Sông băng Thụy Sĩ mất 10% thể tích trong 2 năm tồi tệ nhất lịch sử

CTV Mỹ Linh |

Các sông băng của Thụy Sĩ đã mất 10% thể tích trong 2 năm qua – được coi là 2 năm tồi tệ nhất lịch sử tan chảy của sông băng.

Ông Matthias Huss - Người đứng đầu Cơ quan giám sát sông băng Thụy Sĩ (GLAMOS), cho biết tỷ lệ sông băng tan chảy nhanh chóng xảy ra sau mùa hè nóng kỷ lục thứ ba của đất nước. Thể tích sông băng mất đi tại Thụy Sĩ trong 2 năm qua tương đương với thể tích sông băng đã mất đi với ba thập kỷ trước năm 1990.

“Trong năm nay, các sông băng ở Thụy Sĩ đã mất hơn 4% thể tích còn lại. Năm ngoái là 6%. Như vậy cộng lại trong hai năm này, các sông băng đã mất đi 10% thể tích. Và thể tích này tương đương với thể tích các sông băng đã biến mất trong khoảng thời gian từ 1960 đến 1990. Năm nay là một năm rất khó khăn đối với các sông băng vì có rất ít tuyết vào mùa đông, độ sâu tuyết gần như thấp kỷ lục và mùa hè rất ấm áp. Sự kết hợp của hai yếu tố này là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với sông băng. Và tất nhiên, biến đổi khí hậu khiến những hiện tượng cực đoan trong hai năm qua có nhiều khả năng xảy ra hơn”, ông Matthias Huss nêu rõ.

Sông băng Thụy Sĩ mất 10% thể tích trong 2 năm tồi tệ nhất lịch sử - Ảnh 1.

Sông băng Aletsch. Ảnh: AFP

Hơn một nửa số sông băng trên dãy Alps nằm ở Thụy Sĩ, nơi nhiệt độ đang tăng khoảng gấp đôi mức trung bình toàn cầu do biến đổi khí hậu. Tháng băng tan cao điểm vào tháng 8 mỗi năm, Cơ quan thời tiết Thụy Sĩ cho biết độ cao nơi nước đóng băng đã đạt kỷ lục mới qua đêm, đo được ở độ cao 5.289 mét, cao hơn đỉnh Mont Blanc. Con số này đã vượt quá kỷ lục năm ngoái là 5.184 mét.

“Vào cuối tháng 8 và cả tháng 9, chúng tôi đã chứng kiến một đường 0 độ cao hơn 5.000m ở Thụy Sĩ. Đó là một kỷ lục mới. Tất nhiên, đối với các sông băng, điều này đã dẫn đến sự tan chảy rất mạnh trong những ngày đó. Đó không phải là lý do duy nhất dẫn đến sự tan chảy sông băng mạnh mẽ, nhưng nó cho thấy các sông băng đang tan chảy ở mức cao nhất ở dãy Alps ở châu Âu. Và nếu điều này tiếp diễn trong tương lai, rất có thể chúng ta sẽ chứng kiến sự biến mất gần như hoàn toàn của các sông băng trên dãy Alps”, ông Matthias Huss cho biết.

Tháng 8 vừa qua, các nhà nghiên cứu Thụy Sĩ cảnh báo thể tích các sông băng tại nước này đã giảm một nửa kể từ năm 1931, sau khi lần đầu phục dựng được xu hướng sông băng biến mất trong thể kỷ 20. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí khoa học The Cryosphere, sử dụng tư liệu từ kho ảnh TerrA, trong đó chụp được khoảng 86% các khu vực sông băng của Thụy Sĩ, phân tích khoảng 21.700 bức ảnh được chụp trong giai đoạn từ năm 1916-1947.

Tình trạng sông băng tan chảy nhanh chóng tại dãy núi Alp và những nơi khác do biến đổi khí hậu đang ngày càng được theo dõi chặt chẽ kể từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, cho tới nay, thế giới vẫn còn biết rất ít về cách thức sông băng thay đổi trước thời điểm này trong thế kỷ 20, khi có ít nhà thám hiểm theo dõi sông băng qua thời gian, với việc sử dụng các mô hình tính toán thể tích khác nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại