Trong những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện những tin tức nóng hổi liên quan tới Không quân Israel khi họ được cho là thủ phạm gây ra các vụ tấn công sâu vào trong lãnh thổ Iraq và Syria. Đồng thời, có ít nhất 3 chiếc máy bay không người lái Israel đã bị bắn rơi, 2 chiếc ở Li-băng và chiếc còn lại ở Iraq.
Đáng chú ý là máy bay Israel không còn tập kích vào các mục tiêu được cho là của lực lượng thân Iran ở quanh Damascus và miền Nam Syria nữa mà chuyển hướng chiến trường, vươn xa tới tận miền Đông Syria (thành phố al-Bukamal) và quanh Thủ Đô của Iraq. Khoảng cách địa lý từ Israel tới các khu vực trên lên tới gần 1.000 km.
Không quân Israel vươn xa tới tận miền Đông Syria (thành phố al-Bukamal).
Nga-Syria-Iran bóp nghẹt Không quân Do Thái?
Việc Không quân Israel chuyển hướng đánh những mục tiêu ở rất xa so với biên giới quốc gia của họ cho thấy đẳng cấp của một lực lượng lừng lẫy vẫn còn đang được duy trì phần nào đó, tuy vậy nó đã bị sứt mẻ ít nhiều khi trong 2 lần gần đây nhất ý đồ tập kích trở lại vào Damascus và miền Nam Syria đều đã bị bẻ gẫy. Thủ phạm là ai?
Dường như Nga-Syria-Iran đã sử dụng 3 mũi giáp công, bịt cửa tấn công của Israel nhằm vào Syria đặc biệt là ở Thủ đô Damascus và miền Nam nước này bởi lẽ:
Thứ nhất, trong cả 2 lần gần nhất khi định tập kích ở những khu vực này, các chiến đấu cơ Israel đã bị tiêm kích Su-35 Nga đóng quân tại căn cứ sân bay Khmeimim xuất kích đánh chặn. Việc bị tiêm kích đa năng Su-35 hiện đại bậc nhất thế giới "truy sát" đã buộc các phi công Israel không dám liều lĩnh, phải quay đầu, hủy bỏ ý định ra đòn ở Syria.
Thứ hai, nhóm vũ trang Hezbollah được Iran hỗ trợ đã triển khai lực lượng tên lửa phòng không rình rập ở các dãy núi dọc biên giới Li-băng và Syria, khu vực được Không quân Israel ưa thích áp dụng chiến thuật bay thấp theo các lõng núi rồi kéo cao bắn tên lửa hoặc bom lượn vào quanh Damascus.
Các dãy núi chạy dọc biên giới Li-băng và Syria được KQ Israel lợi dụng triệt để.
Đánh hơi được nguy hiểm, các chiến đấu cơ Israel trong thời gian gần đây không dám mạo hiểm sử dụng đường bay ưa thích này nữa. Để đánh giá khả năng phòng không của Hezbollah nhằm tìm phương án đột kích, Israel đã sử dụng máy bay không người lái trinh sát bay vào không phận Li-băng.
Động tác cẩn thận này của họ không thừa bởi lẽ Hezbollah đã bắn rơi liên tiếp 2 chiếc UAV của Israel chỉ trong vòng chưa đầy 24h. Nếu những chiếc UAV này mà là máy bay chiến đấu hiện đại như F-15 hay F-16 thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Thứ ba, sau nhiều trận thử lửa với những đối thủ cực mạnh là Mỹ-Anh-Pháp và cả Israel nữa, phòng không Syria đã rút ra được những kinh nghiệm xương máu để có thể đối phó với Không quân Do Thái vốn là bậc thầy về tập kích đường không.
Trong ngày 10/09, phòng không Syria nhận định tình hình tốt, vào cấp báo động sẵn sàng chiến đấu cao từ sớm, trước khi máy bay Israel xuất hiện ở miền Nam. Nếu Su-35 Nga không truy cản thành công mà để các chiến đấu cơ Do Thái "lọt lưới" thì phòng không Syria vẫn hoàn toàn chủ động đón đánh.
Tên lửa S-300 Syria vẫn chưa khai hỏa.
"Vỏ quýt dày có móng tay nhọn": Mọi sự vẫn còn ở phía trước
Đẳng cấp hàng đầu thế giới của Không quân Do Thái là không phải bàn cãi, khó khăn mà Nga-Syria-Iran hiện đang gây ra chỉ là tạm thời.
Với kinh nghiệm tác chiến tập kích đường không hết sức phong phú, một khi đã quyết tâm đánh vào Syria, chắc chắn những "cái đầu có sỏi" của Không quân Israel sẽ tìm ra chiến thuật mới, hiểm hóc để vượt "tường lửa" thành công và tập kích hủy diệt các mục tiêu ở sâu trong nội địa Syria.
Đối với Israel, một trong những phương án "an toàn" là tăng cường sử dụng số lượng tiêm kích tàng hình F-35 ít ỏi đang có trong tay bởi chí ít ở thời điểm hiện tại, lực lượng radar cảnh giới đường không của Syria hết sức yếu kém vì đa phần là các loại radar đời cũ, đã lạc hậu.
Cùng với đó, việc sử dụng chiến thuật nghi binh "dương đông kích tây" kết hợp với mục tiêu giả, gây nhiễu và tấn công tự sát khiến phòng không Syria lúng túng, đối phó không hiệu quả, tiêu hao đạn tên lửa phòng không lớn và chờ đến khi tên lửa Syria "trắng bệ" thì bấy giờ mới là lúc các chiến đấu cơ Israel ra đòn kết liễu chính thức.
Chưa kể, một khi bị gây khó, Israel sẽ kiếm cớ đánh trực diện, vừa chế áp vừa tiêu diệt các tổ hợp phòng không Syria nhằm mở toang các ô trống cho chiến đấu cơ của mình xâm nhập.
Để khắc phục điểm yếu, phòng không Syria cần sớm tìm cách giải bài toán nâng cấp mạng lưới radar cảnh giới, nhất là radar bắt thấp và radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình để nắm thế chủ động, phát hiện sớm mục tiêu và chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu kịp thời.
Ngoài ra, một trong những yêu cầu cao nhất đối với phòng không Syria là bảo toàn lực lượng để đánh lâu dài, tuyệt đối không được sơ suất, dù nhỏ để bị Israel đánh trúng khí tài khiến mất sức chiến đấu.
Việc 2 tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 rất hiện đại của Syria bị Israel đánh hủy diệt một cách dễ dàng là bài học xương máu mà họ phải triệt để rút kinh nghiệm.
Các tổ hợp tên lửa S-300 mà Nga mới trang bị cho Syria sẽ sớm là "át chủ bài" để phòng không Syria đọ sức ngang ngửa với các phi công sừng sỏ của Israel, tuy nhiên, sự cẩn trọng của Syria là cần thiết khi chưa đưa vào sử dụng mà vẫn tiếp tục huấn luyện thêm. Rồi sẽ có lúc!
Trong tương lai gần, thậm chí rất gần, Israel vẫn có thể tập kích Damascus và các mục tiêu khác ở miền Nam Syria nhưng không còn dễ dàng nữa.