Sự thật về tảng băng khổng lồ, nặng 1.000 tỷ tấn ở Nam Cực vỡ ra đã được khoa học lý giải

Nguyễn Hằng |

Một nghiên cứu mới chỉ ra, những tảng băng khổng lồ ở Tây Nam Cực vỡ ra vì “sát thủ” giấu mặt, ít ai ngờ đến.

LTS: Thế giới ngỡ ngàng sau khi tảng băng khổng lồ với trọng lượng 1.000 tỷ tấn tách ra khỏi thềm băng Larsen C, có thể kéo theo nhiều hiểm họa khôn lường.

Với diện tích gấp 4 lần thành phố London, tảng băng vừa tách khỏi thềm băng Larsen C ngày 12/7 trở thành khối băng trôi lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử.

Nhưng, điều khiến giới khoa học lo ngại đó chính là nguyên nhân đằng sau sự đổ vỡ này và "kịch bản" gì tiếp theo có thể tiếp diễn.

Sự thật về tảng băng khổng lồ, nặng 1.000 tỷ tấn ở Nam Cực vỡ ra đã được khoa học lý giải - Ảnh 1.

Nhiều người lo ngại khi tảng băng 1000 tỷ tấn tách khỏi thềm băng Larsen C. Hình minh họa.

Nguyên nhân băng vỡ thực sự

Sự tách rời của tảng băng trôi khổng lồ khiến thềm băng Larsen C suy giảm hơn 12% diện tích và quang cảnh bán đảo Nam Cực thay đổi vĩnh viễn. Dù thềm băng còn lại có thể sẽ tiếp tục tái tạo theo thời gian, nhưng lớp băng mới có khả năng kém ổn định hơn so với trước khi nứt vỡ.

Nghiên cứu mới chỉ ra rằng, những cơn gió mạnh có vận tốc lên đến 700 km/h do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chính là nguyên nhân khiến thềm băng ở Tây Nam Cực tan nhanh chóng.

Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ những thông tin về nguyên nhân khiến những tảng băng ở Nam Cực nứt gãy và hậu quả của thảm họa này thông qua nghiên cứu, cảnh báo của hai vị chuyên gia nổi tiếng Tiến sĩ Paul Spence tại Đại học New South Wales ở Australia và Giáo sư Nancy Bertler, nhà nghiên cứu Nam Cực nổi tiếng có những sáng kiến quan trọng để điều tra lịch sử khí hậu bằng cách sử dụng các lõi băng ở Nam Cực.

Tiến sỹ, chuyên gia nghiên cứu Khí hậu
Paul Spence
Giảng dạy và công tác tại Đại học New South Wales, Trung tâm Khí hậu ARC ở Úc.


Theo các chuyên gia, chính những cơn gió mạnh do biến đổi khí hậu đang trở thành tác nhân hàng đầu khiến cho các tảng băng không lồ ở "vùng đất băng giá" đứt gãy giống như hiện tượng đáng buồn về xảy ra với thềm băng Larsen C vào hôm 12/7/2017 vừa qua.

Gió mạnh từ bờ biển phía đông vô tình thúc đẩy những làn nước ấm về phía những khối băng khổng lồ. Điều này khiến băng có nguy cơ tan nhanh hơn.

Sự thật về tảng băng khổng lồ, nặng 1.000 tỷ tấn ở Nam Cực vỡ ra đã được khoa học lý giải - Ảnh 4.

Gió là tác nhân khiến băng tan nhanh ở Nam Cực. Ảnh: NCI

Các nhà nghiên cứu nhận thấy sự biến đổi khí hậu đã làm cho nước gần cực Nam ấm lên, cùng như việc gia tăng tần suất gió mạnh trong khu vực này.

Những cơn gió mạnh từ hướng Đông của Nam Cực cũng đang thúc ẩy tốc độ băng tan cao dọc theo bán đảo Tây Nam Cực.

Gió ở hướng Đông của Nam Cực có thể đi lục địa này với vận tốc lên đến 700 km/h thông qua một loại sóng gọi là sóng Kelvin.

Tiến sỹ Paul Spence, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu tại Đại học New South Wales ở Úc cho biết: "Đây là sự kết hợp giữa dòng nước ấm sẵn có ở ngoài khơi và dòng hải lưu vận chuyển nước ấm này lên thềm băng, khiến cho lớp băng nhanh tan chảy dọc theo khu vực Tây Nam cực trong suốt mấy thập kỷ qua".

Cụ thể, những sóng Kelvin sẽ va chạm với các vách đá ngầm bên dưới bán đảo Tây Nam Cực và đẩy dòng nước ấm lên các thềm băng lớn.

Ông Paul Spence chia sẻ: "Chúng tôi luôn biết nước ấm "tìm cách" vào khu vực này nhưng cơ chế chính xác của chúng thì vẫn chưa rõ ràng".

Những thay đổi trong gió ở Nam Cực, đặc biệt là dọc theo Đông Nam Cực, có thể có liên quan đến sự biến đổi khí hậu.

Gió tây mạnh kết hợp với những cơn bão trên Nam Đại Dương (vùng nước nằm xa nhất về phia nam của địa dương thế giới) khiến gió ở lục địa Nam Cực thay đổi.

Khi các nhà nghiên cứu mô phỏng tác động của những cơn gió bị biến đổi ở Nam Cực, họ phát hiện ra rằng "sát thủ" đáng gờm này có thể đẩy nhiệt độ biển lên đến 1 độ C.

Điều này có ý nghĩa quan trọng giúp giải thích tình trạng băng tan nhanh ở các dải băng và thềm băng lớn ở Nam Cực. Nhiệt độ ở các đại dương tăng cao cũng có thể là nguyên nhân khiến băng tan "khó kiểm soát" ở bán đảo Nam Cực.

Hậu quả khó lường, không nên xem nhẹ

Băng tan có thể mang lại nhiều hậu quả khó lường, đặc biệt là những trường hợp đứt gãy khổng lồ như "thảm họa" của thềm băng Larsen C.

Sự thật về tảng băng khổng lồ, nặng 1.000 tỷ tấn ở Nam Cực vỡ ra đã được khoa học lý giải - Ảnh 5.

Kích cỡ khổng lồ của tảng băng đứt gãy khiến chúng ta không thể xem nhẹ. Ảnh: Dailymail

Tảng băng có diện tích 5.800 km2 với khối lượng 1.000 tấn đứt gãy khỏi thềm băng Larsen C thực sự khiến nhiều người lo ngại.

Giáo sư, nhà nghiên cứu Nam Cực
Nancy Bertler
Chuyên gia, nhà nghiên cứu lõi băng nổi tiếng thế giới

Giáo sư Nancy Bertler, chuyên gia nổi tiếng tại Trung tâm nghiên cứu Nam Cực thuộc Đại học Victoria Wellington (New Zealand) cho biết, sự nóng lên toàn cầu và lỗ thủng tầng ozone đã gây ra nhiều sự đứt gãy, tan vỡ đột ngột của các thềm băng lớn trong khu vực Nam Cực.

Điều này có thể gây ra những hậu quả không hề nhỏ. Bà Bertler nhận định, mặc dù không làm tăng mực nước biển nhưng sự đứt gãy của những tảng băng trôi có thể làm gia tăng đáng kể tốc độ băng đất chảy ra biển.

Quá trình đó có thể gây nên những tác động nghiêm trọng trên hành tinh này.

Các nhà khoa học cảnh báo rằng lớp băng khổng lồ ở Tây Nam Cực sẽ tan chảy hoàn toàn trong vòng 100 năm nữa. Mực nước biển lúc bấy giờ sẽ dâng thêm 3 mét, nhấn chìm nhiều vùng đất ven biển và ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người trên toàn thế giới.

Kết quả hình ảnh cho sea-level rise

Những vùng đất ven biển của Hà Lan có thể biến mất và nhiều vùng thuộc bờ biển phía đông của Anh cũng khó tránh được thảm họa này.

Giáo sư Bertler cho biết: "Bán đảo Nam Cực là một trong những vùng nóng lên nhanh nhất trên Trái Đất. Một phần nguyên nhân của sự nóng lên này là do sự gia tăng nhiệt độ trực tiếp trong không khí, nồng độ khí nhà kính cao hơn. Phần khác là do tác động gián tiếp của chất CFC gây phá hủy ozone".

Nếu các dải băng và thềm băng lớn tan vỡ thì việc những tảng băng khổng lồ trên lục địa có thể tan chảy khiến cho mực nước biển dâng cao.

Minh chứng là sau khi thềm băng Larsen B sụp đổ vào năm 2002, những sông băng vẫn đang có xu hướng chạy về phía các đại dương.

Vậy, kịch bản băng tan tiếp theo là gì?

Giáo sư Bertler cảnh báo: "Nếu tất cả băng trôi dạt vào đại dương, nó sẽ làm tăng mực nước biển lên dưới 50 cm. Nhưng nếu thềm băng Ross với kích thước bằng nước Pháp (thềm băng lớn nhất hành tinh) bắt đầu tan rã thì đó sẽ là một vấn đề lớn hơn".

Thềm băng Ross nếu đổ vỡ có thể gây nên thảm họa "tàn khốc" cho khu vực Tây Nam Cực và mực nước biển có dâng cao đến 3,3 m.

Bà Bertler nhận định, vết nứt trên thềm băng Ross có thể tạo ra tảng băng trôi khổng lồ tiếp theo nhưng điều này có thể mất đến 10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Hiện tại, các nhà khoa học chưa thể nói chính xác về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với "thảm họa" vừa xảy ra của thềm băng Larsen C. Tuy nhiên, không phải vì thể mà vấn đề này bị xem nhẹ.

Các nhà khoa học cho hay, bản thân tảng băng trôi không làm ảnh hưởng tới mực nước biển toàn cầu khi trôi dạt trên mặt nước. Tuy nhiên, nó có thể gây ra tác động lớn, "kích thích" tốc độ đổ xuống biển của sông băng nhanh hơn.

Thiệt hại sẽ không bị giới hạn ở riêng lẻ một lục địa mà sẽ gây ảnh hưởng lên các khu vực ven biển trên toàn thế giới. Mực nước biển có dâng lên thêm 1m nếu tốc độ diễn biến của băng tan ở Nam Cực như hiện nay.

Chúng ta có thể mất đi nhiều vùng đất thấp trong tương lai gần từ những thảm kịch băng tan này. Mục tiêu đặt ra trong bối cảnh hiện tại đó là chúng ta cần phải có những biển pháp thích hợp trong việc giảm phát thải khí nhà kính cũng như việc sử dụng năng lượng xanh để hạn chế ảnh hưởng lên "vùng đất băng giá" này.

Đây không phải là việc riêng của mỗi quốc gia mà là thử thách cả hành tinh phải đối mặt, không nên xem nhẹ.

Tiến sĩ Paul Spence là chuyên gia nghiên cứu khí hậu nổi tiếng người Australia, đặc biệt là các mô hình khí hậu tại Đại học New South Wales. Ông cũng là tham gia nghiên cứu tại Trung tâm Khí hậu ARC ở Australia.

Giáo sư Nancy Bertler là nhà nghiên cứu Nam Cực nổi tiếng người Đức. Bà Bertler tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Nam Cực thuộc Đại học Victoria Wellington (New Zealand) và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử khí hậu thông qua các lõi băng.

Bài viết sử dụng các nguồn: Independent, Dailymail, Sciencedaily, MSN

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại