Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên cho biết, sau khi gia tăng sự hiện diện gần bờ biển Syria, Nga có thể sẽ tăng số lượng máy bay chiến đấu, và sau hai tuần Moskva có thể bắt đầu chiến dịch không kích cuối cùng tại Aleppo.
Tuy nhiên, đại diện của NATO không dẫn ra những bằng chứng cụ thể. Sau đó, liên minh này tuyên bố rằng, họ có ý định theo dõi chặt đội tàu chiến Nga tại Địa Trung Hải.
Như truyền thông Nga thông báo, cuộc hành quân của đội tàu chiến Hải quân Nga đã bắt đầu vào ngày 15/10. Thành phần của nhóm tàu sân bay bao gồm 4 tàu chiến và các tàu hỗ trợ. Bộ phận báo chí của Hạm đội Biển Bắc cho biết, cuộc hành quân đang được thực hiện theo kế hoạch huấn luyện chiến đấu.
MiG-29K/KUB trên boong tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Đây là lần đầu tiên mẫu tiêm kích này được làm nhiệm vụ dài ngày trên biển cùng tàu Kuznetsov.
Phản ứng trước những thông tin mà phương Tây đưa ra, theo đài Sputnik (Nga), NATO đang thêu dệt một "câu chuyện kinh dị" mới về cuộc hành quân của Hải quân Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, nhà bình luận quân sự Viktor Baranet cho rằng, tuyên bố của nhà ngoại giao giấu tên về số lượng tàu chiến Nga ở Địa Trung Hải không có cơ sở:
"Tôi có ấn tượng rằng, tình báo NATO làm việc kém hiệu quả. Vài tháng trước, trong cuộc họp báo tại trụ sở NATO, một đô đốc đã tuyên bố trong thành phần Hạm đội Bắc của Nga có 45 tàu ngầm hạt nhân và tàu ngầm chạy bằng diesel, cùng 39 tàu mặt nước.
Nói chung, dữ liệu này khá chính xác. Nếu toàn bộ Hạm đội Biển Bắc với tất cả các tàu chiến và tàu hỗ trợ đến biển Địa Trung Hải thì vùng biển này sẽ 'chật ních' tàu, không còn đủ chỗ để di chuyển.
Song, cần phải thừa nhận rằng, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tuần dương hạm tên lửa hạt nhân hạng nặng Peter Đại đế cùng với một số tàu chiến đã bắt đầu cuộc hành quân ở Địa Trung Hải.
Chúng được triển khai nhằm tăng cường sức mạnh cho biên đội tàu chiến Nga đang hiện diện gần bờ biển Syria, bảo đảm yểm trợ trước các cuộc tấn công từ trên không và cũng có thể để tiến hành những cuộc không kích vào khủng bố".
Theo vị chuyên gia, các mục tiêu được đặt ra cho nhóm tàu chiến của Hải quân Nga có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình ở Syria.
"Hiện nay chúng tôi phải bảo vệ cảng Tartus và căn cứ không quân Hmeymim trước các cuộc tấn công tiềm ẩn từ trên không. Ngoài ra, nên chú ý theo dõi diễn biến tình hình ở Aleppo của Syria và Mosul của Iraq.
Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga dự báo rằng, khi bọn khủng bố chạy trốn khỏi Mosul, chúng sẽ vội vàng di chuyển về phía Aleppo. Có vẻ để chặn đường rút lui (của chúng) thì cần phải có sự yểm trợ của các tàu chiến Nga.
Ngoài ra, các tàu chiến cũng rất cần thiết để chặt đứt những nguồn cung cấp cho khủng bố đang cố thủ trong Aleppo" - ông Baranet nói.