Tàu ngầm Shch-303 ‘Shchuka’. Ảnh: RB
Người Nga thường nói câu “không thể thoát khỏi tàu ngầm” khi ai đó rơi vào tình thế vô vọng và phải cam chịu hoàn cảnh. Đặc biệt, việc một người có thể thoát khỏi chiếc tàu ngầm đang trong hành trình chiến đấu lại càng bất khả thi. Tuy nhiên, trong lịch sử hạm đội Liên Xô, có một người đã làm điều đó.
Người này là Boris Galkin, một sĩ quan cấp thấp phụ trách đội kỹ thuật viên trên tàu ngầm Shch-303 ‘Shchuka’. “Anh ta thô lỗ, không biết cách kết thân với người khác, lại còn quẫn trí vào những lúc nguy cấp,” các đồng đội nhận xét về Galkin.
Với lòng dũng cảm của mình, Galkin đã lập chiến công trong ba trận đánh, tham gia đánh chìm một số tàu vận tải của Đức và cuối cùng được trao tặng Huân chương Biểu ngữ Đỏ và Huân chương Chiến tranh Vệ quốc. Vậy tại sao một người quân nhân có bề dày thành tích như vậy lại quyết định trốn khỏi tàu ngầm?
Một chuyến đi khó khăn
Vào tháng 5 năm 1943, tàu Shch-303 khởi hành từ Kronstadt trong một sứ mệnh chiến đấu dài ngày đến cửa Vịnh Phần Lan để trinh sát lực lượng phòng thủ chống tàu ngầm của Đức. Nó có các nguồn dự phòng đủ dùng cho 78 ngày. Tuy nhiên, chuyến đi đã gặp khởi đầu khó khăn.
Ngay trong những ngày đầu tiên, tàu Shchuka đã bị một quả mìn chống tàu ngầm của Đức va rách sườn, may mắn thay, quả mìn này không nổ. Hơn nữa, vùng vịnh này có rất nhiều tàu của Đức và Phần Lan nên tàu ngầm Liên Xô hầu như không thể nổi lên để nạp lại pin.
Điều bất ngờ nhất đã chờ đợi các thủy thủ Liên Xô khi họ tiến vào vùng biển Baltic: một tấm lưới chống tàu ngầm kép kéo dài từ bờ bên này sang bờ bên kia, khóa chặt cửa vịnh.
Các nỗ lực đột nhập vào vùng biển rộng lớn không thành công. Shch-303 bị săn đuổi bởi các tàu đối phương, khiến nó không thể nổi lên mặt nước ngay cả vào ban đêm. Trong tuần thứ hai của chuyến hải hành, ‘Shchuka’ phải nằm im lìm dưới đáy biển.
Pin nhanh chóng cạn kiệt và phi hành đoàn phải tiết kiệm điện hết mức có thể. Họ cũng bị thiếu hụt không khí nghiêm trọng. Phi hành đoàn nửa tỉnh nửa mê, không có gì để ăn ngoài món súp lỏng nấu từ nước biển, thấp thỏm về một cuộc tấn công có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là lúc Boris Galkin trở nên suy sụp.
Kế hoạch đào tẩu táo bạo
Vào trưa 21/5 năm đó, sĩ quan Boris Galkin tiếp quản ca trực tại trạm trung tâm cùng với một sĩ quan canh gác khác. Gần đó là một phòng phát thanh với một số nhà điều hành và chuyên gia âm thanh bên trong.
Ba giờ sau, một chuyên gia âm thanh nghe thấy tiếng ồn từ cánh quạt của nhiều tàu khác và sĩ quan canh gác ngay lập tức đến báo cáo điều này với chỉ huy tàu ngầm, ông Ivan Travkin. Còn lại một mình, Galkin nhanh chóng khóa cửa phòng vô tuyến điện, nhốt mình trong khoang, tắt đèn và bơm không khí áp suất cao vào các bồn chứa. Sau đó tàu ngầm Shch-303 bắt đầu nhanh chóng nổi lên mặt nước. Người sĩ quan cấp thấp này tự mình lao đến cửa sập phía trên.
Đoàn thủy thủ sững sờ không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông Ivan Travkin nhớ lại: “Tôi vội vã đến vị trí trung tâm. Nhưng cánh cửa vách ngăn bằng thép từ khoang thứ tư đã bị khóa. Trong bóng tối, tôi đã đẩy nó, đấm nó nhưng vô ích”.
Ngay sau đó, các nhân viên vô tuyến đã tìm cách ra khỏi phòng vô tuyến và để người chỉ huy vào trạm trung tâm. Ra lệnh cho tàu ngầm lặn xuống, chỉ huy Travkin leo theo Galkin đến phòng điều khiển. “Mặt trời chói chang khiến mắt tôi bị lóa. Biển cũng chói sáng. Tôi nhìn xung quanh. Có rất nhiều tàu vây quanh, đủ cự ly. Những cái gần nhất chỉ cách tàu ngầm 30 mét. Nòng súng của họ đã nhằm vào chúng tôi”, ông Travkin kể lại
Màn chạy trốn kỳ diệu
Lúc đó, Galkin đang đứng trên nóc tàu vẫy lia lịa một chiếc áo gối màu trắng lấy từ cabin. Khi chỉ huy hỏi anh ta chuyện gì đã xảy ra, người sĩ quan nói: “Tôi không thể chịu được nữa. Dù sao thì tất cả chúng ta sẽ chết!”.
Quá tức giận, Travkin cảm thấy vô cùng hối hận vì đã không mang theo một khẩu súng lục để kết liễu kẻ phản bội đứng trước mặt mình. Nhưng không có thời gian để lãng phí, ông phải cứu chiếc tàu ngầm.
Người chỉ huy lập luận rằng nếu tàu ngầm muốn lặn xuống ngay thì sẽ bị tàu địch bắn chìm ngay lập tức. Sau đó, Ivan Travkin quyết định đánh lừa quân Đức, thuyết phục họ rằng các thủy thủ Liên Xô đã sẵn sàng đầu hàng. Điều đó sẽ làm kẻ thù mất cảnh giác và cho phi hành đoàn một thời gian để hồi phục sau cú sốc.
Travkin bắt đầu hét lớn về hướng con tàu gần nhất. “Đức Quốc xã nghĩ rằng tôi đang mời họ tham gia đàm phán. Họ bắt đầu hạ một chiếc thuyền ra khỏi tàu. Họ đã tin tôi, những kẻ nhẹ dạ!”, chỉ huy tàu ngầm Shch-303 thuật lại.
Chờ một chút, viên chỉ huy ra hiệu cho tàu chìm xuống rồi lập tức chui vào trong khoang. Lực tác động từ vụ lặn xuống khiến Boris Galkin ngã nhào. Sau một giây trì hoãn, quân Đức đã nổ súng, nhưng dù bị hư hại, chiếc Shch-303 vẫn chạy thoát. Vào ngày 8/6, từ bỏ nỗ lực đột nhập vào Biển Baltic, nó quay trở lại Kronstadt.
Trong khi đó, Boris Galkin bắt đầu hợp tác với người Đức. Người ta không biết chắc rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với sĩ quan đào tẩu khỏi tàu ngầm ‘Shchuka’. Chỉ huy Travkin tin chắc rằng anh ta không thể tránh khỏi một hình phạt thích đáng. “Chiến tranh đã kết thúc, khi quân đội của chúng tôi tiến vào nước Đức, Galkin, kẻ mà Đức Quốc xã thu nhận, đã sa lưới hệ thống tư pháp Liên Xô. Đó là số phận của tất cả những kẻ phản bội. Không có cái kết nào khác cho họ”, ông Ivan Travkin viết trong hồi ký của mình.