Bữa cơm của người Việt
Điều đầu tiên, bữa cơm của người Việt là sự cân bằng dinh dưỡng tuyệt vời.
Có thể nói, văn hoá hàng nghìn năm của người Việt luôn tôn trọng thành phần trong bữa cơm hàng ngày.
Một bữa ăn đủ đầy dinh dưỡng và lành mạnh đối với các gia đình chính là sự cân bằng giữa đạm và chất xơ, giữa tinh bột và chất béo. Chẳng thế mà, mâm cơm nhà nào cũng thấy có món mặn, món xào luộc và món canh. Đó là khái niệm bữa ăn lành mạnh của người Việt.
Sự cân bằng được chị em nội trợ Việt áp dụng triệt để vào từng bữa ăn hàng ngày. Đủ dinh dưỡng được hiểu là sự cân bằng, vừa đủ, không nhiều quá, không ít quá.
Sự thanh đạm và trong lành của ẩm thực Việt còn rõ nét ở chỗ, phần lớn các món ăn được chế biến bằng phương pháp luộc, nướng hoặc hấp.
Ẩm thực của người Việt “tôn thờ” gia vị nhưng không phụ thuộc, nghĩa là biết cách gia giảm, nêm nếm khi nào cần gia vị và món nào cần gia vị gì. Chủ yếu dùng phương pháp luộc, hấp và nướng để giữ được hương vị nguyên bản của nguyên liệu. Khi ấy, gia vị chỉ là “gió thoảng mây bay” để trang trí cho món ăn thêm thi vị mà thôi.
Nói thế không phải vì chúng ta coi thường sự quan trọng của gia vị trong việc làm nên vị ngon, mà cái tinh tế của người Việt là luôn biết tách riêng gia vị, nước chấm để hương vị không lẫn vào nhau.
Đơn cử như món gỏi cuốn, phở cuốn của ta, nếu trộn tất thảy gia vị vào thì đâu còn hấp dẫn nữa. Tắm trong nước sốt, nước chấm đôi khi không phải là cách làm một món ăn hấp dẫn hơn.
Tôn trọng vị ngon nguyên bản
Trong một số nền ẩm thực khác, việc ướp nguyên liệu với nhiều gia vị để giúp tăng thêm vị thơm ngon sẽ khiến món ăn dễ bị ngấy, người ăn cũng khó phân biệt được hương vị ban đầu của nguyên liệu.
Với chúng ta, tôn trọng vị ngon nguyên thủy của món ăn là bí quyết giúp ẩm thực Việt đạt được sự lành mạnh từ xa xưa.
Không chỉ vậy, bữa cơm người Việt lành mạnh ngay từ hạt gạo - “hạt ngọc trời” giúp thế giới biết đến đất nước nông nghiệp ở phương Đông nhiều hơn. Ở Việt Nam, đã có loại gạo được mệnh danh là ngon nhất thế giới, đi khắp năm châu bốn bể quảng bá cho ẩm thực nước nhà.
Từ hạt gạo làm nên bao thành phẩm như sợi phở, bún, mì,... đều không chứa gluten như lúa mì của phương Tây. Đây là một điểm cộng cực lớn cho ẩm thực Việt: Sự lành mạnh đến từ văn hóa lúa nước.
Cũng chính vì sử dụng những phương pháp cổ điển, lành mạnh nhất nên thực phẩm nước ta nhìn chung ít calo và giàu chất xơ. Các món như gỏi cuốn được luân phiên thay thế nhiều loại rau gia vị theo mùa. Bạn có thể ăn gỏi cuốn cả tuần nhưng có chắc bạn ăn được hamburger hoặc pizza cả tuần mà không có chút rau xanh nào không?
Nước mắm là tinh túy đánh đấu đặc trưng của ẩm thực Việt trên bản đồ thế giới, giúp đưa những món ngon của dân tộc Việt va chạm với nhiều nền văn hóa khác và được bạn bè năm châu “khắc cốt ghi tâm”.
Mặc dù một vài nước bạn như Thái Lan, Trung Quốc cũng sử dụng nước mắm trong nền ẩm thực của họ nhưng người Việt khéo léo vẫn giữ được tinh hoa của “quốc hồn quốc túy” này.
Phương pháp cổ điển cân bằng âm dương
Ẩm thực Thái đặc trưng là những món cay đến “xé lòng”, còn hẳn thứ khiến người ta nhớ đến ẩm thực Trung là ớt khô và dầu nóng.
Trước kia, người Việt không mấy ai mặn mà với việc chiên rán “ngập dầu”. Phương pháp chiên rán này chỉ mới du nhập khi ta giao lưu với nhiều nền ẩm thực khác. Ngay cả trong các công thức nấu ăn, dầu mỡ cũng được sử dụng khá hạn chế, mà thay vào đó là nước hoặc nước dùng.
Chưa kể đến, mỗi món ăn của người Việt từ vỉa hè giản dị đến nhà hàng sang chảnh đều chung thủy với một công thức cân bằng, luôn có rau gia vị đi kèm. Chẳng hạn như bún chả luôn có rau thơm, phở luôn có hành, bún riêu luôn có rau sống thái nhỏ,...
Hoặc các món cuốn luôn có một “rừng” rau thơm đi theo để song hành. Việc kết hợp này không chỉ giúp món ăn dậy thêm hương vị mà các loại rau thơm còn giúp nâng cao sức đề kháng, mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Đến như món ăn nhẹ vào buổi sáng hay xế chiều ở mỗi đôi quang gánh góc đường là trứng vịt lộn cũng luôn kèm với gừng thái sợi và rau răm để cân bằng. Đây là bí quyết thưởng thức và cách kết hợp các loại gia vị để cân bằng âm dương, không sinh độc, cũng không tạo ra sự khó chịu cho dạ dày.
Cảm xúc “cơm nhà” và mùi vị quê hương
Sự lành mạnh của ẩm thực Việt không đến từ nhiều kỹ thuật hiện đại hay màu mè mà đến từ cảm xúc “cơm nhà” và mùi vị quê hương. Nói về điều này có thể hơi trừu tượng nhưng quả thực, “cơm nhà” là thứ gì đó đã len lỏi, thấm sâu vào trái tim mỗi người con Việt tự bao đời.
“Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”
Đây có lẽ là câu ca kinh điển bao người nằm lòng về tình yêu và nỗi nhớ của những người xa xứ khi nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn. Ấy là thuở xưa, còn nay thì sao?
Không đến mức đạm bạc như rau muống, dưa cà, mỗi bữa cơm nhà được nấu từ đôi bàn tay của mẹ, của bà luôn làm ấm lòng những đứa con, đứa cháu bôn ba ngược xuôi ở ngoài kia.
Không phải kỹ thuật cao hay công nghệ hiện đại, cũng không phải gia vị đắt đỏ, mỗi bữa cơm nhà chan chứa tình yêu thương được làm nên từ những món ăn đầy tâm huyết. Mỗi vùng, mỗi xứ sở thường sẽ có những đặc sản riêng, mà ở nơi đó, theo thói quen bản địa, người dân có cách chế biến sao cho món ăn ngon nhất, hấp dẫn nhất.
Ninh Bình có thịt dê cơm cháy; Hà Nội có bún riêu, bún thang; Sa Pa có lẩu cá tầm, cá hồi vân sáng,... Từ Bắc chí Nam, trên dải đất hình chữ S luôn trải đầy các món ăn đặc sản, đủ để mỗi người con có đi xa thì đều nhớ về cội nguồn bằng hương vị của những món ăn khó quên ấy.
Mùi vị quê hương cũng vậy, những người con Việt xa đất nước, mưu sinh xứ người, mỗi dịp Tết đến, có ai mà không nhớ miếng bánh chưng xanh, khoanh giò thơm lừng cùng nồi thịt kho rục, nghĩ đến mà rớt cả nước miếng ấy?
Ẩm thực của người Việt không chỉ lành mạnh từ nguyên liệu, từ phương pháp chế biến đến cách thưởng thức mà còn lành mạnh từ cách để lại dấu ấn trong lòng mỗi người.
Một đất nước có diện tích khiêm tốn nhưng vị thế trên bản đồ ẩm thực thế giới lại không hề nhỏ.
Chẳng thế mà, báo chí cùng những đầu bếp nổi tiếng nước ngoài đã không ít lần ca ngợi về sự lành mạnh và độc đáo của ẩm thực Việt Nam.
Trên Culture Trip, chuyên gia ẩm thực người Mỹ - Largeman Roth từng chia sẻ rằng ẩm thực Việt Nam dù dùng nhiều gia vị để tạo ra màu sắc hấp dẫn nhưng hương vị lại rất thanh đạm - điều mà nhiều nơi khác không có được.
Sự kết hợp giữa rau củ tươi ngon cùng với các loại thảo mộc còn là cách dưỡng sinh, chữa lành từ tự nhiên của người Việt.
Largeman Roth rất tâm đắc với Phở - một trong những món ăn lành mạnh và nổi tiếng nhất của Việt Nam. Nước dùng từ Phở được tạo thành từ những loại gia vị tốt lành có tác dụng đề kháng, chống oxy hóa như hồi, quế, tiêu,... mà vẫn mang lại vị ngon thực sự đậm đà, khác biệt.
Không chỉ Largeman Roth, vị đầu bếp nổi tiếng thế giới Gordon Ramsay đã làm phim tài liệu về ẩm thực địa phương Việt Nam - món hủ tiếu. Là một đầu bếp sở hữu nhiều sao Michelin, ông đã được thưởng thức quá nhiều sơn hào hải vị, những thực phẩm đắt đỏ trên toàn thế giới. Nhưng rồi, vị đầu bếp này cũng phải mặc quần đùi, lái xe máy đi từng nhà hàng bình dân ở Việt Nam để nhặt nhạnh kỹ thuật nấu món hủ tiếu ông ưa thích.
Trên South China Morning Post (SCMP) - tờ báo tiếng Anh uy tín bậc nhất xứ Cảng Thơm về các món ăn sáng ngon nhất châu Á, đã có 3 món ăn Việt được nhắc tới trong một bài vinh danh là bánh mì, phở và bún bò Huế.
Đâu chỉ thế, trang The Travel từng tổ chức cuộc khảo sát để tìm ra 6 loại sandwich ngon nhất thế giới. Và bạn biết đấy, bánh mì - đại diện đến từ Việt Nam đã vinh hạnh góp mặt trong bảng xếp hạng này.
Vào năm 2019, ẩm thực Việt Nam đã lọt top 10 nền ẩm thực tốt nhất thế giới trên trang CNN: “Ẩm thực Việt Nam được chuẩn bị theo các phương thức truyền thống, ít phụ thuộc vào các hương liệu nồng mà chỉ chú trọng vào những loại thảo mộc tốt cho người dùng và ít calo”.
Nói tới kỷ lục thế giới về ẩm thực, Việt Nam đã có 5 kỷ lục từ Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings): Là đất nước sở hữu nhiều món sợi và nước hấp dẫn nhất thế giới, đất nước có nhiều món mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới, đất nước có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới, đất nước có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới và đất nước có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới.
Tờ báo Pháp - Le Figaro từng ca tụng Hà Nội là nơi lưu giữ những món ăn tinh tế. Tờ báo này cũng đưa ra 8 món ngon gợi ý khi du lịch Hà Nội các du khách nên thử là phở, bún chả, bánh cuốn, bánh mì, bún riêu cua, các loại bánh rán, chả cá và cà phê trứng.
Có sự giao lưu và học hỏi nhiều nền ẩm thực khác trên thế giới, nhưng ẩm thực Việt Nam luôn biết cách giữ được hương vị nguyên bản, không để gia vị lấn át. Sự khéo léo của người Việt thể hiện ở chỗ biết chế ngự và cân bằng các loại gia vị để tôn lên vị ngon gốc. Tính cách của những người con đất Việt có lẽ cũng ảnh hưởng nhiều và hiển hiện trong cả hương vị ẩm thực nước nhà: Thân thiện và tốt lành!