Kênh truyền hình NDTV ngày hôm nay (13/7) trích dẫn thông tin từ nghiên cứu của 2 chuyên gia hạt nhân hàng đầu người Mỹ cho biết, Ấn Độ vẫn đang tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình với mục tiêu trọng tâm là Trung Quốc chứ không phải là Pakistan như trước đây.
Trong bài báo có tựa đề "Các lực lượng hạt nhân Ấn Độ năm 2017" đăng tải trên số tháng 7/8 của Tạp chí điện tử After Midnight, 2 chuyên gia Hans M Kristensen và Robert S Norris nói rằng Ấn Độ hiện đang phát triển một tên lửa có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ Trung Quốc từ các căn cứ phía Nam của nước này.
Họ ước tính, Ấn Độ đã sản xuất đủ plutonium cho khoảng 150-200 đầu đạn hạt nhân nhưng có thể chỉ chế tạo từ 120-130 đầu đạn.
Theo hai chuyên gia này, chiến lược hạt nhân của Ấn Độ trước đây chủ yếu tập trung đối phó với Pakistan nhưng dường như hiện nay lại hướng sự tập trung vào Trung Quốc.
"Trước đây, Ấn Độ tập trung ứng phó với Pakistan nhưng chương trình hiện đại hóa hạt nhân của họ cho thấy New Delhi đang đẩy mạnh tập trung vào mối quan hệ chiến lược tương lai với Trung Quốc", bài báo của hai học giả viết.
Hai chuyên gia hạt nhân Mỹ ước tính, New Delhi hiện đang vận hành 7 hệ thống có thể mang đầu đạn hạt nhân, gồm 2 máy bay, 4 tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và 1 tên lửa đạn đạo phóng từ biển.
"Có ít nhất 4 hệ thống nữa đang trong quá trình phát triển. Chương trình đang ở giai đoạn sôi động với các tên lửa tầm xa phóng từ đất liền và từ biển, có thể triển khai trong vòng 1 thập kỷ tới", bài báo thông tin.
Kristensen và Norris nhận định rằng, Agni-2 – tên lửa hai tầng, nhiên liệu rắn và cơ động bằng đường ray có thể được phát triển hướng vào các mục tiêu ở vùng phía Tây, Trung, và Nam Trung Quốc. Agni-2 là bước cải tiến mới của Agni-1 – loại tên lửa có thể phóng đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường xa trên 2.000 km.
Ngoài ra, tên lửa Agni-4 của Ấn Độ sẽ đủ khả năng tấn công hầu hết các mục tiêu trên lãnh thổ Trung Quốc (gồm cả Bắc Kinh và Thượng Hải) từ phía Đông Bắc Ấn Độ.
New Delhi cũng đang phát triển Agni-5 - loại tên lửa 3 tầng, nhiên liệu rắn, cơ động bằng đường ray và gần đạt tới chuẩn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), đủ khả năng phóng đầu đạn hạt nhân với khoảng cách trên 5.000 km.
"Tầm bắn xa hơn sẽ cho phép Quân đội Ấn Độ bố trí các căn cứ Agni-5 ở miền Trung và miền Nam nước này, cách rất xa lãnh thổ Trung Quốc", bài báo của hai chuyên gia Mỹ nhận xét.