Start-up Gcalls được nhà đầu tư 'khó tính' rót vốn triệu USD tại Shark Tank Việt Nam

Linh Lam |

Được mệnh danh là nhà đầu tư 'thường xuyên nói không', Shark Thái Vân Linh quyết định đầu tư 23 tỷ đồng cho Gcalls vì nhận thấy tiềm năng của start-up này.

Đến với chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ), Tấn Phúc và Xuân Bằng - hai nhà đồng sáng lập Gcalls đưa ra lời đề nghị 1 tỷ 249 triệu đồng cho mỗi phần trăm cổ phần của công ty.

Gcalls là start-up cung cấp giải pháp nghe gọi, chăm sóc khách hàng ứng dụng công nghệ cao. Doanh nghiệp có thể sở hữu 1 đầu số hotline qua vài phút để khách hàng liên lạc trực tiếp bằng đường truyền viễn thông.

70% cổ phần Gcalls sở hữu bởi hai nhà đồng sáng lập, 30% còn lại thuộc về các cổ đông khác bao gồm Testra - Tập đoàn viễn thông nổi tiếng Australia.

Start-up Gcalls được nhà đầu tư khó tính rót vốn triệu USD tại Shark Tank Việt Nam - Ảnh 1.

Tấn Phúc và Xuân Bằng là 2 nhà đồng sáng lập Gcalls

Tấn Phúc - CEO Gcalls cho biết công ty của anh đang nhắm đến thị trường tích hợp và nội dung số khu vực Đông Nam Á trị giá 38,2 tỷ USD. Mục tiêu đầu tiên là thị trường Indonesia.

"Chúng tôi cần số tiền 23 tỷ để đánh chiếm khu vực Đông Nam Á trong 2 năm tới. 70% vốn được sử dụng cho việc tích hợp và xây dựng hạ tầng ở địa phương. 30% còn lại sử dụng cho việc bán hàng và marketing", Phúc chia sẻ.

Gcalls tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông thế hệ mới và tiến hành IPO sau 7 năm nữa. "Hoặc nếu không thành công, công ty sẽ bán lại hệ thống cho đơn vị khác", Phúc nói thêm.

Vị CEO trẻ thú thật trước đây chỉ có anh và người đồng sáng lập là 'Sales'. Đội ngũ bán hàng của Gcalls được xây dựng từ tháng 3/2017 và đến nay mới chỉ có 2 khách hàng. Doanh thu 6 tháng gần nhất của start-up là hơn 150.000 USD (khoảng 3,4 tỷ đồng).

Khi nhận được những câu hỏi liên quan đến bài toán tài chính của công ty, cả Tấn Phúc và Xuân Bằng đều khá lúng túng đưa ra câu trả lời.

Trước việc hai nhà đồng sáng lập không thể trình bày lộ trình phát triển cụ thể, cả 3 Shark Nguyễn Xuân Phú, Trần Anh Vương và Trương Lý Hoàng Phi đều từ chối đầu tư.

Shark Phạm Thanh Hưng cho biết ông có 'background' về cả kỹ thuật và quản trị kinh doanh. Tuy nhiên ông vẫn chưa thể hiểu rõ mô hình kinh doanh của Gcalls hoặc 'các bạn chưa có cách trình bày giúp nhà đầu tư hiểu rõ'. Vì vậy, Phó chủ tịch CEN Group cũng quyết định không rót vốn.

Start-up Gcalls được nhà đầu tư khó tính rót vốn triệu USD tại Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.

Shark Linh mạnh tay đầu tư 23 tỷ đồng cho Gcalls

Được mệnh danh là vị Shark 'thường xuyên nói không', bà Thái Vân Linh - Giám đốc vận hành và chiến lược VinaCapital gây bất ngờ khi đề nghị đầu tư 23 tỷ đồng để đổi lấy 45% cổ phần.

"Mô hình kinh doanh này tôi rất thích. Các công ty công nghệ toàn cầu đều muốn đánh chiếm vào thị trường Châu Á vì đây là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong 30 năm tới. Tôi nghĩ nếu mình bắt đầu sớm và chiếm Châu Á trước thì khi các công ty lớn vào thị trường, chúng ta sẽ có một vài 'option' cho họ lựa chọn: Hoặc phải tự xây, hoặc phải mua lại", bà Linh nói.

Tấn Phúc và Xuân Bằng cho rằng 45% cổ phần quá lớn nên đề nghị hạ xuống 500.000 USD cho 20% cổ phần.

Shark Linh đánh giá 'tiền không thành vấn đề' nhưng 20% cổ phần là quá nhỏ bởi khi đầu tư vào Gcalls bà sẽ phải bỏ nhiều công sức - từ kiêm nhiệm CFO khi chưa có người phù hợp đến tư vấn chiến lược, tuyển người, hỗ trợ về tiếp thị và chăm sóc khách hàng.

Sau phần thương thuyết cũng như lắng nghe lời khuyên nhủ của các nhà đầu tư khác, Gcalls chấp nhận lời đề nghị 23 tỷ đồng cho 45% cổ phần của Shark Linh. Đây cũng là thương vụ huy động được triệu USD đầu tiên kể từ khi chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp này được phát sóng tại Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại