Su-34 Nga đấu F-15E Mỹ: "Vịt bầu đè bẹp Đại bàng"?

Bảo Lam |

Su-34 có hệ thống radar quan sát không chỉ ở phần đầu mà cả ở đuôi và có thể phóng tên lửa không đối không về phía sau mà không một tiêm kích phương Tây nào có thể làm được.

Sức mạnh vượt trội của Su-34

Cuối tháng 5/2018, Lực lượng Không quân vũ trụ Nga được bổ sung thêm một chiếc máy bay tiêm kích-ném bom Su-34 cho Sư đoàn không quân tỉnh Chelyabinsk.

Su-34 được sản xuất tại Nhà máy chế tạo hàng không Novosibirsk mang tên Chkalov với số lượng 14-16 chiếc/năm. Dòng máy bay này được bàn giao cho quân đội Nga vào năm 2014 và thuộc thế hệ thứ 4++.

SU-34 được coi như chiếc máy bay ném bom tiền phương và là tiêm kích đa năng nhất của Nga: Có thể được sử dụng như máy bay ném bom, máy bay tiêm kích hay cường kích thuần tuý.

Các kỹ sư của Phòng Thiết kế Sukhoi "chất" lên Su-34 một số lượng bom và tên lửa khủng, giúp nó có tính cơ động cao, sử dụng hiệu quả các tên lửa khi không chiến cũng như khả năng sinh tồn cao với buồng lái chống đạn và tổ hợp tác chiến điện tử mạnh.

Nhờ hoạt động nhịp nhàng của Novosibirsk nên từ năm 2008 đến nay đã có 120 chiếc máy bay được xuất xưởng. Đến năm 2025 con số này dự kiến sẽ là 200. Bằng cách này, "Thú mỏ vịt" hay "Vịt bầu"– biệt danh của Su-34, sẽ thay thế toàn bộ các máy bay ném bom tiền phương Su-24 đã phục vụ trong lực lượng không quân Nga từ năm 1975.

Nhưng lý do chính cho việc thay thế này là Su-34 vượt trội hơn hẳn Su-24 về các tính năng chiến đấu. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất Su-34 có thể sẽ được kéo dài vì hiện nay người Nga cũng đang thảo luận rất nhiều về việc thay thế Su-34 cho các máy bay cường kích "lão thành" Su-25.

Cần phải thấy rằng, "Thú mỏ vịt" hoàn toàn xứng đáng đối với cả ba vai trò nói trên. Các nhiệm vụ triển khai ném bom được nó thực hiện độc lập, không cần sự yểm trợ của các máy bay tiêm kích vì Su-34 được thiết kế trên nền máy bay tiêm kích hạng nặng Su-27 - cỗ máy chiếm thế thượng phong trên không.

Thậm chí Su-34 còn được trang bị tốt hơn nguyên mẫu của mình để thực thi nhiệm vụ. Chẳng hạn như, nó có hệ thống radar quan sát không chỉ ở phần đầu mà cả ở đuôi và có thể phóng tên lửa không đối không về phía sau mà không một tiêm kích phương Tây nào có thể làm được.

Su-34 Nga đấu F-15E Mỹ: Vịt bầu đè bẹp Đại bàng? - Ảnh 1.

Tiêm kích - bom đa năng Su-34 đang cất cánh. Ảnh: TASS

Su-34 đấu F-15E Strike Eagle: Bên nào chiến thắng?

Ở Mỹ, người ta thích so sánh khí tài quân sự của mình với Nga. Su-34 cũng không phải ngoại lệ và được lựa chọn với vai trò của một chiếc máy bay cùng chức năng nhưng loại trừ thiên hướng cường kích. Đó chính là máy bay tiêm kích - bom hạng nặng F-15E Strike Eagle với lịch sử ra đời giống Su-34.

Strike Eagle được thiết kế trên nền F-15 Eagle, chiếc máy bay giống như Su-27, có chức năng chiếm ưu thế trên không với khả năng tự bảo vệ mình khi đối mặt với máy bay tiêm kích của địch.

Trước tiên, hãy so sánh những phẩm chất thứ yếu, nghĩa là khả năng triển khai không chiến. Hoàn toàn có thể hiểu được rằng trong cận chiến, với kết cục phụ thuộc chủ yếu vào khả năng cơ động, thì "Thú mỏ vịt" được đánh giá mạnh hơn do sở hữu khả năng siêu cơ động mang thương hiệu "Sukhoi".

Ở khía cạnh này, việc F-15E sở hữu tên lửa tầm ngắn AIM-9 khá tốt với động cơ kiểm soát lực đẩy cũng chỉ giống như "một cách én nhỏ chẳng làm nên mùa Xuân" vì Su-34 trang bị tên lửa cùng đời R-73 với khí động lực học cao.

Với tác chiến tầm xa, điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu là khả năng phát hiện sớm đối phương và phóng tên lửa tầm xa hiệu quả. Cần phải nói rằng các chỉ số của những máy bay này gần giống nhau cả về khả năng khó bị phát hiện lẫn về khoảng cách phát hiện địch bằng hệ thống radar.

Mỹ từng dự kiến trong thời gian tới sẽ trang bị cho Strike Eagle hệ thống radar hiệu quả hơn với ăng-ten lưới mảng pha chủ động. Tuy nhiên, quyết định này đã bị tạm dừng, vì Mỹ cho rằng các máy bay Strike Eagle "không còn trẻ", nhiều chiếc sắp sửa hết niên đại sử dụng.

Khi đối đầu ở khoảng cách được xác định bởi thời điểm trạm radar phát hiện máy bay địch, tên lửa R-27 với hệ thống dẫn hướng điều khiển bằng sóng radar sẽ được phóng ra. Quả tên lửa này sẽ được theo dõi tự động bằng tia của trạm radar mà không cần sự tham gia của phi công. Cùng một lúc, Su-34 có thể theo dõi 10 mục tiêu và bắn hạ 4 mục tiêu.

Ở giai đoạn cuối bay cuối, đầu đạn tự dẫn hướng bằng tia hồng ngoại, thụ động và radar chủ động sẽ bật lên. Vận tốc Mach 4,5 là quá đủ để tiêu diệt Strike Eagle bởi vì R-27 có thể diệt gọn các mục tiêu bay với vận tốc lên tới 3.500 km/h. Tên lửa AIM-120D của Mỹ dùng để tấn công Su-34 vượt trội về tầm xa – 180 km nhưng lại kém hơn R-27 về vận tốc bay khi chỉ đạt Mach 4.

Cần phải thấy rằng, việc điều khiển bằng hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu dù rất "tiên tiến", nhưng tính năng chịu nhiễu sóng không cao. Trong khi đó, "Thú mỏ vịt" được trang bị trạm tác chiến điện tử L-175V "Khibina 10V" rất mạnh.

Su-34 Nga đấu F-15E Mỹ: Vịt bầu đè bẹp Đại bàng? - Ảnh 2.

Hai chiếc F-15E phóng tên lửa AIM-7M trong quá trình huấn luyện

Xét về khả năng tấn công các mục tiêu trên bộ, điều quan trọng là lượng bom mà chiếc máy bay có thể mang tới địa điểm tấn công, cũng như tầm bay. Theo tuyên bố, tải trọng chiến đấu của "Strike Eagle" là 11 tấn, của "Thú mỏ vịt" là 8 tấn. Tuy nhiên, 11 tấn của Strike Eagle gồm 5 tấn bom và tên lửa, còn lại là nhiên liệu.

Tầm hoạt động của 2 máy bay có những sự khác biệt nhỏ. Cả F-15E và Su-34 đều có bán kính chiến đấu ở độ cao tối đa là giống nhau – 1.200 km.

Tuy nhiên, chiếc máy bay của Nga có thể mang tới nơi triển khai ném bom tất cả 8 tấn tên lửa và bom, còn máy bay của Mỹ chỉ là 5 tấn. Bán kính chiến đấu ở độ cao thấp của "Thú mỏ vịt" là 800 km, còn của "Strike Eagle" là 600 km. Tất nhiên, cần phải tính tới việc cả hai chiếc máy bay đều có thể được tiếp nhiên liệu trên không.

Thêm một "bàn thua gây sốc" của Su-34, cũng giống như tải trọng chiến đấu, liên quan đến các tính năng về tốc độ. F-15E có thể đạt được vận tốc Mach 2,5 ở trên không, còn Su-34 – chỉ Mach 1,8.

Thế nhưng, vận tốc tối đa "Strike Eagle" chỉ đạt được khi tất cả đạn dược phải nằm bên trong thân máy bay, không có tên lửa hay bình nhiên liệu treo bên ngoài. Nếu không, vận tốc của nó chỉ vào khoảng 1,5M. Còn vận tốc tối đa của Su-34 đã đo được với các loại đạn treo bên ngoài.

Nếu nói về tương lai của hai cỗ máy này, thì như đã đề cập ở trên, "Strike Eagel" không có tương lai vì nó sắp sửa "về hưu". Có nghĩa là không ai có ý định tăng thêm các tính năng chiến đấu của nó thông qua các gói nâng cấp. Trong khi đó "Thú mỏ vịt" là chiếc máy bay hoàn toàn mới, trước mắt nó không chỉ là một lần nâng cấp.

Cuối năm ngoái, sau khi được thử nghiệm tại Syria, hàng loạt hệ thống của chiếc máy bay này đang được hoàn thiện. Kho vũ khí tấn công của nó được mở rộng nhờ hỏa tiễn mới "không đối đất" với tầm bắn nâng cao. Hiện nay Su-34 cũng đang diễn ra công tác bay thử nghiệm với hệ thống điện tử nâng cấp mới.

Trong khi đó, người Mỹ chỉ dự định giữ lại các dòng máy bay Eagle thành công và hiện nay đang diễn ra công tác thử nghiệm nguyên mẫu duy nhất chiếc F-15SE Silent Eagle.

Đây là phiên bản nâng cấp rất sâu, không cải tiến từ những máy bay cũ, mà sản xuất các máy bay hoàn toàn mới thuộc thế hệ thứ 4++ với khả năng khó bị phát hiện mang tính đột phá.

Silent Eagle vẫn kế thừa những chức năng tấn công của Strike Eagle, sẽ phải giải quyết một cách xuất sắc cả nhiệm vụ giành ưu thế trên không. Gói nâng cấp nhằm mục đích này.

F-15 Silent Eagle có hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động, trạm định vị-quang học giúp nó có thể "đi săn" với radar đã tắt. Trạm tác chiến điện tử với tính năng tốt hơn hẳn so với các đời trước. Nói chung, hệ thống điện tử ở mức độ tốt. Vì thế cho nên, trong tương lai gần Su-34 sẽ xuất hiện một đối phương xứng tầm.

Xem Su-34 Nga giội bom diệt IS ở Syria

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại