Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đã có nhiều chuyên gia Xô viết sang giúp đỡ chúng ta. Sự giúp đỡ về nhân lực, vũ khí khí tài... đó vô cùng quý giá, góp công lớn vào chiến thắng cuối cùng tháng 4/1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Họ có thể là người Nga, người Ukraine, Belorussia, Uzbekistan, Azerbaizan... Nhưng họ đều là những người con của Liên Xô, đất nước chiếm 1/6 diện tích địa cầu.
Về chuyện này, báo chí Nga và Việt Nam đã nhắc đến nhiều, với nhiều số liệu, nhiều câu chuyện cụ thể.
Nhưng, rất ít người Việt Nam biết rằng, trong cuộc chiến tranh đó, có những người Nga, người Ukraine lại đứng ở phía bên kia chiến tuyến... Đa phần, chúng là hậu duệ của quân Bạch vệ lưu vong, là con cháu của sư đoàn phát xít Ukraine trong Chiến tranh thế giới lần thứ 2.
Các nhà sử học Nga, bằng nhiều nguồn khác nhau, cho đến nay vẫn không xác định được có bao nhiêu người Nga nằm trong quân đội Mỹ và lính đánh thuê đã ở miền Nam Việt Nam. Họ chỉ tìm được một số người như thế.
Như chúng ta đã biết, Ausralia là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1962, đã có các chuyên gia Australia được cử sang chiến trường miền Nam. Năm 1965, tiểu đoàn lính của nước này được điều sang tham chiến.
Năm 1966, bổ sung quân, thành lập 1st Australian Task Force, 1 ATF. Từ 1962-1975, có khoảng 60.000 lính Australia (bộ binh, lính thủy đánh bộ, lính dù) đã có mặt ở miền Nam Việt Nam.
Aleksandr Ilin
Trong số này có Aleksandr Ilin, người Nga, có 2 người ông từng phục vụ trong quân đội Sa hoàng. Sau Cách mạng tháng Mười, gia đình Ilin chạy dạt sang Trung Quốc, rồi chạy sang Philippines và từ đó sang Australia. Theo lời kể, năm 1965, anh này mới 20 tuổi, là sinh viên ở Australia bị sung lính sang Việt Nam, làm lính thông tin...
Trong một phỏng vấn của trang SBS năm 2016, Ilin vẫn giữ nguyên vẻ kinh hoàng khi nhớ về những năm tháng ở Việt Nam, về chiến tranh du kích, về trận Long Tân - được coi là trận đánh nổi tiếng nhất của quân đội Australia trong chiến tranh Việt Nam. Ông ta bày tỏ sự thất vọng khi Chính quyền nước này đã "phản bội" các cựu binh khi họ trở về nước.
Người Nga thứ hai trong quân đội Australia mà các nhà báo gặp được là Evgeny Konashenko, cũng là con cháu Bạch vệ lưu vong. Konashenko sang Việt Nam năm 1968, là sĩ quan hậu cần phi đội trực thăng số 6 RAAF đóng tại Vũng Tàu.
Trong số những người Nga tham chiến trong quân đội Australia có những kẻ đã bị Quân giải phóng tiêu diệt. Bao nhiêu người, không ai biết. Năm 1968, chỉ có một dòng tin ngắn ngủi trên báo chí của dân lưu vong Nga tại Bỉ :"Đại úy Anatoly Danilenko đã chết trong trận chiến tại Việt Nam".
Chưa có thống kê về số lính Mỹ gốc Nga trong chiến tranh Việt Nam. Chúng ta chỉ nhớ trong phim "Người săn hươu"(The Deer Hunter) của điện ảnh Mỹ năm 1978 có kể về số phận của vài tên trong số này. Chính vì chi tiết lính Mỹ gốc Nga đã đứng về phía quân xâm lược Mỹ, nên Liên Xô đã cấm tiệt không cho chiếu phim này.
Ngoài người Nga, còn có khá đông người gốc Ukraine trong quân đội Mỹ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, đám tàn quân phản động lưu vong Ukraine đã thành lập lữ đoàn lê dương Ukranie tại Mỹ.
Tham gia vào lữ đoàn này là cựu binh Ukraine từng chiến đấu trong quân đội Hitler thuộc sư đoàn lính Ukraine SS Galitcha- có tên tiếng Đức là Waffen-Grenadier-Division der SS (galizische Nr. 1)- và con cháu của chúng.
Mặc dù chính quyền Mỹ, rồi đa số cộng đồng Ukraine tại Mỹ không ủng hộ thành lập đội quân lê dương Ukraine, nhưng chúng vẫn âm thầm hoạt động. Đến năm 1967, theo số liệu trong bài báo của Ярослав Тинченко mà trang FOCUS (Ukraine) dẫn lại năm 2007, có khoảng 200-500 lính gốc Ukraine đã sang Việt Nam tham chiến.
Trung sĩ Vladimir Stepaniak
Những tên lính này đã trực tiếp gây tội ác với nhân dân Việt Nam. Có thể kể đến Stepan Olek đã trực tiếp ném bom miền Bắc. Y không bị bắn hạ, nhưng ấn tượng khủng khiếp nhất với Olek là năm 1968, đã lái chiếc máy bay chở về Mỹ đám lính bị thương hoảng loạn tâm thần sau trận chiến đường 9 Khe Sanh.
Trung sĩ Vladimir Stepaniak là cố vấn cho Lữ Đoàn 2 của Sư Đoàn dù số 1 Sài Gòn là kẻ đã tham gia trận Khe Sanh.
Thất bại thảm hại trong trận này, và một số trận "phản công" quân giải phóng, Stepaniak đã rơi vào tâm lý hoảng loạn. Trong nhiều tuần liền, đi đâu y cũng kè kè lá cờ Ukraine, dặn nếu mình bị chết, hãy chôn với lá cờ này. Sau 19 tháng tham chiến, y rời Việt Nam và sau đó không ai biết y ở đâu.
Không "may mắn" như Stepaniak, nhiều tên lính gốc Ukraine đã bỏ mạng tại Việt Nam. Trong số này có thể kể đến trung sĩ dù Yury Leshinsky, là con trai của Mikhail Leshinsky, cựu sĩ quan sư đoàn phát xít SS Galitcha.
Tháng 7 năm ngoái, 2017, một tài khoản Twitter là Ukr Che đã đăng lên mạng ảnh một lính Mỹ gốc Ukraine là Bogdan Kopystyansky trong rừng rậm miền Nam Việt Nam năm 1969.
Chiến tranh đã lùi xa. Chúng ta không bao giờ quên ân tình của những người bạn đã luôn bên cạnh trong những ngày tháng rực lửa chiến đấu để thống nhất đất nước. Nhưng chúng ta cũng cần phải ghi nhớ tội ác của những kẻ xâm lược, cho dù chúng mang dòng máu của bất cứ dân tộc nào.