Hình ảnh Người Sắt - Iron Man với Trí tuệ nhân tạo và nhà thông minh - SmartHome trên phim ảnh.
Nhà thông minh gồm những thiết bị gì?
Thông thường để điều khiển tất cả các thiết bị trong nhà, bạn cần rất nhiều công tắc. Với nhà thông minh, bạn có thể điều khiển tất cả bằng một vài nút bấm trên màn hình cảm ứng của điện thoại hay máy tính bảng.
Bạn cũng có thể điều khiển và kiểm soát thiết bị điện trong ngôi nhà thông qua giao diện trực quan 3D. Các thiết bị được mô phỏng như đang sử dụng thực tế, chỉ cần chạm vào thiết bị trong màn hình để điều khiển.
Gần như tất cả các thiết bị điện có thể được tích hợp vào nhà thông minh để chúng trở nên "thông minh" hơn.
Ví dụ: hệ thống đèn chiếu sáng, rèm cửa, quạt, điều hòa, hệ thống giải trí âm thanh hình ảnh, tivi, tủ lạnh, khóa cửa, camera an ninh, bình nước nóng, robot lau nhà, xe điện... và nhiều thiết bị khác.
Điều khiển thiết bị qua ứng dụng (Ảnh: Erahome)
Thiết bị trong nhà thông minh "thông minh" hơn thiết bị khác như thế nào?
Thông thường, khi cần sử dụng thiết bị nào thì chúng bật tắt thiết bị đó. Trong một số hoàn cảnh, một số thiết bị sẽ được sử dụng cùng nhau. Ví dụ, khi có khách đến, chúng ta cần đèn phòng khách bật sáng rực rỡ, rèm kéo lên, điều hòa giảm xuống mát hơn, giảm âm lượng nhạc phát… Để làm được việc này bạn thường phải chạy khắp căn phòng và bấm rất nhiều công tắc.
Với nhà thông minh, các lựa chọn này có thể được điều khiển bằng một nút chạm trên màn hình.
Mức độ đầu tiên, các thiết lập này được lập trình sẵn hoặc chúng ta tự cài đặt từng chế độ. Khi cần sử dụng chế độ nào chúng ta chọn thiết lập đó.
Ở mức độ cao hơn, nhà thông minh sẽ học những thiết lập này qua nhiều lần chúng ta sử dụng. Ví dụ, ở chế độ "Đi ngủ", nhà thông minh có thể tự biết tắt đèn, bật cảnh báo xâm nhập, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa,… theo những gì chúng ta thường xuyên làm.
Không chỉ điều khiển trên điện thoại hay máy tính bảng, bạn có thể điều khiển nhà bằng giọng nói của chính bạn. Một số nhà thông minh trang bị công nghệ trợ lý ảo, giúp giao tiếp với hệ thống trở nên thân thiện, không cứng nhắc như một hệ thống điều khiển thông thường. Đơn giản nhất là "OK, Google" và ra lệnh như hệ thống Google Assistant đơn giản hiện nay.
Hoặc hệ thống cao cấp hơn với khả năng trao đổi câu trả lời và thực thi. Dĩ nhiên, các câu trả lời phải có trong hệ thống.
Nhà thông minh của Bill Gates
Hầu hết chúng ta ai cũng biết đến tỷ phú Bill Gates với ngôi nhà thông minh nổi tiếng thế giới của ông. Năm 1997, ngôi nhà thông minh của Bill Gates được xây dựng với chi phí 63 triệu đôla. Do vậy, khi nghĩ tới nhà thông mình, người ta thường nghĩ chỉ có những tỷ phú hàng đầu thế giới như Bill Gates mới có thể sở hữu.
Tuy nhiên, hiện nay nhà thông minh đã trở nên phổ biến và giá thành cũng rất đa dạng.
Bên ngoài biệt thự của Bill Gates (Ảnh: Business Insider)
Có thể coi Bill Gates là người tiên phong trong lĩnh vực nhà thông minh. Sau sự kiện ra mắt nhà thông minh của mình, các hãng công nghệ đã nhận ra tiềm năng và bắt đầu đầu tư cho lĩnh vực này.
Với sự phát triển của công nghệ điện tử và thông tin, những thiết bị và tính năng "thông minh" trong nhà của Bill Gates giờ đây đã trở nên phổ biến và giá thành giảm xuống đáng kể.
Ngành kinh tế nhà thông minh bao nhiêu tỷ đô la?
Theo dự báo từ các chuyên gia trong ngành công nghệ, thị trường nhà thông minh trên thế giới sẽ vượt mốc 20 tỷ USD. Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường rất tiềm năng để phát triển lĩnh vực này.
Trên phạm vi toàn cầu, nhà thông minh được xem là một lĩnh vực có khả năng phát triển rất lớn. Các đại gia công nghệ như Microsoft, Apple, Google, Samsung… tỏ ra sốt sắng với xu hướng này bằng một loạt vụ thâu tóm. Google mua lại Nest (hãng sản xuất bộ điều khiển nhiệt độ thông minh và thiết bị báo khói), Samsung ra mắt hệ thống nhà thông minh khép kín trong các thiết bị của hãng, Apple giới thiệu nền tảng phát triển ứng dụng nhà thông minh HomeKit.
Tại Việt Nam, cùng với xu hướng tăng trưởng mạnh của thị trường, nhà thông minh đang dần trở thành một lĩnh vực hấp dẫn mà không "đại gia" công nghệ nào muốn bỏ qua, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ Việt.
Thị trường nhà thông minh ở Việt Nam lại đang cạnh tranh khốc liệt với sự góp mặt của hàng loạt các thương hiệu ngoài nước lẫn trong nước.
Những thương hiệu nhà thông minh đến từ nước ngoài có thể kể đến: hãng Schneider của Pháp, Smartg4 của Mỹ, Gamma của Gamma JSC, Arteor của hãng Legrand (Pháp), My Home của hãng Bticino (Ý), WattStopper (Mỹ), Mhouse, Home access, Came với đại lý chính thức là NTMC, Hager (Pháp), Crestron (Mỹ)...