Năm 1998, Trung Quốc hoàn tất thương vụ mua lại chiến hạm Varyag, con tàu thuộc cùng lớp với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Hải quân Nga. Về thiết kế, chiến hạm Varyag là tuần dương hạm hạng nặng mang tên lửa hành trình có thể mang theo máy bay chứ không phải tàu sân bay như thiết kế của Mỹ.
Tuy nhiên sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine không thể hoàn tất chiến hạm Varyag và buộc phải bán thanh lý chiến hạm mới chỉ được đóng xong phần thân tàu. Khi đó, 1 công ty của Trung Quốc thực hiện thương vụ mua lại chiến hạm Varyag để sử dụng làm sòng bạc nổi, trị giá của thương vụ này lên đến 20 triệu USD, chiến hạm đóng dở này được kéo về Trung Quốc.
Tuy nhiên, thương vụ mua lại Varyag để hoán cải thành tổ hợp khách sạn – sòng bạc nổi chỉ là vỏ bọc, khi chiến hạm này về Trung Quốc, Viện 701 bắt tay vào thiết kế lại con tàu này. Tháng 6/2005, Varyag được kéo đến ụ nổi ở cảng Đại Liên, công việc hoàn thành và biến chiến hạm này thành tàu sân bay Liêu Ninh được bắt đầu.
Tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) của Trung Quốc. (Ảnh: Sputnik)
Đến giữa năm 2011, tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị hệ thống cảm biến và các hệ thống vũ khí, tới tháng 8/2011, công tác thử nghiệm động cơ và hệ thống ánh sáng trên ụ nổi được hoàn thành.
Tàu sân bay Liên Ninh được vận hành thử nghiệm lần đầu vào ngày 9/8/2011. Đến tháng 9/2012, con số 16 được sơn lên thân tàu và con tàu chính thức gia nhập vào lực lượng Hải quân Trung Quốc.
Xét về thiết kế, tàu sân bay Liêu Ninh không khác nhiều so với khu trục hạm hạng nặng Đô đốc Kuznetsov của Nga, với thiết kế boong phóng kiểu nhảy cầu, trong khi đó tàu sân bay lớp Nitmitz của Mỹ, trong đó có tàu sân bay USS Carl Vinson có boong phẳng và sử dụng máy phóng hơi nước để hỗ trợ chiến cơ cất cánh.
Trung Quốc phân Liêu Ninh vào lớp tàu Kiểu 001 và phân loại chiến hạm này là tàu huấn luyện, do đó tàu sân bay Liêu Ninh chủ yếu đảm nhiệm công tác huấn luyện cho không quân hải quân Trung Quốc, cũng như huấn luyện công tác vận hành tàu sân bay và thực hiện các thử nghiệm khác.
Do đó tàu sân bay Liêu Ninh được trang bị ít hệ thống vũ khí hơn so với tuần dương hạm Đô đốc Kuznetsov, thậm chí chưa có hệ thống tên lửa chống hạm như tàu sân bay thuộc lớp Nitmitz của Mỹ.
Tàu sân bay Liêu Ninh không có tên lửa chống hạm mạnh như P-700 Granit trên chiến hạm Đô đốc Kuznetsov, cũng như có số lượng tên lửa phòng không thấp hơn chiến hạm này của Nga.
Trên tàu sân bay Liêu Ninh có 3 tổ hợp tên lửa đất-đối-không FL-3000N với tổng cộng 54 tên lửa, sử dụng tên lửa HQ-10 (Hồng Kỳ 10), loại tên lửa được phát triển từ tên lửa TY-90 (Thiên Nhạn 90). Ngoài ra, tàu sân bay Liêu Ninh có thêm 3 hệ thống phòng thủ tầm gần 30 mm Kiểu 1130, 2 hệ thống phóng vũ khí chống ngầm 240 mm và 4 tổ hợp mồi bẫy gồm 24 ống.
Video: Tàu sân bay Liêu Ninh đến Hong Kong
Để so sánh, tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ được trang bị 2 tổ hợp tên lửa chống hạm Mk 57 Mod 3 Sea Sparrow, 2 tổ hợp tên lửa phòng không RIM-116 Rolling Airframe Missile và 3 hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx.
Còn chiến hạm Đô đốc Kuznetsov được trang bị đến 12 tên lửa chống hạm P-700 Granit, 192 tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal, 6 tổ hợp phòng thủ tầm gần AK-630, 8 tổ hợp phòng thủ tầm gần Kashtan, hệ thống phản lực chống ngầm Udav-1.
Tuy nhiên, khác với tuần dương hạm hạng nặng Đô đốc Kuznetsov, tàu sân bay Liêu Ninh không tác chiến một mình mà được bố trí thành biên đội tàu sân bay với các chiến hạm hộ tống, tương tự cách thức Hải quân Mỹ bố trí các tàu sân bay của mình.
Từ cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu phát triển một loạt chiến hạm để xây dựng biên đội tàu sân bay, trong đó có khu trục hạm lớp Kiểu 052C và Kiểu 052D, hộ vệ hạm đa năng mang tên lửa có điều khiển Kiểu 054A, tàu ngầm hạt nhân tấn công Kiểu 93 và Kiểu 95.
Dù còn nhiều hạn chế so với tàu sân bay lớp Nitmitz của Mỹ hay thậm chí không có khả năng tác chiến độc lập mạnh mẽ như chiến hạm Đô đốc Kuznetsov của Nga (chiến hạm có cùng thiết kế), tàu sân bay Liêu Ninh vẫn đóng vai trò quan trọng trong Hải quân Trung Quốc cũng như ngành đóng tàu quân sự của nước này.
Tàu sân bay Kiểu 001A do Trung Quốc chế tạo trên cơ sở thiết kế của tàu Liêu Ninh được hoàn tất vào năm 2017 cho thấy Trung Quốc làm chủ được hoàn toàn công nghệ đóng tàu sân bay, ít nhất theo thiết kế tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay do Liên Xô phát triển.
Trung Quốc đang tiếp tục phát triển tàu sân bay Kiểu 002 với máy phóng điện tử và tàu sân bay hạt nhân Kiểu 003.