Syria bất ngờ buông lời cảnh báo đanh thép, "chảo lửa" Idlib sắp bùng nổ?

Vũ Thu Hương |

Một nhóm cực đoan đã phá vỡ thỏa thuận ngoại giao giữa Moscow và Ankara trong việc phi quân sự khu vực Idlib do khủng bố kiểm soát. Trong khi đó, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem khẳng định quân đội nước này đã được triển khai tới gần Idlib và sẵn sàng chiến đấu nếu phiến quân không chịu rút lui.

Theo Wall Street Journal, kế hoạch ngăn chặn cuộc tấn công của chính quyền ông Assad nhằm vào khu vực cuối cùng do phiến quân kiểm soát ở Syria đã thất bại vào hôm 15/10 khi nhóm cực đoan không chịu rời khỏi vùng đệm theo thỏa thuận ngừng bắn.

Nhận định về vấn đề này, ông Rami Abdel Rahman, người đứng đầu Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria cho biết, đây có thể là cách mà nhóm phiến quân kéo dài thời gian, để chờ phản ứng của các bên, đặc biệt là phía Thổ Nhĩ Kỳ – những người đã đàm phán trực tiếp với họ. Tuy nhiên, Chính phủ Syria hôm qua (15/10) đã lên tiếng trước.

Ngoại trưởng Syria Walid Al-Moualem cho biết: "Chúng ta không thể giữ sự im lặng trước tình hình hiện tại ở Idlib nếu Mặt trận Al-Nusra từ chối tuân thủ thỏa thuận. Chúng tôi sẽ đợi, nhưng đồng thời lực lượng vũ trang của Chính phủ đã sẵn sàng xung quanh Idlib".

Nga đã rất nỗ lực ngăn quân đội của Tổng thống Assad không triển khai cuộc tấn công chiếm lại Idlib, tỉnh phía Tây Bắc Syria khi Moscow tỏ ra rất quyết tâm nhằm tránh một cuộc tấn công và thay thế bằng một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt nội chiến ở đất nước Trung Đông này.

Thổ Nhĩ Kỳ rất lo ngại cuộc tấn công vào Idlib nổ ra sẽ khiến hàng trăm nghìn người dân nước này tràn sang lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế tháng trước Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga đã đồng thuận thông qua một thỏa thuận tạo vùng đệm giữ khoảng cách giữa lãnh thổ bị kiểm soát do một bên là phe đối lập và một bên là quân đội chính phủ tại Idlib.

Hàng nghìn lực lượng nổi dậy đã dồn về Idlib khi quân đội Chính phủ Syria từng bước chiếm lại khu vực lớn của đất nước.

Thỏa thuận Nga-Thổ đòi hỏi tất cả vũ khí hạng nặng phải được rời khỏi vùng đệm này vào hôm 15/10 dưới sự giám sát của các lực lượng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mối đe dọa lớn nhất với sự thành công trong việc tạo nên vùng phi quân sự này chính là sự hiện diện của những nhóm khủng bố như Hayat Tahrir al-Sham (tiền thân là mặt trận Al-Nusra). HTS chính là nhân tố chủ chốt trong thỏa thuận trên vì tổ chức này cùng các nhóm cực đoan khác kiểm soát hơn nửa tỉnh Idlib và phần lớn vùng đệm được đề xuất.

HTS gần đây đã có dấu hiệu phá bỏ thỏa thuận, từ chối từ bỏ cuộc chiến ở Idlib cũng như việc rời bỏ vũ khí ở đây. Hạn chót ngày 15/10 đã qua nhưng phiến quân vẫn không chịu rời khỏi vùng đã được phân chia ranh giới theo như thỏa thuận Nga-Thổ.

Tuy nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nung nấu quyết tâm triển khai thỏa thuận. Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow sẽ cho phép trì hoãn vài ngày để thiết lập vùng phi quân sự.

Thỏa thuận của Nga với Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib đi ngược lại với mong muốn của chính quyền ông Assad. Ông Assad thề sẽ chiếm lại quyền kiểm soát với toàn bộ đất nước và gọi thỏa thuận giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là "giải pháp tạm thời" trước khi Damascus nắm quyền kiểm soát Idlib.

Trong cuộc họp báo hôm 15/10, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem khẳng định quân đội nước này đã được triển khai tới gần Idlib và sẵn sàng chiến đấu nếu phiến quân không chịu rút lui.

Tuy nhiên, chính quyền Syria cần sự hỗ trợ từ lực lượng không quân Nga mới có thể chiếm lại được Idlib.

Syria bất ngờ buông lời cảnh báo đanh thép, chảo lửa Idlib sắp bùng nổ? - Ảnh 1.

Phiến quân Syria ở Aleppo

Nga muốn ngăn cuộc chiến đẫm máu và muốn củng cố vị thế của mình trong khu vực dù cho điều này đồng nghĩa với việc phải chấp nhận nhiều phần của đất nước Trung Đông này nằm ngoài quyền kiểm soát của ông Assad.

Nga cũng muốn Idlib sạch bóng những nhóm khủng bố và cũng muốn giúp chính quyền Syria đạt được điều này nếu thỏa thuận thất bại.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang mở rộng sự hiện diện tại phía Tây Bắc Syria trong bối cảnh lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đang chiếm đóng ở phía Đông Bắc khu vực này, ước tính khoảng 1/4 lãnh thổ đất nước.

Ankara xem lực lượng người Kurd giống như đại diện cho khủng bố và gia tăng mức cảnh báo về mối đe dọa.

Vào thời điểm này, nhóm HTS đã từ chối việc rút khỏi tỉnh Idlib và duy trì lời kêu gọi cho cuộc chiến cuối cùng tại Idlib. Nguy cơ "chảo lửa" Idlib bùng phát trở lại là điều dễ thành hiện thực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại