Sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Nga khiến Mỹ và NATO nể sợ

Hồng Anh |

Sự phát triển và đổi mới liên tục của hạm đội tàu ngầm Nga đã giúp đảm bảo an ninh tại các vùng biển của nước này.

Hạm đội tàu ngầm hiện đại của Nga có thể chống lại mọi mối đe dọa trên vùng biển nhờ công nghệ tiên tiến, hiện đại bậc nhất và sự đổi mới trong kỹ thuật tác chiến. Đây là nhận định của các chuyên gia quân sự Nga nhân ngày truyền thống Hạm đội tàu ngầm (19/3/2018).

Sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Nga khiến Mỹ và NATO nể sợ - Ảnh 1.

Tàu ngầm hạt nhân Nga 955 Borei "Vladimir Monomakh" đến căn cứ Vilyuchinsk ở Kamchatka. Ảnh: Sputnik.

Đổi mới công nghệ và chiến thuật

Phó đô đốc Hải quân Nga Oleg Burtsev cho rằng, sự phát triển và đổi mới liên tục của hạm đội tàu ngầm Nga đã giúp đảm bảo an ninh tại các vùng biển của nước này.

“Những tiến bộ trên có được là nhờ năng lực của ngành đóng tàu Nga và các ngành công nghiệp phụ trợ khác. Đây là kế hoạch của Tổng thống Nga Putin cùng với quân đội, nhằm đảm bảo Nga có khả năng chống lại bất cứ kẻ thù tiềm ẩn nào từ mọi phía.

Hạm đội tàu ngầm Nga đã khắc phục được hậu quả của cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giai đoạn những năm 1990 và đang phát triển mạnh mẽ", ông Oleg Burtsev.

Hiện nay, Nga đang đưa vào sử dụng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới lớp Borei, được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava và đóng nhiều tàu ngầm đa chức năng lớp Yasen, được trang bị tên lửa hành trình.

“Nhiều công việc vẫn đang được tiến hành để hiện đại hóa các đề án được manh nha từ thời Soviet, chẳng hạn như Đề án đóng tàu ngầm hạt nhân đa chức năng Gepard và đề án tàu ngầm 949, song song với việc nâng cấp hệ thống vũ khí hạt nhân biên chế cho tàu ngầm”, ông Oleg Burtsev nói.

Nga cũng đang kéo dài thời gian phục vụ của tàu ngầm chiến lược thế hệ thứ 3, thuộc Đề án 667BDRM cho đến khi 8 chiếc tàu ngầm lớp Borei đi vào hoạt động.

Phó đô đốc Oleg Burtsev khẳng định: “Tàu ngầm chạy bằng điện-diesel cũng đang được nâng cấp. Lực lượng hải quân hiện giờ đang tiếp nhận những tàu ngầm mới nhất thuộc đề án 636, biên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương và sẵn sàng hoạt động tại Hạm đội Biển Đen”.

Sẵn sàng đáp trả mọi mối đe dọa

Chỉ huy hạm đội Biển Đen Nga, đô đốc Vladimir Komoyedov cho biết, Nga cần phải xây dựng và duy trì hoạt động của hạm đội tàu ngầm ở cấp độ cao nhất trong bối cảnh đang có nhiều mối đe dọa trên vùng biển, xuất phát từ những cường quốc hạt nhân sở hữu tàu ngầm hạt nhân và các loại tàu ngầm khác.

“Hạm đội tàu ngầm có năng lực hoạt động rất tốt và tiêu chuẩn cao nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ về số lượng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi chúng ta phải đối đầu và cạnh tranh với không chỉ Mỹ mà còn các nước khác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn đang sở hữu các loại tàu ngầm tiên tiến”.

Sức mạnh của hạm đội tàu ngầm Nga khiến Mỹ và NATO nể sợ - Ảnh 2.

Hải quân Nga ra mắt tàu ngầm Kazan ở Severodvinsk.

Ông Vladimir Korolev nhấn mạnh: "Các đơn vị thuộc Tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Nga đang nghiên cứu tạo ra một hệ thống đa nhiệm ở đại dương, bao gồm cả tàu ngầm nguyên tử được trang bị các phương tiện dưới nước tự hành, có thể lặn sâu xuống đáy biển và bí mật tiến gần đến mục tiêu".
Còn theo phó đô đốc Oleg Burtsev, Nga đang phát triển những loại tàu ngầm và thiết bị dưới nước có tính đột phá, bao gồm thiết bị lặn không người lái có khả năng di chuyển ở độ sâu lớn, rất lớn và hoạt động ở phạm vi liên lục địa với tốc độ vượt tốc độ của các loại tàu ngầm, ngư lôi và tàu nổi cao tốc.

Điều này đã được đề cập đến trong Thông điệp Liên bang của Tổng thống Putin ngày 1/3/2018.

Ông Oleg Burtsev cho biết: "Chúng tôi đã theo dõi việc phóng tên lửa hành trình Kalibr từ tàu ngầm của Nga. Tôi cho rằng đây là một phản ứng tương xứng đối với việc phóng tên lửa Tomahawk từ tàu ngầm và tàu mặt nước của Mỹ.”

Khu vực hoạt động quan trọng

Theo Đô đốc Viktor Fyodorov, việc bảo vệ lợi ích của Nga ở Địa Trung Hải và Biển Đen đóng vai trò rất quan trọng: "Chúng tôi đã thiết lập đơn vị hoạt động khá mạnh ở phía Đông Địa Trung Hải, bảo vệ Syria và tham gia chiến dịch tấn công sào huyệt của khủng bố”.

Địa Trung Hải là điểm nối Châu Phi, Trung Đông và Châu Âu. Đây là khu vực tối quan trọng về mặt địa chính trị. Trước đó hồi tháng 1 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Vladimir Shamanov tuyên bố, Nga đang khôi phục sự hiện diện quân sự tại Địa Trung Hải và sẽ phát triển các kế hoạch của mình xuất phát từ những lợi ích quốc gia mà không cần sự cho phép của phương Tây.

Năm 2017, Nga đã điều thêm hai tàu ngầm cỡ lớn Kolpino và Veliky Novgorod tới biển Địa Trung Hải. Tàu có tốc độ di chuyển dưới nước là 37 km/h và được lắp hệ thống định vị mới, các hệ thống kiểm soát tự động, tên lửa có độ chính xác cao và thiết bị ngư lôi mạnh.

Đô đốc Viktor Fyodorov cho biết thêm, việc đẩy mạnh năng lực chiến đấu của Hạm đội Biển Đen với các loại tàu ngầm và tàu mặt nước hiện đại nhất được trang bị tên lửa hành trình Kalibr giúp bảo vệ lãnh thổ nước Nga khỏi các mối đe dọa.

Hạm đội Biển Đen có trong biên chế 277 tàu các loại trong đó có 49 tàu chiến, 6 tàu ngầm (chủ yếu là các tàu ngầm tấn công diesel-điện). Trong những năm tới, Nga dự định sẽ tăng cường số lượng các thiết bị này và mua thêm các tàu hộ tống lớp Buyan-M.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại