Sputnik: TQ hãy coi chừng, Philippines chuẩn bị mua vũ khí Nga

Nhật Minh |

Theo chuyên gia Anthony Wrynn, Nga là nhà cung cấp tiềm năng các trang thiết bị vũ khí, cho phép Philippines đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự.

Ngày 21/10, đài Sputnik (phiên bản Việt ngữ) đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Trung Quốc, hãy coi chừng: Philippines chuẩn bị mua thiết bị quân sự của Nga".

Theo bài viết, mặc dù mới nhậm chức chưa đến 6 tháng nhưng Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bắt đầu thực hiện những điều mà thậm chí bản thân ông cũng cho là hành động đối ngoại mạo hiểm.

"Sự chuyển hướng" trong quan hệ với Mỹ mà ông Duterte tuyên bố trong tháng 9/2016 là kế hoạch nhằm thiết lập mối quan hệ giữa Philippines với Nga và Trung Quốc. Kế hoạch tăng cường quan hệ với Nga áp dụng cho cả quốc phòng và các lĩnh vực kinh tế.

Trong lĩnh vực quân sự, ông Duterte tiết lộ ý định mua vũ khí từ Nga. Đổi lại, Moscow sẽ tạo điều kiện tín dụng thuận lợi cho Manila với kỳ hạn thanh toán không sớm hơn năm 2025.

Theo ông Anthony Wrynn - chuyên gia về chính sách đối ngoại của Nga ở Đông Á, Nga sẽ có lợi khi thiết lập quan hệ giữa 2 nước trong lĩnh vực quân sự.

Là nhà cung cấp tiềm năng các trang thiết bị vũ khí, Nga là nguồn bổ sung (ngang với Mỹ), cho phép Philippines đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự.

Theo vị chuyên gia, việc Tổng thống Duterte đưa ra sáng kiến thiết lập ​​quan hệ mới với Nga có vẻ là nỗ lực để cân bằng quan hệ giữa Philippines với Mỹ và Trung Quốc. Đồng thời ông Duterte dường như cũng muốn giảm bớt phụ thuộc vào Mỹ.

Sputnik: TQ hãy coi chừng, Philippines chuẩn bị mua vũ khí Nga - Ảnh 1.

Chuyên gia Kornev cho rằng, dần dần Nga thậm chí có thể cung cấp cho Philippines tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander.

Trước đó, trao đổi với tờ Svobodnaya Pressa, ông Dmitri Kornev - Tổng biên tập trang tin tức và phân tích MilitaryRussia cho rằng do Philippines là một quốc đảo nên Nga, với tư cách là một quốc gia hàng đầu về xuất khẩu tàu hải quân, có thể cung cấp cho nước này các tàu cao tốc và thậm chí cả tàu ngầm diesel-điện.

Ngoài ra, Manila có thể tìm tới Nga để mua các hệ thống phòng không, trong đó có các tổ hợp tên lửa đất-đối-không tầm ngắn/trung Buk và Tor.

"Các hệ thống hiện đại hơn, như Vityaz và Morphei chưa được trang bị cho quân đội Nga nên Philippines khó có thể mua được chúng", ông Kornev nói, "các hệ thống mạnh hơn, như S-300, sẽ không được chuyển giao bởi quá trình sản xuất đã tạm ngừng; hệ thống S-400 cũng sẽ như vậy trong vòng 1-2 năm nữa và vẫn còn một hàng dài đơn đặt hàng dành cho chúng".

"Tuy nhiên, việc cung cấp máy bay thì có thể", ông Kornev nhận định, "Nga từng cung cấp MiG-29 và Su-30 cho Malaysia, quốc gia láng giềng của Philippines. Dần dần, chúng ta thậm chí có thể cung cấp Iskander-E, hệ thống mà Nga mới chỉ cung cấp cho Armenia".

Trong khi đó, tạp chí Diplomat cho biết, Philippines không chỉ xem xét khả năng mua vũ khí từ Nga mà còn từ Trung Quốc. Đây là 2 nhà cung cấp tương đối phù hợp với nguồn lực tài chính eo hẹp của Philippines.

Tuy nhiên, Diplomat cảnh báo rằng, Nga hoặc Trung quốc vẫn có thể gặp rủi ro nếu coi cam kết mua thiết bị quân sự của ông Duterte là nghiêm túc, bởi Bộ Quốc phòng Mỹ đã có mối quan hệ sâu sắc, lâu dài với quân đội Philippines và mối quan hệ đó sẽ không thể bị hủy hoại chỉ trong một đêm.

Washington đã có cơ hội tiếp cận với các thiết bị quân sự tiên tiến của Nga thông qua các cuộc tập trận với nhiều quốc gia đối tác như Malaysia, Indonesia và Ấn Độ.

Nếu sau này, Philippines thấy rằng việc quay trở lại liên minh với Mỹ có giá trị hơn thì khi đó, khí tài quân sự của Nga hoặc Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị Washington "khảo sát" kỹ lưỡng hơn nữa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại