Tại sao Quân đội Mỹ chưa dám tấn công Iran?

Khang Minh |

Iran đã mua nhiều vũ khí từ Nga và Trung Quốc, gồm cả tên lửa phòng không tiên tiến, qua đó giúp Tehran có được các khí tài tương đối hiện đại nên Mỹ chưa dám mạo hiểm tấn công.

Ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố thành lập “Nhóm hành động về Iran" nhằm thúc đẩy chiến lược của Washington: Gây sức ép tối đa để Tehran thay đổi cách hành xử. Nếu không, Iran sẽ phải hứng chịu lệnh phong tỏa kinh tế của Mỹ.

Trước đó, vào tháng 5/2018, Mỹ cũng đã quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đẩy mối quan hệ giữa hai nước lên một nấc thang căng thẳng mới. Chưa hết, Mỹ còn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt khác nhằm vào Iran. Dưới tác động của Mỹ, rất nhiều nước châu Âu cũng đình chỉ hợp tác, trao đổi thương mại với Iran.

Nhưng tại sao quan hệ giữa hai nước, mặc dù căng thẳng như vậy, mà Mỹ vẫn chưa dám điều quân tấn công Iran?

Theo phân tích của các chuyên gia quân sự Nga, thực tế, điều này liên quan đến cả Trung Quốc và Nga. Nếu Iran có được sự hỗ trợ của các nước này, Mỹ rất khó giành được chiến thắng một cách nhanh chóng. Syria là một ví dụ điển hình.

Tại sao Quân đội Mỹ chưa dám tấn công Iran? - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu chế tạo nội địa Kowsar vừa được Iran công bố. Ảnh: Press TV

Những năm gần đây, Iran đã mua rất nhiều vũ khí trang bị từ Nga và Trung Quốc, gồm cả các tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, qua đó giúp Tehran có được các khí tài tương đối hiện đại nên Mỹ không dám vội vàng tấn công. Cũng có thông tin cho rằng, Iran sẽ sử dụng lượng lớn tài nguyên dầu mỏ của mình để trao đổi vũ khí hiện đại với Trung Quốc.

Các chuyên gia Nga còn nhận định, lý do Mỹ chưa triển khai tấn công Iran, cũng liên quan đến sức mạnh công nghiệp của nước này. Iran có một nền tảng công nghiệp tương đối mạnh so với các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông.

Ngoài ra, trữ lượng dầu mỏ và khí đốt của Iran đều rất phong phú, đó là chưa kể tới khả năng kiểm soát Eo biển Hormuz - kênh vận chuyển dầu quan trọng bậc nhất của thế giới.

Một thế mạnh nữa của Iran là nước này có thể mua lại công nghệ vũ khí của Trung Quốc và Nga để tự sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, phải kể tới hệ thống phòng thủ tiên tiến S-300 mà Nga đã cung cấp cho Iran. S-300 là tổ hợp tên lửa đất đối không cơ động, có khả năng phát hiện, bám bắt và tấn công cả tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 21/8, Iran đã công bố loại máy bay chiến đấu mới Kowsar tự sản xuất nội địa. Theo hãng tin Tasnim, Kowsar là dòng máy bay chiến đấu thế hệ 4, được trang bị các thiết bị “điện tử hàng không tiên tiến” và radar đa năng, hoàn toàn do các kỹ sư và chuyên gia Iran tự chế tạo.

Đây có thể được xem như một câu trả lời rõ ràng, mạnh mẽ nhất của Tehran trước những sức ép ngày càng tăng từ phía chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo các nhà phân tích, một bên là Nga, một bên là Trung Quốc, cộng với sức mạnh nội tại của Iran, Mỹ khó có thể mạo hiểm với các động thái quân sự nhằm vào Tehran.

Các máy Sukhoi SU-22 nâng cấp mới của Iran sẽ được trang bị tên lửa hành trình tầm bắn 1.500 km

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại