Sự cố thủy điện Sông Bung 2: "Không thể đổ lỗi hết cho thiên tai"

Hoàng Đan |

Các chuyên gia cho rằng, đối với sự cố xảy ra ở thủy điện Sông Bung 2, không thể đổ lỗi hết cho thiên tai mà ở đây có trách nhiệm lớn của chủ đầu tư, đơn vị thi công.

Có vấn đề về thi công

Sự cố vỡ van số 2 đường ống dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, Quảng Nam) đã khiến hàng triệu m3 nước đổ xuống phía hạ du, 2 công nhân đang thi công tử vong vì bị nước cuốn đi.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, sự cố xảy ra tại công trình thủy điện Sông Bung 2 là rất nghiêm trọng nhưng không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới đã xảy ra khá nhiều, thậm chí có trường hợp còn vỡ đập thủy điện.

Về nguyên tắc, thiết kế công trình thủy điện Sông Bung 2 phải tính toán tất cả các vấn đề có thể xảy ra, đảm bảo an toàn của hầm dẫn dòng khi có lũ lớn, nhưng thực tế vẫn xảy ra sự cố, cho thấy đây là lỗi kỹ thuật, thi công của công trình.

"Để thi công một công trình thủy điện như Sông Bung 2 thì việc khảo sát, thiết kế, thi công phải đảm bảo rất nghiêm ngặt, chặt chẽ đến từng chi tiết, hệ số an toàn ở đây cũng luôn phải đạt 100% nên sự cố vừa qua xảy ra là rất nghiêm trọng.

Việc vỡ van số 2 đường ống dẫn nước rõ ràng là việc thi công ở đây có vấn đề và có thể do đường ống đã được thi công không đảm bảo, chất lượng không tốt nên mới xảy ra sự cố lớn như thế", PGS Hùng nhìn nhận.

Nguyên nhân ở đây theo nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Xây dựng Hà Nội có thể do khâu thiết kế, thi công không đảm bảo, bê tông chưa đủ độ cứng...


Sự cố thủy điện Sông Bung 2: Không thể đổ lỗi hết cho thiên tai - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Lao động.

"Một công trình đang tới giai đoạn tích nước như Sông Bung lẽ ra phải đảm bảo rất an toàn nhưng lại xảy ra sự cố đó là rất nghiêm trọng. Hàng triệu m3 nước đã đổ xuống hạ du gây ảnh hưởng đến nhân dân và môi trường.

Tới đây, các cơ quan chức năng sẽ phải làm rõ xem nguyên nhân do đâu nhưng theo tôi, không thể đổ hết lỗi cho thiên tai được mà đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát họ phải có trách nhiệm lớn", PGS Hùng nêu rõ.

Còn GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng nêu ý kiến, trong sự cố rất nghiêm trọng này thì đơn vị thiết kế và thi công công trình phải chịu trách nhiệm đầu tiên.

Theo GS Hồng về nguyên tắc, sau khi hoàn thành các hạng mục theo đúng thiết kế, Hội đồng nghiệm thu sẽ đánh giá, thẩm định, đảm bảo an toàn thì nhà máy thủy điện mới được phép tích nước lòng hồ.

Tuy nhiên, đơn vị thi công còn chưa hoàn tất bịt miệng cống dẫn dòng mà Công ty phát điện 2 đã tích nước lòng hồ đến hàng chục triệu khối nước là sai nguyên tắc nghiêm trọng.

Đó là chưa kể công trình sau khi đổ bê tông phải đạt cường độ tối thiểu từ 100 đến 150 kg/cm2 (mất khoảng 30 - 40 ngày) mới đạt độ cứng ổn định.

"Để xảy ra sự cố trên, trách nhiệm ở đây vẫn là chủ đầu tư và đơn vị thi công", GS Hồng chỉ rõ.

GS Hồng cũng khẳng định, công trình thủy điện nào cũng có phương án phòng ngừa rủi ro, trước khi tiến hành việc tích nước ở lòng hồ.

"Ở đây, trước khi tiến hành tích nước chủ đầu tư phải phối hợp với cơ quan chức năng thông báo rộng rãi cho người dân biết để chủ động ứng phó khi có sự cố xảy ra.

Tôi cho rằng, việc chủ đầu tư công trình thủy điện Sông Bung 2 đổ lỗi hết do thiên tai là khó chấp nhận", GS Hồng nói thêm.

Trách nhiệm thuộc về EVN, thẩm quyền thuộc Bộ

Trước đó, theo báo cáo của tỉnh Quảng Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, hai công nhân mất tích được xác định là: Nguyễn Minh Luân (SN 1992, trú xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) và Đặng Văn Tiền (SN 1980, trú thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang).

Thiệt hại tài sản gồm 2 ô tô 7 chỗ, 2 máy đào, 1 máy cẩu 25 tấn, 4-5 ô tô tải bị ngập, cuốn trôi. Nước tràn làm ngập một số đường giao thông tại thôn Pà Ooi, cuốn trôi và làm hư hại một số nhà dân.

Về nguyên nhân sự cố, ông Toàn nói rằng, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 11/9 nước lũ về hồ chứa với lưu lượng rất lớn vào khoảng 560m3/s và nước lũ chảy mạnh đã gây áp lực làm bục cửa van số 2 hầm dẫn dòng thi công.

Công trình thủy điện Sông Bung 2 do nhà thầu trong nước thi công và vừa được Hội đồng nghiệm thu của chủ đầu tư (Tập đoàn điện lực Việt Nam - EVN) tổ chức nghiệm thu, thống nhất cho phép tích nước hồ chứa từ ngày 25/8/2016 và hoàn thành đóng van hầm dẫn dòng vào ngày 3/9/2016.

Công trình nằm trong đề án an ninh năng lượng quốc gia, được Bộ Công Thương phê duyệt, nên thẩm quyền thuộc về bộ này, tỉnh Quảng Nam không liên quan.

Theo đó, mọi khâu từ khảo sát, phê duyệt, quyết định đầu tư, cho đến nghiệm thu…, Quảng Nam không hề được tham gia (Quảng Nam chỉ được quản lý công trình thủy điện dưới 30MW).

Với thủy điện Sông Bung 2, địa phương chỉ có trách nhiệm trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư.

"Công trình vừa được nghiệm thu đã xảy ra sự cố, nên chúng tôi đặt nghi ngại về chất lượng công trình. Tuy nhiên công trình này do Bộ Công thương cấp phép và quản lý nên trách nhiệm thuộc về EVN, thẩm quyền của Bộ quản lý", ông Toàn nêu.

Tại buổi kiểm tra thực tế, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đã yêu cầu tất cả các đơn vị tham gia cứu hộ, cứu nạn tập trung tìm kiếm 2 công nhân bị mất tích, hỗ trợ kịp thời các hộ dân bị ảnh hưởng.

Trước mắt, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục có các biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du trong mùa mưa lũ.

Khởi công năm 2012, công trình thủy điện Sông Bung 2 có công suất lắp đặt 100MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện trung bình hằng năm 425,5 triệu KWh, mức đầu tư là 3.661 tỷ đồng. Đến tháng 5/2016, chủ đầu tư đã điều chỉnh phê duyệt dự án tăng thêm trên 1.600 tỷ đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại