Trong “chuỗi giết chóc” này, những người quan sát mục tiêu đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của cuộc oanh kích từ trên không hoặc pháo kích trên mặt đất.
Khẩu hiệu đầu môi “Đừng vội nhấn nút” nhưng vẫn bị xem là “cỗ máy vô nhân tính”
Trong một căn phòng ánh sáng lờ mờ tại Căn cứ không quân McConnell ở miền trung nam bang Kansas, các chuyên viên phân tích hình ảnh thuộc một đơn vị do thám thám báo của Vệ binh quốc gia dán mắt vào màn hình máy tính, chăm chú theo dõi những hình ảnh đang chuyển động truyền về từ một máy bay thám thính không người lái.
Trong cuộc chiến chống khủng bố bằng máy bay không người lái – còn gọi là cuộc chiến không người lái – họ là những chiến binh ẩn mặt, chiến đấu từ cách xa trận địa hàng ngàn km, nhưng có vai trò như một mắt xích quan trọng trong cái gọi là “chuỗi giết chóc”.
Nhiệm vụ của họ là quan sát, phân tích hình ảnh và truyền đạt thông tin sau khi phân tích đến cho các đầu mối sử dụng, bao gồm phi công lái máy bay chiến đấu, chuyên viên điều khiển máy bay không người lái tấn công có vũ trang Predator hoặc Reaper, và những chỉ huy bộ binh chiến đấu trên mặt đất.
Họ giao tiếp thông qua hệ thống bộ đàm video, thông báo những gì họ nhìn thấy cho những phi công, những người điều khiển drone hay chỉ huy bộ binh ngoài chiến địa.
Căn cứ không quân McConnell nằm lọt thỏm giữa một vùng đồng cỏ bằng phẳng và những cánh đồng đậu nành rộng lớn thuộc miền trung nam bang Kansas. Bên trong căn cứ có một cơ sở quân sự được gọi là Cơ sở Tình báo Đa năng nhạy cảm (SCIF).
Bên trong cơ sở SCIF này có một đơn vị tình báo đặc biệt có tên gọi là Đơn vị Tình báo 184 thuộc biên chế của Vệ binh quốc gia.
Để được tuyển chọn vào làm việc cho Đơn vị 184, các kỹ thuật viên phải trải qua các bước sàng lọc thật kỹ lưỡng, sau đó họ còn phải qua một năm huấn luyện tại đơn vị trước khi bắt tay vào việc. Đơn vị 184 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quan sát mục tiêu từ năm 2002, tức là ngay khi cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của nước Mỹ chính thức bắt đầu ở Afghanistan.
Công việc của họ được giữ bí mật tối đa. Cho đến năm 2017, tức sau 15 năm diễn ra cuộc chiến không người lái, người dân ở bang Kansas vẫn chưa hề biết gì về hoạt động của đơn vị tác chiến đặc biệt này.
Bên trong cơ sở SCIF, các thành viên Đơn vị 184 làm việc với hàng chục màn hình máy tính chạy liên tục 24/24. Cứ mỗi ca làm việc 8 tiếng đồng hồ, họ quan sát hàng chục mục tiêu cùng lúc, sau đó đổi ca cho nhóm chuyên viên tiếp theo. Nhiều nhiệm vụ, chiến dịch khác nhau được triển khai cùng lúc bên trong căn phòng tối tăm này.
Họ đã quan sát những gì? Trong khi các chiến binh của kẻ thù ôm súng đi tới đi lui, cả nhóm quan sát nghiên cứu các hành vi, chuyển động của họ. Họ có thể quan sát một cá nhân, một tòa nhà hay cả một khu dân cư.
Hàng ngày, phần lớn những cảnh quan sát có vẻ rất nhàm chán, chẳng có biến động gì đáng kể. Nhưng đôi lúc họ cũng quan sát thấy một chiến binh kẻ thù chuẩn bị tấn công binh sĩ quân đội Mỹ. Thế là các chỉ huy quyết định “vô hiệu hóa” hắn.
Nhưng không phải lúc nào khi nhìn thấy mục tiêu đều có thể khai hỏa. Có một khẩu hiệu mà các chỉ huy chiến trường và các phi công máy bay ném bom, điều khiển drone thường nhắc nhau là “Đừng vội nhấn nút” (nút khai hỏa).
Tại sao? Vì nếu nhấn nút khi chưa chắc chắn mục tiêu là khủng bố hay dân thường, nhiều khả năng cuộc không kích đó sẽ gây chết chóc cho dân thường. Cũng chính vì lẽ này mà khi tuyển dụng và huấn luyện các kỹ thuật viên, chuyên viên điều khiển drone và phi công ném bom, công tác tư tưởng được thực hiện rất kỹ, với mục tiêu trọng tâm là tránh gây thương vong dân thường.
Trong một chiến dịch không kích bằng drone ở Afghanistan vào năm 2011, đội trưởng drone Brad Hilbert đã ra lệnh cho các chuyên viên trong đội dừng quyết định khai hỏa một vụ không khích mà gần như chắc chắn sẽ có thương vong dân thường.
Đại tá Hilbert kể, trận đó, quân đội Mỹ rơi vào tình thế bị bọn khủng bố tấn công liên tục mỗi ngày bằng pháo phòng không, vì thế phải triển khai drone đến quan sát. Nhưng tình hình trên thực địa vô cùng phức tạp, bọn khủng bố trà trộn trong dân thường.
Một chiếc drone quan sát được một mục tiêu nguy hiểm cần phải hạ ngay, nhưng cách y không xa lại có một em bé đang chơi. Thế là quyết định dừng khai hỏa.
Cuộc chiến không người lái của Mỹ hiện đang bị các tổ chức nhân đạo trên thế giới phản đối, xem là một trong những hoạt động gây chết chóc nhiều nhất thế giới.
Những cỗ máy giết người vô nhân tính và được điều khiển từ xa ấy luôn là nỗi ám ảnh của người dân sống ở những quốc gia, những vùng đất mà nước Mỹ xem là nơi ẩn náu của bọn khủng bố và triển khai các chiến dịch tiêu diệt mục tiêu khủng bố.
Những người phản đối cuộc chiến không người lái cho rằng, số thương vong dân thường do những cỗ máy điều khiển từ xa gây ra trên thực tế vượt xa các con số thống kê chính thức được phía quân đội Mỹ công bố.
Số thương vong dân thường trên thực tế cao gấp 30 lần con số công bố?
Trong một tuyên bố mới đây, trang web chống chiến tranh toàn cầu Antiwars.org viết rằng, năm 2017 đích thực là năm thương vong dân thường tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống IS khi Mỹ và đồng minh tiến hành các cuộc không kích vào các thành phố, khu đô thị Syria và Iraq.
Antiwars.org đưa ra con số thống kê trong 11 tháng của năm 2017 đã có ít nhất 3.875 người không tham chiến bị chết oan.
Chuyên viên phân tích trao đổi công việc với chỉ huy tại phòng làm việc SCIF.
Antiwars tính chung từ khi triển khai cuộc chiến không người lái (năm 2002) đến cuối năm 2017, Mỹ đã tiến hành 4.413 cuộc không kích, gây ra cái chết cho 10.000 người, trong đó có 1.488 dân thường, bao gồm 331 trẻ em, thuộc các quốc gia Afghanistan, Pakistan và Yemen.
Vào tháng 11-2017, một nhóm phóng viên báo New York Times đã thực hiện một phóng sự về vấn đề này, nhan đề “The Uncounted” (Những cái chết không được tính).
Nhóm đã dành ra 18 tháng để đi đến 150 địa điểm không kích ở Iraq để nghiên cứu thực tế. Và nhóm đã rút ra kết luận rằng, cứ 5 cuộc không kích thì có 1 cuộc làm chết dân thường, số thương vong dân thường trên thực tế cao gấp 30 lần con số mà quân đội Mỹ đã công bố.
Riêng trong cuộc chiến chống IS ở Syria và Iraq, những chiếc drone của Mỹ và liên quân đã giết chết gần 6.000 dân thường, theo trang Antiwars.org.
Tại một hội nghị về cuộc chiến không người lái diễn ra hôm 19-1 vừa qua tại Căn cứ không quân McConnell, 3 cựu phi công tên Don, Jeffrey và James (yêu cầu không nêu họ) đã chia sẻ suy nghĩ của cá nhân họ về cuộc chiến không người lái.
Phi công tên Jeffrey nói: “Công nghệ chúng tôi sử dụng quá tốt, quá hiện đại. Các chỉ huy drone đã lợi dụng công nghệ đó để thả những “con mắt” của mình treo lơ lửng trên trời để theo dõi, giám sát các chiến binh kẻ thù trong nhiều tháng.
Hơn thế, họ còn lập trình để cho những chiếc drone đó lượn tới lượn lui, mang theo vũ khí sát thương có khi lên đến 14 giờ trong ngày. Những chiếc drone bay lơ lửng trên không trung ở độ cao đủ để những người bên dưới không nhìn thấy và nghe thấy chúng.
Được trang bị công nghệ cao, với camera quan sát độ phân giải cực nhạy, những chiếc drone này đích thực là đàn chim cú điện tử của tình báo Mỹ trên không trung.
Micah Zenko, chuyên gia phân tích hàng đầu của Mỹ trong cuộc chiến không người lái, cho rằng thành tựu quan trọng nhất mà họ đạt được là khiến cho Al-Qaeda co vòi và thu hẹp hoạt động khủng bố của chúng.
Nhưng ở mặt trái, vấn đề thương vong dân thường là thất bại lớn nhất, từ đó cuộc chiến này đã làm cho các cộng đồng người dân trên toàn thế giới chĩa mũi dùi chống lại nước Mỹ. Hơn nữa, phần lớn những tên khủng bố cộm cán bị giết chết lại là những tên có cấp bậc thấp chứ không phải các chỉ huy cao cấp, do đó dẫn đến hiệu quả chống khủng bố không rõ ràng.
Ông Zenko cho biết thêm, trong nhiều trường hợp, cuộc chiến không người lái còn không mang tính chất chống khủng bố rõ ràng, mà nhắm vào tiêu diệt những kẻ chống đối lực lượng an ninh của chính phủ, từ đó drone của Mỹ lại đi làm thay công việc cho lực lượng an ninh nước sở tại, như từng diễn ra tại Somalia.
Hậu quả cho những người tham gia “Chuỗi giết chóc”
Một mặt trái nữa của “Chuỗi giết chóc” trong cuộc chiến không người lái là vấn đề chấn thương tâm lý, sang chấn tâm thần. Đối với những phi công lái máy bay ném bom hay điều khiển drone sát thương Predator, những cái chết của kẻ thù khủng bố không làm họ bận tâm, nhưng thương vong dân thường luôn ám ảnh, đè nặng tâm trí họ.
Mặc dù nói rằng họ không bận tâm trước cái chết của những chiến binh kẻ thù, nhưng thực tế không đơn giản như thế.
Máy bay không người lái Predator, nỗi ám ảnh sợ hãi của dân thường một số nước.
Cựu phi công James nhìn nhận ông biết những chiến binh đó “có một cuộc sống. Họ có một gia đình và có thể là trụ cột của cái gia đình đó. Nhưng bởi vì điều họ đã lựa chọn, giờ họ bị giết chết. Điều này khiến tôi phải suy nghĩ”.
Còn cựu phi công Don thì chia sẻ: “Khi tôi giết chết thằng nhóc Johnny nào đó, chẳng có vương vấn gì. Nhưng tôi thấy buồn cho ông bà Johnny, cha mẹ nó. Họ sẽ chẳng bao giờ gặp lại nó nữa”.
Riêng đối với các chuyên viên quan sát mục tiêu của Đơn vị 184, ngoài những mục tiêu khủng bố cần theo dõi, họ cũng thường xuyên vô tình nhìn thấy những cảnh tượng hãi hùng, như cảnh bọn khủng bố IS chặt đầu hàng loạt nạn nhân bị chúng bắt. Vị cha tuyên úy của Đơn vị 184 từng cùng với các chuyên viên quan sát mục tiêu theo dõi màn hình máy tính hàng ngày.
Ông bày tỏ lo lắng về những căng thẳng do sang chấn tâm thần. Vì thế, ông đã tìm đủ mọi cách để giúp các chuyên viên trong đơn vị giảm bớt những sang chấn ấy. Nhưng ông cho rằng dù ít dù nhiều, căng thẳng sang chấn tâm thần vẫn để lại những hậu quả đối với những người làm công việc quan sát mục tiêu trong Đơn vị 184.
Từ những vấn đề vừa nêu, chuyên gia Zenko cho rằng nước Mỹ nên chấm dứt cái gọi là “tiêu diệt có mục tiêu” dựa vào việc sử dụng máy bay không người lái để quan sát mục tiêu và sau đó tấn công tiêu diệt mục tiêu từ trên không.
Những cuộc không kích đó nhắm vào những mục tiêu không được xác định cụ thể, chỉ căn cứ vào những phân tích dựa trên các dấu hiệu quan sát hành vi, chuyển động của đối tượng quan sát, cho nên không tránh khỏi sai sót làm chết dân thường.