cấp cao nhất theo dõi, gồm cả bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Salamatin, tổng tham mưu trưởng, trung tướng Vlaimir Zaman và quyền tư lệnh Hải quân Ukraine phó đô đốc Yury Ilin. Thiếu mỗi tổng thống Yanukovich.

Vào đầu năm 2013, người ta lại tiếp nhận chiếc tàu ngầm "Zaporozye" vào thành phần lực lượng hải quân Ukraine một cách trang trọng, với quốc ca được cử hành và thượng cờ. Nơi đồn trú của nó được xác định là Streletzkaya bukhta ở Sevastopol.

Nó neo đậu ở đó tới ngày 22/3/2014, sau khi diễn ra cuộc đàm phán với những đại diện của Hạm đội Biển Đen, thuỷ thủ đoàn "Zaporozye" đã thượng lá cờ hải quân trên chiếc tàu này.

Phần lớn thuỷ thủ đoàn với thuyền trưởng là đại tá hải quân Robert Shageev đã chuyển sang phục vụ cho Hạm đội hải quân Nga. Cùng ngày, cựu tàu ngầm của Ukraine đã chuyển tới đóng quân ở Yuznaya bukhta thuộc thành phố Sevastopol cho tới nay.

Có nên nói rằng Hạm đội Biển Đen của Nga "vui mừng" với "món quà" này từ phía Ukraine hay không. Nó không còn khả năng triển khai chiến đấu. Biến nó thành bảo tàng – Nga cần để làm gì?

Cuối cùng, người ta đã đưa ra một quyết định thực sự thông thái – khuyên các đồng nghiệp Ukraine tới và mang đống sắt vụn của mình đi đâu đó ra khỏi lãnh hải Crimea. Tuy nhiên, chẳng ai cần quan tâm tới "biểu tượng của hải quân Ukraine". Ukraine lại quên mất "Zaporozye". Hoặc đơn giản là họ sợ rằng, chiếc tàu ngầm này sẽ chìm nghỉm ở đâu đó trên đường về Odessa.

Cuối cùng, khi tổng thống Nga một lần nữa đề nghị Ukraine tới Crimea và mang nó hồi hương, thì Ukraine yêu cầu Nga tu sửa đống sắt vụn này, cộng thêm việc ra yêu sách trả lại cả bán đảo Crimea. Cuộc nói chuyện chấm dứt ở đây.

"Bầy sói" không trở thành hiện thực

Thêm một tình tiết đáng quan tâm trong câu chuyện liên quan tới "hạm đội ngầm" của Ukraine – đó là đáng lẽ ra Ukraine đã có tối thiểu hai chiếc tàu ngầm.

Như đã biết, câu chuyện về lực lượng hải quân Ukraine bắt đầu từ sự hành động ăn cướp một cách công khai, khi nhóm cựu sĩ quan hải quân Liên Xô chiếm và đưa chiếc tàu hộ vệ duy nhất của Hạm đội Biển Đen khi đó từ Crimea tới Odessa.

Câu chuyện này xảy ra vào tháng 7/1992, đúng vào đỉnh điểm cuộc đối đầu giữa tư lệnh Hạm đội Biển Đen, đô đốc Igor Kasatanov với chế độ Kravchuk một mực tuyên bố Hạm đội Biển Đen là tài sản của Ukraine.

Ngày 13/3/1992, phó chỉ huy sư đoàn tàu ngầm số 14, đại uý Evgeny Lupakov cùng với nhóm những người đồng chí hướng đã tổ chức chiếm chiếc tàu ngầm tối tân B-871 (đề án 887V "Paltus") và cùng thuỷ thủ đoàn của chiếc tàu này đã tuyên thệ phục vụ Ukraine, trực tiếp vi phạm mệnh lệnh của tư lệnh hạm đội Kasatanov.

Tuy nhiên, những sĩ quan và thuỷ thủ yêu nước đã chốt chặt trong khoang số 4 của chiếc tàu ngầm và hứa sẽ cho nó nổ tung nếu không chấm dứt việc tuyên thệ. Cuối cùng, trong tổng số toàn bộ thuỷ thủ đoàn B-871, chỉ có 5 sĩ quan và 1 thuỷ thủ sang phe Ukraine.

Sau hoạt động tu sửa, B-871 đã có tên mới là "Alros" và cho tới khi những tàu ngầm điện-diezel tối tân đề án 636.3 "Varshavyanka" chưa xuất hiện, nó là chiếc tàu ngầm có khả năng chiến đấu duy nhất của Hạm đội Biển Đen.

Liên quan tới sĩ quan đào tẩu Lupakov, thì anh ta được chính quyền Ukraine tiếp nhận. Hiện nay, Lupakov là một trong những lãnh đạo của "Hội đồng những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine" và lãnh đạo danh dự của "Liên đoàn các sĩ quan Ukraine".

Thỉnh thoảng anh ta đưa ra những tuyên bố chống Nga trên các phương tiện truyền thông Ukraine. Vào năm 2017, anh ta từng hứa sẽ tiêu diệt Hạm đội Biển Đen "nếu như Ukraine có đủ 5 tàu ngầm".

Thêm một chiếc tàu ngầm Liên Xô bị đưa khỏi biên chế SS-130 vào năm 2000 đã được chính Vladimir Putin tặng cho "dân tộc Ukraine anh em". "Món quà" được lai dắt tới Kherson (Ukraine) để biến thành bảo tàng của lực lượng hải quân Ukraine. Đương nhiên, không có bảo tàng nào được thành lập. Không hiểu số phận chiếc tàu này trôi dạt về đâu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại