Tại sao quốc tế nên dè chừng chương trình tên lửa của Triều Tiên?

Tuệ Minh |

Sau một loạt những vụ thử tên lửa thất bại trước đó, Bình Nhưỡng đã đạt được một phần thành công trong vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Musudan mới nhất vào sáng sớm ngày 22/6.

Hai tên lửa Musudan của Triều Tiên đã bay được quãng đường 150 km và 400 km, còn khá xa so với kết quả được coi là thành công của một vụ thử tên lửa.

Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ dần dần với mục tiêu là 3.500 km. Bốn lần thử trước đó của nước này hồi tháng 4 và tháng 5/2016, các tên lửa Musudan đều đã nổ ngay sau khi rời bệ phóng.

Triều Tiên cũng đã đạt được tiến bộ tương tự trong năm nay với tên lửa đạn đạo liên lục địa (SLBM) khi loại vũ khí này bay được 30 km trước khi nổ tung. Tên lửa Musudan được đánh giá là phương tiện đe dọa căn cứ quân sự Mỹ ở Guam, một điểm quan trọng trong kế hoạch bảo vệ Hàn Quốc của đồng minh Mỹ. 

Đầu tháng này, Ủy ban quân sự Hàn Quốc cảnh báo rằng: “Quân đội Triều Tiên từ lâu đã đặt tầm ngắm của các loại vũ khí tấn công chính xác là nhằm vào những trụ sở quân sự và hậu cần của Mỹ, bao gồm căn cứ Không quân Anderson trên đảo Guam, nơi các máy bay ném bom B-52H được triển khai và các căn cứ hải quân khác nơi chứa những tàu ngầm hạt nhân”.

Việc Bình Nhưỡng sẵn sàng lặp lại các vụ thử Musudan và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm với tần xuất nhanh chóng như vậy bất chấp thất bại là một điều khác thường và cho thấy lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong Un chắc chắn sẽ thực hiện theo cam kết đẩy nhanh sự phát triển kho tên lửa và vũ khí hạt nhân của mình.

Tại sao quốc tế nên dè chừng chương trình tên lửa của Triều Tiên? - Ảnh 1.

Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa bất chấp thất bại

Bên cạnh các vụ phóng tên lửa Musudan và tên lửa từ tàu ngầm năm nay, ông Kim còn cho thử nghiệm một loại vũ khí hạt nhân khác, đó là tên lửa đạn đạo liên lục địa, công nghệ phương tiện tái nhập, một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn mới và một độn cơ ICBM nhiên liệu lỏng được cải tiến. 

Trong khi Triều Tiên tiếp tục phát triển Musudan và hệ thống tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, nước này cũng đã đạt được nhiều tiến bộ lớn đối với các loại tên lửa khác.

Đô đốc Bill Gortney, chỉ huy Sở chỉ huy Quốc phòng Hàng không vũ trụ Bắc Mỹ, đánh giá Triều Tiên có khả năng đặt một đầu đạn hạt nhân trên tên lửa đạn đạo tầm trung No Dong, có thể bắn tới Hàn Quốc và Nhật Bản. 

Tháng 4/2015, tướng Curtis Scaparrotti, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, xác nhận rằng Bình Nhưỡng sở hữu tên lửa liên lục địa và họ có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân. “Là một chỉ huy, tôi nghĩ rằng chúng ta nên thừa nhận Triều Tiên có năng lực này”, ông nói.

Các chuyên gia khác cũng đánh giá Bình Nhưỡng sẽ có được đầy đủ năng lực ICBM trong vòng 1 - 2 năm tới.

Các giai đoạn phát triển của vũ khí hạt nhân Triều Tiên cũng như những vụ thử tên lửa liên tiếp cho thấy ý định của ông Kim Jong Un là triển khai một loạt hệ thống tên lửa tầm bắn dài có khả năng đe dọa Mỹ và các đồng minh. 

Ông Kim cũng đã khẳng định trong Hội nghị đảng hồi tháng 5 vừa qua rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này.

Các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng trong năm nay đã tạo ra sự nhất trí trong quan điểm cần có thêm những biện pháp trừng phạt hiệu quả và mở rộng đối với Triều Tiên. 

Tuy nhiên, câu hỏi vẫn còn tồn tại ở đây là việc Trung Quốc và cả chính quyền Tổng thống Obama chắc chắn áp đặt các lệnh trừng phạt mở rộng đó như thế nào.

Hàn Quốc, mặc dù lên tiếng ủng hộ lệnh trừng phạt, song cũng lưỡng lự trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa cần thiết để bảo vệ công dân của mình và các lực lượng Mỹ có mặt tại đây. 

Tên lửa SM-2 hiện đã được triển khai trên các tàu khu trục của Hàn Quốc, song chỉ có khả năng bảo vệ trước các loại tên lửa chống hạm. Hệ thống phòng vệ tên lửa đạn đạo THAAD mà Mỹ muốn đưa đến Hàn Quốc có thể giúp tăng cường sức mạnh, chống lại các tên lửa của Triều Tiên như Scud hay No Dong. 

Nhưng dưới áp lực từ Trung Quốc, Seoul vẫn còn do dự trong việc cho phép Mỹ triển khai hệ thống này.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại