Tăng cường cho Quân khu miền Đông
Đầu tháng 6/2017, truyền thông Nga đưa tin, lại có thêm một lữ đoàn tên lửa nữa của lực lượng bộ binh tiếp nhận hệ thống tên lửa cơ động mặt đất 9K720 Iskander-M (thuật ngữ Quân đội Nga gọi là hệ thống tên lửa chiến dịch – chiến thuật – OTRK).
Đó chính là Lữ đoàn tên lửa số 3 vừa mới được thành lập thuộc biên chế của Đơn vị Lục quân số 29, đóng tại Quân khu miền Đông rộng lớn của Nga.
Được thành lập vào tháng 12/2016, lữ đoàn này ban đầu chỉ được trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật thế hệ cũ 9K79-1 Tochka-U.
Thế nhưng giờ đây, họ trở thành lữ tên lửa thứ tư của Quân khu miền Đông được tái trang bị Iskander-M theo chương trình loại bỏ toàn bộ hệ thống Tochka-U vào năm 2020 của Bộ quốc phòng Nga. Ba lữ đoàn khác của Quân khu miền Đông là lữ đoàn số 107, số 103 và số 20 đều đã tiếp nhận Iskander-M vào các năm tương ứng, 2013, 2015 và 2016.
Rõ ràng, Quân khu miền Đông của Nga đang được biến chế nhiều lữ đoàn tên lửa Iskander-M hơn bất cứ quân khu nào khác. Ba quân khu còn lại (Quân khu miền Trung, miền Nam và miền Tây), hiện mỗi đơn vị mới chỉ tiếp nhận 2 lữ đoàn Iskander-M. Vậy mục tiêu chính của 4 lữ đoàn tên lửa này là gì?
Các lữ đoàn tên lửa của Lục quân Nga đã hoặc sẽ được trang bị tên lửa 9K720 Iskander-M. Ảnh: The Diplomat
Tạo thế trận kiềm tỏa Trung Quốc
Trước hết cần thấy rằng, nhiệm vụ chính của các lữ Iskander-M đang triển khai ở Quân khu miền Tây chủ yếu nhằm đối phó với các lực lượng Mỹ và đồng minh bố trí tại Baltic và Ba Lan. Vậy nên, các hệ thống đặt tại Quân khu miền Đông dường như để phục vụ một mục đích khác: tăng cường khả năng răn đe, cả hạt nhân và thông thường, của Nga đối với Trung Quốc.
Thực vậy, nếu một hệ thống Iskander-M được bố trí tại vùng Kaliningrad sẽ giúp Nga hướng vào các mục tiêu quân sự rộng lớn của NATO, gồm cả hệ thống phỏng thủ đạn đạo Aegis ở Ba Lan, thì một hệ thống tương tự đặt tại vùng Viễn Đông Nga lại có năng lực rất hạn chế trong việc đối phó với các lực lượng Mỹ triển khai trong khu vực.
Với các mục tiêu khác thì sao? Theo các nguồn tin Nga, loạt tên lửa cơ động đạo 9M723 của hệ thống Iskander-M có tầm bắn khoảng 400-500 km, trong khi tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M728/R-500, thường được gọi là Iskander-K, cũng chỉ có tầm bắn dưới 500 km.
Tầm bắn này hạn chế rất lớn khả năng Iskander-M vươn tới được các mục tiêu bố trí trên đảo Hokkaido của Nhật Bản hay Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đặt tại Hàn Quốc.
Một hệ thống tên lửa 9K720 Iskander-M của Nga. Ảnh: Defense Today
Một địa điểm được xem như ngoại lệ là căn cứ Không quân Misawa nằm ở phía Đông tỉnh Aomori. Tuy nhiên, nếu lấy căn cứ này làm mục tiêu, Nga sẽ phải triển khai Iskander-M tới cực Nam đảo Kunashir trên quần đảo Kuril.
Kremlin cũng đã không còn bố trí lâu dài các lữ đoàn tên lửa ở phạm vi gần Nhật Bản như từng làm trong Chiến tranh Lạnh (Liên Xô khi đó thường trực duy trì một lữ đoàn tên lửa ở phía Nam đảo Sakhalin).
Điểm đáng lưu ý là, hai lữ đoàn tên lửa Iskander-M ở viễn Đông Nga, lữ số 107 và 20, đóng tại Khu tự trị Do Thái và Primorsky Krai đều là hai khu vực tiếp giáp Trung Quốc.
Primorsky Krai còn có cả 17 km biên giới đất liền giáp với Triều Tiên. Điều đó chứng tỏ mục đích chính của 2 lữ đoàn tên lửa này là nhằm kiềm chế Trung Quốc và đối phó với những bất ổn trên Bán đảo Triều Tiên.
Vị trí đứng chân của hai lữ đoàn tên lửa Iskander-M khác trực thuộc Quân khu miền Đông cũng đều chĩa hướng ngắm vào Trung Quốc. Lữ đoàn Tên lửa số 103 đóng tại Cộng hòa Buryatia thuộc Nga, tiếp giáp với Mông Cổ, còn lữ đoàn tên lửa mới thành lập số 3 thì đóng tại Gorny, Zabaykalsky Krai - vùng có đường biên giới giáp với khu tự trị Nội Mông, Trung Quốc.
Mặc dù Nga luôn rất cẩn trọng, tránh đề cập trực diện đến những quan ngại từ Trung Quốc thì vẫn hiện hữu những ví dụ sinh động minh chứng cho mối lo lắng của Moscow về sức mạnh quân sự đang gia tăng của quốc gia láng giềng: đó chính là các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Quân khu miền Đông.
Tiến sĩ Roger N. McDermott, nghiên cứu viên cao cấp thuộc Chương trình nghiên cứu quân sự Á - Ấu của Quỹ Jamestown đã nhận xét trong bài phân tích của ông về cuộc tập trận Vostok 2014 với sự tham gia của khoảng 100.000 binh lính:
“Vostok 2014 đã cho thấy những dấu hiện rất rõ ràng rằng Bộ tổng tham mưu tiếp tục coi Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm ẩn đối với Nga”.
Nếu nhìn nhận từ quan điểm này thì việc bố trí các hệ thống Iskander-M ở những khu vực giáp biên với Chiến khu miền Bắc của Trung Quốc là một động thái hợp logic, xét theo ý đồ chiến lược của Nga.
Với khả năng mang số lượng lớn đầu đạn, Iskander-M đặc biệt phù hợp để đối phó với các lực lượng bộ binh và thiết giáp của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột vũ trang.
Hơn nữa, Iskander-M cũng có khả năng phóng nhiều đầu đạn chùm với độ chính xác tương đối cao. Đây là ưu điểm mà các quan chức Nga liên tục ca ngợi khi nói về hệ thống này trong các cuộc tập trận ở Quân khu miền Đông.
Xét tới ưu thế quân sự thông thường đang suy giảm của Nga so với PLA, vũ khí hạt nhân, đặc biệt các hệ thống phi chiến lược như Iskander-M, nhiều khả năng sẽ đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược đối phó với Trung Quốc.
Tiến sĩ Alexei Arbatov và Thiếu tướng Vladimir Dvorkin từng nhận xét trong báo cáo năm 2013 của Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie như sau: “Có thể nói rằng, các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga, cũng như một số vũ khí hạt nhân phi chiến lược khác, thực sự đảm trách sứ mệnh kiềm chế Trung Quốc”.