Sốc: Tạo độ đắng cho cà phê bằng thuốc kí ninh

Trần Châu |

Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49, trong quá trình điều tra phát hiện có trường hợp tạo độ đắng cho cà phê bằng thuốc kí ninh.

Biến bột ngũ cốc thành cà phê bột, cà phê hòa tan

Ngày 20/7, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức buổi tọa đàm "Cà phê bẩn - thực trạng và giải pháp".

Mở đầu tọa đàm là đoạn phóng sự video do phòng truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện ghi lại những hình ảnh sản xuất cà phê tại một số cơ sở trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó, cà phê ở đây được trộn với số lượng lớn đậu nành, bắp, cùng rất nhiều loại hóa chất, hương liệu, phụ gia để ra thành phẩm cuối cùng là những bao cà phê mà phần lớn chỉ toàn ngũ cốc rang cháy.

Đoạn phóng sự đã khiến nhiều người rùng mình khi tận mắt trông thấy quy trình chế biến gian dối, máy móc sơ sài, nhà xưởng bẩn thỉu của những cơ sở này. Được biết, cà phê ở đây được tiêu thụ tại những quán cà phê cóc, cà phê vỉa hè, xe đẩy...

Sốc: Tạo độ đắng cho cà phê bằng thuốc kí ninh - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm "Cà phê bẩn - Thực trạng và giải pháp" hôm 20/7 ở TP.Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Theo Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường C49, từ năm 2012 đến nay, đơn vị này đã tiến hành rất nhiều đợt thanh kiểm tra phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, xử lý hơn 20 doanh nghiệp cơ sở sản xuất cà phê các loại, thu hàng trăm tấn trị giá hàng tỉ đồng.

C49 cho biết, các hành vi vi phạm của các đơn vị chủ yếu là pha trộn ngũ cốc, bắp đậu nành để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận nhưng khi công bố và trên bao bì sản phẩm luôn ghi là café 100% nguyên chất.

Ít đơn vị nào công bố có thành phần đậu tương. Đây cũng là một hành vi đánh lừa người tiêu dùng.

"Về thực tế trong quá trình kiểm tra của chúng tôi, chúng tôi từng phát hiện một cơ sở sử dụng 100% đậu nành, không có hạt cà phê nào cả nhưng vẫn ghi bao bì là 100% cà phê nguyên chất, cà phê Tây Nguyên đặc sản", đại diện C49 cho biết.

Ngoài pha trộn bột bắp, bột đậu, theo C49, doanh nghiệp còn sử dụng hương liệu vị cà phê để biến bột ngũ cốc thành cà phê bột, cà phê hòa tan.

Có trường hợp C49 điều tra phát hiện doanh nghiệp sử dụng nhiều đường hóa học như sodium cyclamate để khi rang bắp đậu nành cháy đến độ nào đấy thì họ cho đường này vào. Hoặc tạo độ đắng bằng thuốc kí ninh và rất nhiều loại hóa chất khác.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Nguyên Trưởng khoa Công nghệ Thực phẩm, Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm - trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, ở thị trường TP.HCM nói riêng, miền Nam nói chung tiêu thụ rất nhiều cà phê trộn.

Tuy nhiên, theo ông Thịnh thì vấn đề không còn là chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm nữa vì đậu nành hay bắp đều là thực phẩm ăn được, trộn vào không sao, các hóa chất được sử dụng nếu nằm trong danh mục cho phép cũng không gây độc.

Vấn đề bức xúc hơn chính là chuyện cà phê trộn ngũ cốc và hóa chất nhưng lại được quảng cáo là cà phê nguyên chất. Đây là hành vi đánh lừa người tiêu dùng, gian lận thương mại nghiêm trọng.

"Tôi xin nói ở đây là vấn đề gian lận thương mại. Đừng "treo đầu dê bán thịt chó". Bán dê thì nói thịt dê, bán chó thì nói chó, bán cà phê cũng như vậy. Người Việt Nam thời xưa không có điều kiện tự nghiền cà phê nên giờ đó là cái cớ để nói đây là bột cà phê nhưng trong đó là có bột bắp, bột đậu", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Cần một quy chuẩn cà phê và sự minh bạch về thành phần

Qua khảo sát, khi xem qua một loạt các bao bì và nhãn mác của các thương hiệu cà phê không khó để nhìn thấy những câu quảng cáo rất kêu và hấp dẫn tuy nhiên, trong thành phần được ghi ở mặt sau đều rất mơ hồ, với những thành phần chung chung như: bột cà phê hòa tan, hương liệu hỗn hợp, muối, màu caramel, đường, bột kem sữa, chất tạo ngọt tổng hợp...

Hấu hết những thành phần này đều được liệt kê ra mà không hề có hàm lượng cụ thể là bao nhiêu. Đặc biệt, thành phần quan trọng: đậu nành/ bắp không hề xuất hiện trong danh mục thành phần, hoặc chỉ được nhắc đến qua loa trên cảnh báo an toàn: "Sàn phẩm có chứa đậu nành" trên bao bì của một số hãng.

Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng vụ pháp chế, Bộ Y Tế thì hiện nay các cơ quan quản lý đang căn cứ vào các quy định về luật vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung và luật vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nói riêng, luật tiêu chuẩn quy chuẩn kĩ thuật, luật chất lượng sản phẩm văn hóa, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật quảng cáo, luật thương mại…

Các doanh nghiệp cà phê khi đăng ký mẫu kiểm nghiệm sẽ được kiểm định về hàm lượng kim loại nặng, độc tố gây nấm, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, cùng một số chỉ tiêu chất lượng liên quan đến cà phê bột.

Tuy nhiên ông cũng cho biết, hiện tại, Bộ quy chuẩn quốc gia về cà phê VN đang được xây dựng nhằm nâng cao tính pháp lý và tạo cơ sở rõ ràng hơn trong việc quản lý chất lượng cà phê.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại