"Binh nhì" 21,9 triệu bảng
Trên đây không phải chuyện giả tưởng, mà là kịch bản có thể xảy ra trong tương lai. Theo tiết lộ mới đây từ báo giới Anh, Tottenham có thể sẽ thiếu vắng tay súng thượng hạng của mình trong vòng 21 tháng. Ở Hàn Quốc, nghĩa vụ quân sự là điều bắt buộc phải thực hiện với bất cứ thanh niên nào. Mùa giải trước, Ki Sung-Yeung của Swansea đã mất 4 tuần hồi hương để đăng lính.
Tuy vậy, cái ngày Son phải chia tay quả bóng để khoác lên vai khẩu tiểu liên vẫn còn xa. Son hiện mới 24, trong khi hạn tòng quân là 28 tuổi.
Và giả sử trong thời gian tới, cầu thủ này lập công lớn cho tổ quốc như Ki Sung-Yeung, người đã giành Huy chương đồng môn bóng đá nam Olympic 2012, hay như Park Ji-Sung, thành viên của đội bóng lọt vào bán kết World Cup 2002, anh có thể được giảm hoặc thậm chí được miễn luôn nghĩa vụ quân sự.
Son Heung-Min đang tạo nên cơn sốt tại Premier League.
Bởi vậy, mục tiêu duy nhất để Son ngắm đến, ngay lúc này và chí ít là đến hết mùa giải 2016/17, không phải là những tấm bia trên thao trường, mà là khung thành đối diện. Không biết một Son Heung-Min binh nhì sẽ thế nào, chỉ biết rằng một Son Heung-Min cầu thủ đang "bắn" rất chuẩn.
Tại Premier League, Stoke và Middlesbrough (mỗi đội 2 bàn) đã "ăn đạn" của anh. Tại Champions League, CSKA Moscow cũng trở thành nạn nhân của nhân tố đang góp công đầu trong việc nâng cao uy tín cho các cầu thủ châu Á tại cựu lục địa.
Suốt lịch sử phát triển hàng trăm năm của bóng đá, dấu ấn châu Á tại những môi trường đỉnh cao gồm Premier League, Serie A hay La Liga thậm chí thưa thớt không bằng ai đó bắn một băng đạn vào Vạn Lý Trường Thành.
Chúng ta có thể dễ dàng điểm ra những cái tên chủ yếu mang âm ngữ Hàn Quốc và Nhật Bản tại châu Âu như Cha Bum-Kun, Park Ji-Sung, Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura và bây giờ là Son, người đã trở thành cầu thủ châu Á đắt nhất mọi thời đại khi được Tottenham rước về từ Leverkusen hồi hè năm ngoái với mức giá 21,9 triệu bảng.
Hành trình gian nan
Những ngày đầu tiên trên quê hương túc cầu, với Son, chẳng hề dễ dàng chút nào. Mọi thứ không quá tệ trên sân bóng, vì Son đã có trận hay trận dở. Chính những thứ ngoài sân mới là lý do khiến Son cảm thấy thật khó khăn để thích ứng.
"Tôi suýt dính tai nạn mấy lần. Lái xe ở London phức tạp hơn cả việc rê bóng qua hàng thủ Chelsea", ngôi sao người Hàn Quốc cố tỏ ra hài hước trong một buổi trả lời phỏng vấn bằng thứ tiếng Anh cà nhắc như bước chân của một cầu thủ vừa bị đối phương đốn ngã.
Ngoài vấn đề về giao thông, thức ăn và lối sinh hoạt thường nhật khác biệt tại Anh cũng là con muỗi chích vào trạng thái tâm lý tưởng chừng rất vững vàng của Son, chàng trai đã xa nhà từ lúc 16 tuổi để gia nhập lò đào tạo Hamburg.
Son Heung-Min khi còn ở Đức.
Trong giai đoạn chuẩn bị cho mùa giải 2016/17, HLV Pochettino đã cân nhắc nghiêm túc đến khả năng bán chân sút gốc Chuncheon. Bản thân Son cũng thừa nhận rằng "Premier League khắc nghiệt hơn tôi hình dung" và bắt đầu lắng nghe những đề nghị từ chỗ khác.
Nhưng dù vắng mặt gần hết mùa hè vì lời hiệu triệu tham dự Olympic Rio và khi trở lại tập trung cùng Tottenham lại chơi không mấy ấn tượng ở các trận đấu thuộc khuôn khổ International Champions Cup, Son đã bất ngờ được điền tên vào danh sách dự đợt tập huấn then chốt tại Australia.
Nabil Bentaleb, người được dự đoán sẽ có mặt trong chuyến đi sang châu Đại Dương, đã bị bỏ lại vào phút chót để hoàn tất thủ tục cho mượn tới Schalke. Pochettino vẫn đánh giá cao đôi chân mạnh mẽ và sự đa năng của Son. Tất cả những gì Son cần là có thêm một chút tin tưởng.
Cá tính mạnh vừa là ưu điểm, vừa là nhược điểm của Son Heung-Min.
Và một chút vận may. Nhờ chấn thương dài hạn của Harry Kane, viên đạn mang tên Son Heung-Min đã vụt ra khỏi nòng với vận tốc cực đại.
Hy vọng rằng, thời tiết mưa gió ẩm ương tại Anh, cũng như pha tranh giành quyền đá phạt đền không đáng có với đồng đội Erik Lamela ở trận gặp Man City mới đây, sẽ không khiến cho viên đạn ấy đi lạc mục tiêu "xa hơn 50m" mà nó nhắm đến.
Danh hiệu Vua phá lưới kèm theo chức vô địch Premier League 2016/17 chẳng hạn. Tại sao không?