Tại sao Tháp nghiêng Pisa lại nghiêng?

Trần Vũ Đức |

Tháp nghiêng Pisa không thẳng, hay nói cách khác là bị nghiêng vì tại thời điểm xây dựng, móng của tòa tháp chỉ sâu 3 mét, thậm chí nó còn được xây trên một nền đất lún ven sông, và nền đất này không thể chịu được trọng lượng của cả một tòa tháp khổng lồ như vậy.

Tháp nghiêng Pisa (Ý) được coi là một trong những kì quan thiên nhiên vĩ đại của thế giới thời trung cổ. Và lí do khiến nó vĩ đại là vì nó nghiêng, đúng với cái tên mà chúng ta vẫn thường gọi cho tòa tháp này.

Và dĩ nhiên, những người tạo ra nó không hề có ý định xây nghiêng. Thợ xây dựng của tòa tháp ban đầu chỉ muốn xây một cái tháp chuông đơn giản, nhưng thật không ngờ, nhờ một sự cố mà công trình của họ được cả thế giới biết đến.

Tháp nghiêng Pisa khởi công vào ngày 9 tháng 8 năm 1173. Trong 5 năm đầu tiên sau ngày đó, tháp vẫn đứng thẳng, nhưng sau khi xây dựng xong tầng 3 vào năm 1178 thì toàn bộ cấu trúc tháp bắt đầu nghiêng.

Khởi đầu của sự "nghiêng"

Các cấu trúc cao và nặng thường phụ thuộc rất nhiều vào nền móng. Và móng của tòa tháp này chỉ sâu 3 mét, còn nền thì lại là đất lún, và điều gì đến cũng đến, nó không thể chịu sức ép của tòa tháp, tháp Pisa bắt đầu nghiêng.

Sau khi phát hiện điều này, việc xây dựng đã ngừng lại trong 100 năm và các nhà chức trách đã chờ đợi để tìm hướng giải quyết. Nhưng vào thời điểm đó, một cuộc chiến tranh đã diễn ra với Genova, và họ đã chuyển hướng sự chú ý cho cuộc chiến.

Công trình được tiếp tục và sau đó lại dừng lại.

Năm 1272, Giovanni di Simone tiếp tục xây dựng từ tầng 4 và để giữ thăng bằng cho tháp, ông đã xây một bên còn lại của phần nghiêng cao hơn.

Để giảm trọng lượng phần trên của tháp, Simone không chỉ giảm bớt khối lượng phần trên của tháp mà còn lựa chọn các nguyên liệu nhẹ, và trong tường còn để lại một khe hổng khoảng 30 – 80cm, càng lên cao chỗ rỗng càng lớn.

Việc xây dựng lại phải dừng lại một lần nữa vào năm 1284 do nội chiến Meloria.

Tầng 7 đã được hoàn thành vào năm 1319, một buồng treo chuông được thêm vào năm 1372 và một con đường nhỏ cũng được xây dựng gần tòa tháp (và nó đã khiến tình trạng nghiêng tồi tệ hơn). Sau đó, tòa tháp nghiêng bị bỏ hoang cho đến thế kỉ 19.

Tại sao Tháp nghiêng Pisa lại nghiêng? - Ảnh 2.

Tháp Pisa trong Thế chiến II

Trong Thế chiến II, tòa tháp đã rất may khi không bị quân đội Mỹ đốn hạ (ngày đó quân đội Mỹ được lệnh bắn hạ từng cấu trúc một vì sợ lính bắn tỉa nấp trên đỉnh tháp để quan sát), nhưng thời điểm đó, Ý đã rút lui nên Mỹ không còn lí do để phá hủy công trình này.

Sự sống lại của tháp Pisa

Ý đã yêu cầu hỗ trợ kinh phí để ngăn tòa tháp đổ sập từ năm 1964. Tuy nhiên, họ muốn giữ vững độ nghiêng đó, vì nó sẽ thu hút khách du lịch.

Và như một biện pháp tạm thời, họ đã thêm vào các đối trọng bằng chì nặng 800 tấn để giữ cho tháp không bị đổ sập. Chuông trên tháp cũng dần được gỡ bỏ và thêm các neo xuống đất để củng cố cho tòa tháp.

Tại sao Tháp nghiêng Pisa lại nghiêng? - Ảnh 3.

Các đối trọng bằng chì được bổ sung dưới chân tháp

Tháp được mở lại cho công chúng tham quan vào năm 2001, và độ nghiêng hiện tại của nó là 3,99 độ. Thật không sai khi người ta gọi đây là công trình độc đáo nhất hành tinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại