Xét về ngoại hình, cả Kerry và Lavrov đều cao, gầy với vẻ ngoài nhã nhặn, lịch sự. Có thể thấy, hai người đều có vẻ khá già dặn và mệt mỏi do những lần di chuyển thường xuyên và các cuộc chiến chính trị dường như không có hồi kết.
"Cặp bài trùng" của giới ngoại giao này đã gặp gỡ và trò chuyện khá thường xuyên trong vòng 3 năm trở lại đây về châu Á, châu Âu, tại cả hai nước Nga và Mỹ.
Mối quan hệ của Kerry và Lavrov đang "rất tốt đẹp. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi phải cười lớn và nhảy lên sung sướng trong tất cả các cuộc họp để làm hài lòng người Nga, người Mỹ hay các nhà báo" - Ngoại trưởng Nga nói.
Phía Moscow có vẻ thông cảm với những người đàn ông phải gánh vác cả thế giới trên đôi vai gầy của mình. So với Mỹ hay Tổng thống Barack Obama, báo chí Nga thường "nhẹ tay" hơn với Kerry rất nhiều.
"Bộ máy tuyên truyền của chúng tôi sẽ chẳng mất nhiều công sức để có thể hạ thấp Kerry, nhưng ông Lavrov không cho phép điều này xảy ra, ông trân trọng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai người" - Nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin của Nga cho biết.
Gần đây, bức ảnh Putin cười bắt tay Kerry như những bằng hữu lâu năm đã xuất hiện trên khắp các mặt báo, như thế báo hiệu mùa xuân của mối quan hệ Nga-Mỹ đã về sau những ngày đông lạnh giá.
Tháng Ba vừa qua, sau hơn 3,5 tiếng đàm phán với Tổng thống Nga, Kerry tuyên bố rằng đã có tiến triển trong nỗ lực nhằm cùng nhau tiêu diệt IS.
"Chúng tôi cùng theo đuổi một kết quả, nhận thấy cùng các mối đe dọa và hiểu được những thách thức giống nhau" - Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.
Tuy nhiên, các nhà báo cũng tốn không ít giấy mực để mỉa mai sự cởi mở đột ngột này.
"Nhớ gần đây Obama chọc tức Nga bằng cách gọi đất nước này là "cường quốc khu vực" không? Giờ Kerry lại đi tuyên bố rằng Mỹ và Nga là "những cường quốc". Hẳn Putin sẽ mỉm cười rồi..." - Phóng viên của BBC tại Moscow, Steve Rosenberg viết.
Tuy nhiên, quan hệ Nga-Mỹ nói chung cũng như quan hệ giữa Lavrov và Kerry nói riêng vẫn vấp phải nhiều thử thách, điển hình là khi máy bay Su-24 của Nga hết lần này tới lần khác áp sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ gọi hành động này là "nguy hiểm" và "khiêu khích", trong khi tờ báo Sputnik của Nga lại chỉ xem đó là "một sự cố nhỏ".
Đáp lại lời lẽ mang tính đe dọa của Kerry rằng quân đội Mỹ đã có thể bắn hạ máy bay Nga, Moscow khăng khăng rằng phi công nước nay không hề vi phạm luật pháp quốc tế và chiếc máy bay đó thậm chí còn chẳng được trang bị vũ khí.
Một lần, khi đang trao đổi trước khi được ông Lavtov đưa tới gặp Tổng thống Putin, Kerry đã tranh thủ chúc mừng sinh nhật lần thứ 66 của Ngoại trưởng Nga.
"Tôi mong tuổi mới sẽ đem lại cho ông thêm sự thông thái, đặc biệt là trong những cuộc đàm phán của chúng ta" - Ông Kerry bông đùa.
Đáp lại, ông Lavrov mỉm cười: "Cảm ơn. Nhưng nếu trí tuệ mà được đo bằng số lần sinh nhật, tôi chắc chẳng thể theo kịp ông rồi"
Lavrov từ trước đến nay luôn cứng rắn trong đàm phán. Một năm trước vụ sáp nhập Crimea, ông được phỏng vấn về những mục tiêu ngoại giao đã đạt được dưới thời Tổng thống Putin.
Khi đó, Ngoại trưởng Nga nhắc lại hình ảnh của nhà ngoại giao Alexander Gorchakov, người từng "khôi phục lại tầm ảnh hưởng của Nga tại châu Âu sau khi thua trận trong Chiến tranh Crimea và thành công... mà không cần động tới một khẩu súng.
Ông làm được điều đó hoàn toàn chỉ nhờ vào ngoại giao" - Ngoại trưởng Nga trả lời tạp chí Foreign Policy. Có thể thấy, học và làm theo Gorchakov rõ ràng là mục tiêu ông đặt ra cho mình, nhà báo Nemtsova của The Daily Beast nhận định.
Cuối cùng, ai là người được độc lập ra quyết định hơn, Lavrov hay Kerry?
"Công việc của Lavrov rõ ràng là khó hơn rất nhiều, bởi ông không có chút độc lập nào mà chỉ thi hành những quyết định của Putin" - Oreshkin nhận định.
Trong một cuộc điện đàm gần đây, Lavrov chỉ đưa ra một câu trả lời ngắn ngủi về việc máy bay Nga bay lượn gần tàu Mỹ: Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra lời giải thích rồi. Hay nói cách khác, Lavrov không phải là người ra những quyết định liên quan đến quân đội Nga.
Dù sao, theo bà Nemtsova, ta vẫn phải cảm ơn Kerry và Lavrov vì đem tới những tiến triển mới trong tình hình thế giới.
Họ vẫn giữ vững được mối quan hệ thân tình, nồng ấm trong khoảng thời gian mà Chiến tranh Lạnh có vẻ đang diễn ra. Gần đây, ngày càng có nhiều lời kêu gọi hai vị Ngoại trưởng tiếp tục giữ vững và củng cố mối quan hệ đặc biệt này.