Siêu vũ khí của thời đại hiện nay

Thùy Linh |

Trong bài viết đăng trên Tờ báo Đức Bild, tác giả Niclas Renzel đã giới thiệu các siêu vũ khí có sức mạnh đáng gờm nhất, được chế tạo ở các quốc gia trên thế giới.

Tàu sân bay

Trong Chiến thanh thế giới Thứ nhất, các tàu sân bay lần đầu tiên tiến ra biển và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Còn trong Chiến tranh thế giới Thứ hai, các tàu sân bay đã trở thành yếu tố chiến lược quan trọng. Ngày nay, tàu sân bay-căn cứ quân sự nổi trên biển với hàng nghìn người trên boong tàu là công cụ độc nhất vô nhị để triển khai lực lượng.

Tính đến thời điểm hiện nay, Mỹ là quốc gia sở hữu đội tàu sân bay lớn nhất trên thế giới. Hải quân Mỹ có trong tay 10 tàu sân bay lớp Nimitz. Chiếc tàu sân bay đầu tiên lớp Nimitz đã phục vụ Hải quân Mỹ từ năm 1976.

Điều này có nghĩa là những con tàu đầu tiên của dự án này đã chinh chiến trên đại dương hơn 40 năm và trở nên lỗi thời. Do đó, trong những thập kỷ tới, các tàu sân bay lớp Nimitz sẽ phải được thay thế bằng các tàu lớp Gerald R.Ford.

Chiếc tàu sân bay đầu tiên lớp Gerald R.Ford đã được chuyển giao cho Hải quân Mỹ, còn chiếc thứ hai thì đang được chế tạo. Trong tương lai gần, Mỹ sẽ đặt đóng chiếc tàu sân bay lớp Gerald R.Ford thứ ba.

Ngoài Mỹ, còn có 12 quốc gia khác sở hữu tàu sân bay, đó là: Ai Cập, Braxin, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Italia, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Máy bay không người lái

Vật thể bay không người lái đầu tiên xuất hiện trên bầu trời vào đầu năm 1931 khi chiếc máy bay của Anh Fairey III với bộ điều khiển từ xa đã trở thành một mục tiêu cho việc đào tạo máy bay chiến đấu.

Siêu vũ khí của thời đại hiện nay - Ảnh 1.

Máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ tại căn cứ không quân ở Nhật Bản. Nguồn: inosmi.

Ngày nay, máy bay không người lái (UAV) là một phần cơ bản trong kho vũ khí của quân đội nhiều nước trên thế giới. Những người ủng hộ việc sử dụng UAV chỉ ra rằng, sử dụng loại vũ khí này có thể bảo vệ người điều khiển.

Trong khi đó, phi hành đoàn của các máy bay truyền thống thường gặp nguy hiểm trong các chuyến bay. Khi sử dụng vũ khí có độ chính xác cao, cả máy bay có người lái và máy bay không người lái đều có hiệu quả chiến đấu cao.

Mỹ là nước sử dụng UAV nhiều nhất trong một số nhiệm vụ như trinh sát, giám sát và tiêu diệt khủng bố. Ngoài ra, UAV cũng được một số nước khác trên thế giới sử dụng như: Anh, Pháp, Israel, Nga…

Vũ khí có độ chính xác cao

Vũ khí có độ chính xác cao chính là bom và tên lửa thông minh có khả năng tự điều khiển và tìm kiếm mục tiêu một cách độc lập.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Bild, chuyên gia phân tích đến từ tổ chức phi lợi nhuận RAND của Mỹ George Nacouzi cho rằng, các loại vũ khí chính xác cao đã hoàn toàn thay đổi bản chất của cuộc chiến.

"Trong Chiến tranh thế giới Thứ hai, quân đội cần hàng trăm quả bom để phá hủy một nhà máy, nhưng ngày hôm nay có thể tiêu diệt gần như mọi mục tiêu với sự trợ giúp của một hoặc hai loại vũ khí chính xác cao", George Nacouzi nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia quân sự, nhờ vào hệ thống định vị toàn cầu (GPS), vũ khí chính xác cao có lợi thế là ít gây ra thương vong và thiệt hại nghiêm trọng cho người dân so với hệ thống vũ khí cũ.

F-22 Raptor

Theo tuyên bố của nhà sản xuất, Lockheed Martin F-22 Raptor (Chim ăn thịt) là máy bay chiến đấu tốt nhất trên thế giới với khả năng "kiểm soát" bầu trời. Nhờ vào việc sử dụng công nghệ tàng hình, F-22 khó có thể bị radar của đối phương phát hiện. F-22 có khả năng cơ động cao và có thể tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

F-22 được bắt đầu phát triển vào khoảng 30 năm trước nhưng thời gian gần đây chiếc máy bay này không tham gia vào các hoạt động chiến đấu thực tế. Chỉ mới đây, trong phạm vi cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, F-22 đã thực hiện nhiều cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trên mặt đất và chứng tỏ được khả năng chiến đấu của mình.

B-2 Spirit

B-2 Spirit (Bóng ma) do Tập đoàn Northrop Grumman sản xuất là loại máy bay ném bom chiến lược được trang bị công nghệ tàng hình - đây là một mốc quan trọng trong chương trình hiện đại hóa máy bay ném bom của Mỹ.

Siêu vũ khí của thời đại hiện nay - Ảnh 2.

Máy bay ném bom chiến lược B-2 Spirit của Mỹ. Nguồn: inosmi.

B-2 là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất. Ước tính chi phí cho mỗi chiếc từ khoảng 1,157 -2,2 tỷ USD. Công nghệ tàng hình được áp dụng nhằm giúp máy bay có thể thâm nhập qua các hàng rào phòng không dày đặc mà máy bay chiến đấu trước đây không thể vượt qua. Hiện tại có 20 chiếc phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ.

Chiến tranh mạng

Hiện nay, các hoạt động chiến đấu không chỉ được thực hiện với sự giúp đỡ của tên lửa, xe tăng và máy bay chiến đấu, mà còn nhờ vào việc sử dụng hệ thống máy tính.

"Máy tính được cài đặt ở mọi nơi. Trong hoàn cảnh như vậy, hầu như không thể tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công không gian mạng", chuyên gia của tổ chức Rand George Nacouzi nói. Mục tiêu cuối cùng của chiến tranh mạng cũng giống như khi sử dụng các loại vũ khí truyền thống là làm suy yếu kẻ thù bằng bất cứ phương pháp nào.

Vòm sắt

Để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa của các nhóm vũ trang như Hamas, Israel đã tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt). Hệ thống phòng không di động này được triển khai gần các thành phố ở Israel có nguy cơ trở thành mục tiêu của cuộc tấn công tên lửa.

Iron Dome bao gồm một trạm radar đa, trung tâm chỉ huy hỏa lực và 3 bệ phóng với 20 tên lửa đánh chặn Tamir có chiều dài 3m.

Sự lợi hại của Iron Dome đến từ việc nó có thể phát hiện sớm hướng bay của tên lửa và nhanh chóng xác định quỹ đạo di chuyển của nó, thậm chí tính toán ra điểm rơi của tên lửa mục tiêu. Hệ thống này có khả năng tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn và đạn pháo ở khoảng cách 4-70km.

Siêu vũ khí của thời đại hiện nay - Ảnh 3.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm sắt) của Israel. Nguồn: inosmi.

Cha của tất cả các loại bom

Năm 2007, Nga lần đầu tiên thử nghiệm quả bom phi hạt nhân mạnh nhất trên thế giới mang tên "Cha của tất cả các loại bom" (Father of all bombs-FOAB).

Giới chức quốc phòng Nga tuyên bố, bom chân không hàng không công suất lớn FOAB có sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT, cao hơn 4 lần so với quả bom "Mẹ của tất cả các loại bom" (Mother of All Bombs - MOAB) của Mỹ.

Bán kính hủy diệt của FOAB là khoảng 300m, gấp đôi bán kính 150m của MOAB. Trọng lượng chính xác của quả FOAB của Nga là 7,1 tấn, nhẹ hơn 30% so với quả MOAB. FOAB được thiết kế để thả từ máy bay ném bom chiến lược Tu-160.

Tên lửa DF-21D

Tên lửa DF-21D (Gió Đông) của Trung Quốc được thiết kế để phá hủy các tàu của đối phương. Theo một số thông tin, tên lửa này không được lập trình trước khi phóng. Tất cả các dữ liệu cần thiết sẽ được chuyển đến DF-21D sau khi bay vào bầu khí quyển, cho phép nó có khả năng tấn công mục tiêu di chuyển.

Theo Tờ Bild, DF-21D có tốc độ lên đến 12.000km/giờ và có thể bay xa tới 1.500km. Sự tồn tại của dự án DF-21D đã được biết đến từ lâu, nhưng Bắc Kinh không bao giờ chính thức nói về siêu vũ khí này cho đến khi thông tin về nó xuất hiện trên tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nếu DF-21D thực sự có khả năng như những gì các nhà sản xuất hứa hẹn thì loại tên lửa này có thể là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực công nghệ tên lửa. Tuy nhiên, những đặc tính và khả năng thực sự của tên lửa chống tàu "Gió Đông" vẫn còn chưa được biết đến.

Xe tăng T-14 Armata

Theo các chuyên gia quân sự, T-14 Armata của Nga là một trong những chiếc xe tăng hiện đại và hiệu quả nhất. T-14 Armata được trang bị pháo 125 mm có thể bắn 12 viên đạn/phút. Nhiều loại đạn có thể được sử dụng, bao gồm cả tên lửa dẫn đường.

Theo tờ Army Times của quân đội Mỹ, xe tăng T-14 Armata của Nga có khả năng di chuyển với tốc độ cao hơn chiếc Abrams của Mỹ. Trọng lượng của T-14 Armata là 48 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 80km/giờ. Trong khi đó, tốc độ tối đa của Abrams là 64km/giờ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại