Tên lửa SM-3 của Mỹ có thể bảo vệ Nhật Bản trước Triều Tiên?

QS |

Nhật Bản và Mỹ đã hợp tác cho ra đời phiên bản mới của tên lửa SM-3 với tầm bắn siêu xa. Song, không may là tên lửa này đã thất bại trong đợt thử nghiệm bắn đạn thật lần thứ hai.

Nhật Bản cần thêm tên lửa SM-3

Gần đây, Triều Tiên ngày càng tiến hành nhiều vụ thử nghiệm tên lửa. Không những thế, Bình Nhưỡng còn nghiên cứu phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng tấn công vùng Tây duyên hải nước Mỹ.

Về phần Nhật Bản, nước này đang nằm trong tầm tấn công của các loại tên lửa đạn đạo tầm trung Triều Tiên. Những tên lửa này có thể tấn công các hòn đảo chính yếu của Nhật Bản trong vòng 10 phút sau khi phóng.

Tokyo đã xúc tiến một số biện pháp đối phó, như triển khai 6 nhóm phòng không trang bị các tên lửa đất-đối-không PAC-3 Patriot và 4 tàu khu trục trang bị tên lửa tầm xa SM-3.

Tuy nhiên, không rõ 2 hệ thống này có hoàn toàn hiệu quả trong việc đánh chặn các tên lửa tầm trung của Triều Tiên với kích cỡ lớn hơn và khả năng bay cao hơn, xa hơn trước đây hay không.

Chẳng hạn, tầm tác chiến hiệu quả của tên lửa PAC-3 trước tên lửa đạn đạo là khoảng 30km, vì thế nó chỉ có thể phòng thủ một khu vực hạn chế.

Để đáp ứng thách thức hiện nay, tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) và Raytheon (Mỹ) đã cho ra đời phiên bản mới của tên lửa hải quân SM-3 với tầm bắn siêu xa, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm trung trong giai đoạn phóng và giai đoạn giữa hành trình bay.

Song, không may là tên lửa này đã thất bại trong đợt thử nghiệm bắn đạn thật lần thứ 2 diễn ra gần đây, cho thấy rõ nó vẫn đang trong quá trình phát triển chưa hoàn thiện.

Trước tình hình trên, Nhật Bản có vẻ sẽ thúc đẩy khả năng mua hệ thống Aegis trên bờ (cũng sử dụng tên lửa SM-3) để bổ trợ cho các tàu chiến trên biển.

Tên lửa Standard Missile 3 (SM-3), hay RIM-161, mang lại cho các tàu khu trục và tàu tuần dương của Hải quân Mỹ khả năng phòng thủ tên lửa.

Những con tàu này được xem như phương tiện phóng di động, chúng trang bị hệ thống chiến đấu Aegis (mạng lưới radar cực mạnh và hệ thống máy tính điều khiển hỏa lực vô cùng tinh vi) cùng các ống phóng thẳng đứng có thể triển khai một lượng lớn tên lửa.

Tên lửa nhiên liệu rắn 3 tầng SM-3 sử dụng radar SPY-1 để dẫn đường tới mục tiêu, với sự hỗ trợ của hệ thống vệ tinh và định vị toàn cầu GPS. Khi tiếp cận mục tiêu, tên lửa này triển khai một loại đầu đạn được thiết kế đặc biệt để phá hủy tên lửa đối phương thông qua cơ chế "hit-to-kill" (dùng động năng do va chạm trực tiếp để tiêu diệt mục tiêu).

Thiết kế đó đã giúp SM-3 đánh chặn thành công các mục tiêu trong khoảng 70-80% các cuộc thử nghiệm bắn đạn thật. Ngoài tên lửa đạn đạo tầm trung, SM-3 còn có thể bắn hạ vệ tinh.

Nhật Bản hiện vận hành 4 tàu khu trục lớp Kongo (trang bị hệ thống chiến đấu Aegis với tên lửa SM-3 Block I) và đang nâng cấp 2 tàu khu trục lớp Atago với phiên bản Aegis Baseline 9 để mang lại cho chúng khả năng chống tên lửa đạn đạo.

Tên lửa SM-3 Block I có thể di chuyển nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh và có tầm bắn gần 600km.

Đáng tiếc, tầm bắn này chưa đủ xa để 6 tàu chiến Nhật bảo vệ các hòn đảo của nước này. Ngoài ra, một số nhà chỉ trích nghi ngờ khả năng tên lửa Block I có thể giải phóng động năng đủ mạnh để phá hủy đầu đạn của tên lửa đối phương, ngay cả khi nó tách khỏi động cơ đẩy sau khi phóng.

Trên thực tế, từ năm 1999, Nhật Bản và Mỹ đã ký một thỏa thuận để hợp tác phát triển phiên bản mới của SM-3 với khối lượng lớn hơn, tầm bắn xa hơn và tốc độ cao hơn.

Tới năm 2012, Lầu Năm Góc đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào dự án này và Nhật Bản cũng đóng góp một khoản tương đương.

Dự án đã cho ra đời phiên bản SM-3 Block IIA với đường kính 533mm, có tầm bắn tối đa trên lý thuyết là 2.172km và có thể bay với vận tốc tối đa Mach 15.

Tên lửa SM-3 thử nghiệm đánh chặn mục tiêu tên lửa đạn đạo (2/2017)

Thất bại 1 lần không có nghĩa là "không hiệu quả"

Hôm 3/2/2017, trong cuộc thử nghiệm đạn thật đầu tiên, một tên lửa Block IIA bắn từ tàu khu trục USS John Paul Jones đã đánh chặn thành công tên lửa đạn đạo giả định. Tuy nhiên, cuộc thử nghiệm thứ hai vào ngày 22/6 vừa qua không thu được kết quả tương tự. Hải quân Mỹ vẫn đang tiến hành phân tích để tìm hiểu vấn đề.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Sebastien Roblin cho rằng, một cuộc thử nghiệm thất bại không có nghĩa Block IIA không hiệu quả, nhưng nó cho thấy đánh chặn tên lửa đạn đạo không hề là một việc đơn giản.

Hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa trên mặt đất (GMD) tại Alaska và California có tỷ lệ thất bại lên tới 40% trong các cuộc thử nghiệm, dù có tầm bắn xa hơn Block IIA.

Cũng không dễ để tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm với một loại tên lửa quá đắt đỏ. Tên lửa Block II có chi phí ước tính lên tới hơn 20 triệu USD/quả.

Cần lưu ý rằng, điều kiện thử nghiệm thường thuận lợi hơn điều kiện tác chiến thực, vì thế, khi một hệ thống không đạt hiệu quả trong thử nghiệm thì người ta có cơ sở để lo ngại về nó.

Song SM-3 Block II có vẻ có tầm bắn và dữ liệu mục tiêu hơn linh hoạt hơn nhiều so với các hệ thống phòng thủ tầm ngắn như THAAD và Patriot PAC-3.

Mặc dù không được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa nhưng có lẽ SM-3 vẫn phần nào hiệu quả trước các loại ICBM nhằm vào Bắc Mỹ.

Với khả năng này, các tàu Aegis triển khai ngoài các cảng biển của Mỹ có thể dễ dàng thiết lập chiếc ô phòng thủ cho nước Mỹ. Tên lửa Block IIA dự kiến sẽ được đưa vào biên chế trong năm 2018, miễn là nó đạt được nhiều thành công hơn trong các đợt thử nghiệm sắp tới.

Nhật Bản đang cân nhắc làm cách nào để tăng cường phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa. Hai tàu khu trục sắp tới của nước này cũng sẽ được trang bị tên lửa SM-3. Ban đầu có một số suy đoán cho rằng Tokyo sẽ mua hệ thống phòng thủ THAAD mà quân đội Mỹ đang triển khai tại Hàn Quốc và Đông Âu.

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, với tầm bắn ngắn hơn, được thiết kế để đánh chặn tên lửa trong giai đoạn cuối của hành trình bay, mang lại cho Nhật Bản một lớp phòng thủ thứ 3 để bổ sung cho các tên lửa SM-3 và PAC-3.

Tuy nhiên, không bao lâu sau khi Triều Tiên bắn thử nghiệm tên lửa tầm trung Hwasong-12 hôm 14/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada cho biết Tokyo đang nghiêng về phương án mua hệ thống Aegis trên bờ trang bị tên lửa SM-3.

Hệ thống Aegis trên bờ sẽ không chỉ giúp Nhật Bản tăng cường số lượng phương tiện triển khai tên lửa SM-3 mà còn mở rộng phạm vi giám sát, khi bổ sung thêm radar SPY-1D vào mạng lưới radar của các tàu chiến Nhật Bản triển khai ngoài biển, củng cố hiệu quả tác chiến chung của tất cả các hệ thống.

Quân đội Mỹ hiện đang có kế hoạch triển khai hệ thống Aegis trên bờ tới Ba Lan, với 24 tên lửa đánh chặn Block IIA. Theo tờ Japan Times, Nhật Bản chỉ cần 2 hệ thống Aegis trên bờ để được bảo vệ toàn diện. Mỗi hệ thống có chi phí khoảng 712 triệu USD, rẻ hơn đáng kể so với hệ thống THAAD.

Các báo cáo được đưa ra vào tuần cuối tháng Sáu cho biết Tokyo sẵn sàng đẩy nhanh tiến trình triển khai hệ thống Aegis trên bờ, trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Theo ông Roblin, có lẽ nếu tập hợp được đủ các hệ thống đánh chặn trên bờ và trên biển, Nhật Bản có thể sẽ có đủ tên lửa để đảm bảo đạt khả năng tiêu diệt cao, ngay cả khi không phải tên lửa nào cũng bắn trúng mục tiêu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại