Tính tới thời điểm hiện tại, Panzer VIII Maus là dòng xe tăng lớn nhất từng được con người chế tạo. Dù chưa bao giờ được thử lửa trên chiến trường nhưng Maus là điển hình cho tư duy lấy chất bù lượng của Phát xít Đức cũng như ảo tưởng về sức mạnh khoa học Đức của Adolf Hitler.
Tư duy lớn hơn, mạnh hơn
Trong Thế chiến 2, khi thiết kế xe tăng, trong khi Liên Xô và đồng minh chọn hướng lấy số lượng sản xuất lớn để bù đắp những thiếu sót về công nghệ, thì Đức lại chọn hướng đi ngược lại là lấy ưu thế của khoa học, công nghệ để bù đắp lại khả năng sản xuất có giới hạn.
Chính điều này đã giải thích cho việc các dòng xe tăng của Phát xít Đức càng về cuối chiến tranh càng to lớn và nặng nề.
Tiêu biểu cho xu hướng này có thể nhắc tới các dòng xe tăng Tiger, King Tiger, Jadtiger… trong khi Liên Xô thì tập trung phát triển số lượng lớn dòng xe tăng hạng trung T-34 với nhiều biến thể và dòng xe tăng hạng nặng IS, còn Mỹ thì với dòng xe tăng M4 Sherman.
Cuộc chạy đua giữa hai bên vẫn tiếp tục cho tới khi Đức đưa ra ý tưởng về dòng xe tăng khổng lồ, trang bị pháo chính hạng nặng có thể bắn hạ mục tiêu ở khoảng cách nhiều km. Đây chính là ý tưởng để cho ra đời xe tăng Panzer VIII Maus. Dòng xe tăng hạng nặng này nặng hơn bất kỳ xe tăng nào từng được chế tạo trong lịch sử với trọng lượng tối đa tới 200 tấn.
Ý tưởng phát triển Panzer VIII Maus với tên mã thiết kế VK 100.01 Porsche Typ 205 được Ferdinand Porsche giới thiệu tới trùm Phát xít Adolf Hitler đầu năm 1942.
Nó nhanh chóng được chấp thuận vì đáp ứng được mong muốn của Quốc trưởng Phát xít Đức về dòng xe tăng bất bại trên chiến trường. Nguyên mẫu của Panzer VIII Maus được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 3-1944.
Nguyên mẫu Typ 205-1 (V1) thử nghiệm tại Kummersdorf
Quái vật thép mang tên chuột nhắt
Nguyên mẫu V1 của Panzer VIII Maus ban đầu được đặt tên là Mammut (tên một loài voi cổ đại khổng lồ), nhưng vì sự thất vọng đối với dòng xe tăng hạng nặng này, nó được hiểu sang nghĩa Maüschen (chuột nhắt) và sau đó được gọi ngắn gọn là Maus.
Bất chấp những hoài nghi của giới tướng lĩnh quân sự Lục quân Đức, nguyên mẫu V1 của xe tăng Panzer VIII Maus đã tham gia thử nghiệm với pháo chính KwK 44 L/55 Kanone 128 mm, dòng pháo đã chứng minh được hiệu quả trên pháo tự hành Jagdtiger.
Pháo 128mm có thể dễ dàng tiêu diệt các mục tiêu bọc thép dày 148mm ở khoảng cách 2km. Ngoài ra, Maus còn được trang bị pháo đồng trục 75mm.
Trong quá trình thử nghiệm, một vấn đề được đặt ra và đã được kỹ sư hãng Porsche giải quyết đó là thiết kế động cơ mới đủ mạnh, nhưng phải đủ nhỏ để lắp trên Maus. Sau khi cân nhắc các thiết kế, nguyên mẫu V1 được lắp động cơ diesel 1.000 mã lực phía đầu xe. Điều này buộc tháp pháo bị đẩy lùi ra phía sau.
Panzer VIII Maus được trang bị lớp giáp thép dày tới 180mm ở hai bên hông và phía sau, còn mặt trước là 250mm. Thậm chí, cả nóc xe cũng được bọc giáp dày 220mm để chống lại máy bay cường kích IL-2 Sturmovik của Hồng quân. Đây là thiết kế giáp thép lớn nhất trong lịch sử thiết kế xe tăng Panzer.
Khi xuất hiện, nguyên mẫu V1 là con quái vật thực sự với trọng lượng tới hơn 100 tấn.
Nguyên mẫu xe tăng Maus trưng bày tại Bảo tàng Kubinka
Do thiết kế của nguyên mẫu V1 với pháo chính 128mm không làm hài lòng Adolf Hitler, Porsche đã phải thay đổi thiết kế xe tăng Maus với việc sử dụng pháo chính mới cỡ 150mm. Tuy nhiên, quá trình sản xuất 150 xe tăng Maus với pháo 128mm đầu tiên vẫn được lên kế hoạch thực hiện vào cuối năm 1943.
Theo tính toán, ở phiên bản tiêu chuẩn với đầy đủ vũ khí, xe tăng Maus nặng từ 188 tới 200 tấn. Thiết kế xe tăng siêu nặng mới không nhận được sự ủng hộ của nhiều tướng lĩnh Đức, trong đó có Guderian. Ông này cho rằng, Maus xứng đáng xếp vào dòng pháo tự hành chống tăng hơn là xe tăng thực thụ và nó thiếu súng máy để phối hợp tác chiến cùng bộ binh.
Trong quá trình thử nghiệm thực tế cuối cùng trong năm 1944, những yếu điểm chết người trên các nguyên mẫu xe tăng Maus được phát hiện. Do quá nặng, xe chỉ có thể cơ động với vận tốc dưới 20km/giờ. Ngoài ra, không cầu cống nào có thể chịu được trọng lượng quá tải tới gần 200 tấn của Maus. Để vượt sông, xe tăng Maus bắt buộc phải hoạt động theo cặp để hỗ trợ nhau.
Cùng với nguyên mẫu V1, Porsche cũng hoàn thiện nguyên mẫu V2 của xe tăng Maus với súng máy MG34 và động cơ mới 517 Daimler-Benz mạnh mẽ hơn. Quá trình thử nghiệm nguyên mẫu V2 được bắt đầu từ tháng 3-1944. Tuy nhiên, tất cả chương trình phát triển xe tăng Maus sau đó bị hủy bỏ vào tháng 9-1944 do các vấn đề về kỹ thuật không thể vượt qua.
Số phận hẩm hiu của dòng xe tăng nặng nhất thế giới
Do quá trình thử nghiệm Panzer VIII Maus diễn ra khi quân đội Phát xít Đức thất bại trên mọi mặt trận, nên nhiều nguyên mẫu và cơ sở sản xuất dòng xe tăng này đã rơi vào tay Hồng quân trong năm 1944.
Kể từ khi phát triển năm 1942, chưa một xe tăng Maus nào chính thức tham chiến.
Khi chiếm được cơ sở chế tạo Kummersdorf, gần thị trấn Böblingen, Hồng quân đã thu được 2 nguyên mẫu của xe tăng Maus.
Đã có thông tin cho rằng, quân Đức đã sử dụng 2 nguyên mẫu này để chiến đấu với Hồng quân, nhưng sau đó đã bị bác bỏ.
Ấn tượng trước kích thước đồ sộ của xe tăng Maus, Hồng quân đã thử lắp ráp lại một nguyên mẫu kết hợp giữa tháp pháo của phiên bản V2 trên khung thân bản V1 và thử nghiệm tại Đức.
Tới năm 1946, mẫu thử này được chuyển tới bãi thử nghiệm gần Kubinka. Sau khi kết thúc thử nghiệm, nguyên mẫu xe tăng Maus đã được trưng bày tại Bảo tàng Kubinka.
Một điểm đặc biệt là do kích thước quá đồ sộ của nguyên mẫu xe tăng Maus, nhà chứa nó tại bảo tàng được xây sau khi xe tăng được đặt vào vị trí quy định.
Video giới thiệu xe tăng Panzer VIII Maus của Phát xít Đức