Sốt đất điên cuồng ở Mỹ: Nhà ở ngoại ô cũng 'nóng bỏng', chủ nhà không rao bán nhưng nhận được 100 lời chào mua

Thu Hương |

Các nhà đầu tư lướt sóng tìm kiếm những ngôi nhà giá rẻ và cả các mánh khóe mua bán trên mạng xã hội, khá giống với các day-trader đã tạo nên cơn sốt cổ phiếu meme và bitcoin.

Ngôi nhà bằng gạch màu vàng xinh xắn của Chuck Vukotich là một trong năm căn hộ nằm trong 1 ngõ cụt hẹp đến mức còn không thể quay xe. Bố mẹ ông mua nó từ năm 1961, và đến năm 2016 ông đã trả cho mẹ mình 55.000 USD để giữ lại căn nhà sau khi bà chuyển đến ở tại trại dưỡng lão.

Vukotich không rao bán nhà nhưng đó chẳng phải là vấn đề với những tay đầu cơ bất động sản đang săn tìm những món hời. Mỗi tuần ông nhận được vài cuộc điện thoại hỏi mua nhà. Hòm thư chất đầy những tờ rơi tìm mua nhà. Vukotich ước tính mình đã nhận được hơn 100 lời đề nghị.

"Tôi không bận tâm nếu ai đó đang cố gắng kiếm món hời, nhưng bị làm phiền quá nhiều khiến tôi cảm thấy khó chịu", ông nói.

Cơn sốt lan tới vùng ngoại ô

Cơn sốt nhà đất khiến giá nhà ở những nơi như Austin, Texas và Miami tăng vọt giờ đã lan tới vùng đất tưởng như chẳng có gì đặc biệt nằm ở ngoại ô Pittsburgh. Không chỉ dừng lại ở những căn nhà nghỉ dưỡng và vùng ngoại ô phát triển từng được săn lùng trong suốt đại dịch, giờ đây kể cả những thị trấn nhỏ xa xôi nơi những căn nhà thường được bán với giá dưới 100.000 USD cũng đang rất sôi động.

Sốt đất điên cuồng ở Mỹ: Nhà ở ngoại ô cũng nóng bỏng, chủ nhà không rao bán nhưng nhận được 100 lời chào mua - Ảnh 1.

Một trong những nơi như vậy là Penn Hills. Trung bình trong tháng 4 giá bán đã tăng 19% so với 1 năm trước, không thấp hơn quá nhiều so với mức tăng 22% trên toàn quốc.

Mức giá bán trung bình ở Penn Hills là 132.000 USD trong tháng 4, so với mức gần 371.000 USD trên cả nước. Ở Pittsburgh, "bạn vẫn có thể tìm thấy 1 ngôi nhà có giá 50.000 USD và chỉ cần sang sửa lại đôi chút", Krystina Krysiak, 1 nhân viên môi giới nói.

Mức giá thấp đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư lướt sóng đang muốn tìm kiếm cơ hội trong 1 thị trường mà nguồn cung thiếu hụt nhưng nguồn cầu lên rất cao. Họ tìm kiếm những ngôi nhà giá rẻ và cả các mánh khóe mua bán trên mạng xã hội, khá giống với các day-trader đã tạo nên cơn sốt cổ phiếu meme và bitcoin. Một số sẽ thuê lại, một số thì sơn sửa và bán lại với giá cao hơn hẳn. Một số bán ngay cho các nhà đầu tư dài hạn hơn.

Vukotich bắt đầu nhận các cú điện thoại và tờ rơi từ 2 năm trước nhưng gần đây tình trạng mới lên đến đỉnh điểm. Một tờ giấy note màu hồng được gửi đến viết rằng "Liệu chúng ta có thể bàn về giao dịch tiền mặt không? Hoặc theo cách khác, ông có thể cho chúng tôi biết, Nick".

Nick Schindehette cho biết mỗi tháng anh gửi từ 5.000 đến 20.000 lá thư như vậy cho các chủ nhà ở 20 vùng (theo mã ZIP). Anh bước chân vào kinh doanh bất động sản sau khi tham dự 1 sự kiện đào tạo. Năm nay 24 tuổi, Schindehette nhắm đến những vùng có giá nhà vẫn rẻ nhưng có tiềm năng phát triển. Penn Hills được đánh giá là khu vực mang lại nguồn thu cao nếu cho thuê hoặc mua đi bán lại cũng rất tốt.

Gia đình Vukotich chuyển đến đây khi ông học hết lớp 6. Trước đó họ sống trong 1 ngôi nhà duplex (dành cho 2 hộ ở) và do đó muốn chuyển sang 1 ngôi nhà độc lập. Họ mua căn nhà có 4 phòng ngủ và 2 phòng vệ sinh.

Sốt đất điên cuồng ở Mỹ: Nhà ở ngoại ô cũng nóng bỏng, chủ nhà không rao bán nhưng nhận được 100 lời chào mua - Ảnh 3.

Căn nhà của ông Vukotich

Vukotich và bạn bè hay đến nhà ông tụ tập sau khi tan học. Hầu hết bạn bè của Vukotich đều sống quanh đó và họ sẽ chơi bóng chày lúc rảnh rỗi. Khung cảnh ở khu này gần như không thay đổi và vẫn là 1 khu dân cư khá yên bình. Giờ thì Vukotich không sống ở đây nữa. Theo mong muốn của mẹ ông, Vukotich giao ngôi nhà cho con trai Charles và con dâu. Tuy nhiên ông vẫn là người đứng tên.

Tỷ lệ thành công của những lá thư mà Schindehette gửi đi chỉ khoảng 1%. Thường thì những người muốn bán cho anh muốn nhanh chóng từ bỏ ngôi nhà của họ và ngôi nhà đó cũng cần phải sữa chữa nhiều. Trong những trường hợp như vậy nhà đầu tư phải tính toán kỹ.

Sốt đất điên cuồng ở Mỹ: Nhà ở ngoại ô cũng nóng bỏng, chủ nhà không rao bán nhưng nhận được 100 lời chào mua - Ảnh 4.

Một số nhà đầu tư đàm phán để mua bất động sản trên danh nghĩa của nhà đầu tư khác và không bao giờ đứng ra làm chủ sở hữu. Họ kiếm tiền bằng cách tìm ra bất động sản giúp họ ăn chênh lệch giữa giá mà người mua thực sự và người bán đưa ra. Vì không cần vốn nên đây là cách khá dễ dàng. Tuy nhiên, ở một số khu vực, môi giới bị buộc tội lừa gạt, ép giá các chủ nhà nghèo khó.

Khó có thể định giá chính xác căn nhà của ông Vukotich. Cơ quan thuế định giá ở mức 47.900 USD. Nhưng công cụ định giá bất động sản của Zillow Group đưa ra con số trên 125.000 USD.

Vukotich không có ý định bán ngôi nhà mặc dù có thể con trai và con dâu ông muốn sống ở gần trạm phương tiện công cộng hơn. Nhưng ông biết chắc 1 điều là ông sẽ không bao giờ gọi cho bất kỳ số điện thoại quảng cáo nào.

Tham khảo Wall Street Journal

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại