Khó có khả năng phục dựng tai nạn
Vào ngày 7 tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya đã đưa ra tuyên bố chính thức: Đội tìm kiếm Nhật – Mỹ đã tìm thấy một chiếc hộp đen và phần đuôi chiếc F-35A Lightning II của lực lượng không quân phòng vệ Nhật Bản bị rơi vào ngày 9 tháng 4 năm 2019.
Trước đó vào ngày 9/4/2019, chiếc máy bay F-35A Lightning II của lực lượng không quân phòng vệ Nhật Bản cất cánh từ căn cứ không quân Misawa ở miền bắc Nhật Bản, trong một chuyến bay huấn luyện đêm đã biến mất khỏi màn hình radar. Xác định đây là một vụ tai nạn, lực lượng phòng vệ Nhật Bản khẩn trương triển khai tìm kiếm cứu hộ.
Phía Nhật Bản đã huy động mọi nguồn lực tìm kiếm và nhận được sự giúp đỡ từ phía quân đội Mỹ; sau nhiều ngày tìm kiếm hết sức khó khăn, chỉ có phần đuôi và một hộp đen phía sau của máy bay được tìm thấy.
Bộ trưởng Iwaya cho biết: "Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu chi tiết về vụ tai nạn, nhưng tại thời điểm này, hộp đen của máy bay vẫn chưa được khôi phục".
Ông cũng thừa nhận, hộp đen của máy bay đã bị hỏng nặng, khó có khả năng khôi phục để có thể dựng lại bức tranh về thảm họa của chiếc F-35A và nơi phát hiện phần đuôi và chiếc hộp đen vẫn còn phải giữ bí mật.
Vị trí được cho là nơi chiếc tiêm kích tàng hình F-35 Nhật Bản đâm xuống biển.
Truyền thông phương Tây cho rằng: Nga và Trung Quốc đang cố gắng tìm kiếm xác của chiếc máy bay xấu số; nhưng các quan chức Mỹ và Nhật Bản phủ nhận những thông tin như vậy. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cam kết chắc chắn rằng, không có bất cứ thứ gì từ chiếc F-35A Lightning II bị rơi vào tay Nga hoặc Trung Quốc.
Tuy nhiên, tờ báo Asahi Shimbun, trích dẫn một nguồn tin trong chính phủ Nhật Bản cho biết, không loại trừ khả năng Nga hoặc Trung Quốc cũng đang nỗ lực săn tìm những mảnh vỡ của chiếc máy bay trên.
Một nguồn tin từ chính phủ của ông Abe giải thích với các phóng viên: Việc quân đội Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay F-35A của Nhật Bản bị rơi cho thấy chiếc máy bay chứa rất nhiều những bí mật quân sự ... mà chỉ một phần nhỏ rơi vào tay Nga hay Trung Quốc cũng gây những hệ lụy khó lường.
Sau một tháng xảy ra tai nạn, việc tìm kiếm chiếc F-35A bị rơi vẫn đang được phía Nhật Bản nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình, bao gồm cả việc tìm kiếm phi công bị mất tích; nhưng phía Mỹ tuyên bố đã dừng việc tìm kiếm cùng Nhật Bản.
Hé lộ nguyên nhân máy bay rơi
Việc tìm thấy chiếc một chiếc hộp đen của máy bay là một thành công, nhưng điều không may là chiếc hộp đen này đã bị hỏng nặng, thiết bị lưu dữ liệu đã bị mất, khiến các nhà điều tra Nhật và Mỹ gần như không thể xác định chính xác nguyên nhân khiến chiếc F-35 rơi.
Chiếc hộp đen của F-35 được sản xuất bởi công ty L-3 Technologies của Mỹ, công ty này cũng là nơi cung cấp hộp đen cho hầu hết tất cả các máy bay của Mỹ và EU; cả trong lĩnh vực quân sự và dân sự.
Trở lại năm 2004, công ty L-3 Communications tuyên bố rằng Electrodynamics, Inc. (một công ty con của L-3 Communications) được Tập đoàn Lockheed Martin chọn để phát triển và sản xuất một hộp đen hiện đại, có khả năng chịu đựng mọi loại thảm họa (nếu có) xảy ra đối với chiếc F-35.
Hợp đồng giữa L-3 Communications và Lockheed Martin cho phép Electrodynamics sẽ sản xuất hộp đen cho 2.500 chiếc máy bay. Sự lựa chọn khá hợp lý, vì Electrodynamics đã sản xuất hộp đen cho máy bay ném bom B-1B và B-2, cũng như cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22.
Các hộp đen do công ty sản xuất đã được kiểm định ngặt nghèo; trên thực tế, nó chịu được mọi thảm họa, bao gồm cả vụ nổ của bom đặt trên máy bay ném bom chiến lược B-1B vào ngày 4 tháng 4 năm 2008 tại Căn cứ Không quân Al-Udeid.
Thông số kỹ thuật mà Lockheed Martin đặt ra cho hộp đen của F-35 Lightning II là phải có các đặc tính bảo vệ độc nhất – những thông tin phải được tồn tại cả trong điều kiện bức xạ khủng khiếp của vụ nổ hạt nhân và không bị mất dữ liệu kể cả khi bị sét đánh trực tiếp.
Trong khi thép cường độ cao chủ yếu được sử dụng làm khung thân cho hộp đen của máy bay dân dụng, thi hợp kim titan được sử dụng chế tạo khung thân hộp đen cho F-35. Đây là sự chọn lựa đặc biệt giành cho máy bay tàng hình, thông tin này được đăng trên trang Web chính của công ty L-3.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Không quân Nhật Bản.
Thực tế là khả năng bị phá hủy các hộp đen của chiếc F-35 là khó có thể xảy ra (nếu không dám nói là không thể), kể cả trong điều kiện của những vụ nổ lớn. Theo thông báo của nhà sản xuất máy bay F-35, hộp đen của nó có thể chịu được lực tác động 3.400G (gấp 3.400 lần so với lực hấp dẫn) trong thời gian 6,5 mili giây.
Để làm rõ chiếc hộp đen của F-35 chịu được lực tác động thế nào, chúng ta tham khảo các tham số:
-1G là lực gia tốc mà một người trải nghiệm khi đứng trên đôi chân của mình trên mặt đất (điều kiện bình thường)
- 12G là lực quá tải của phi công máy bay chiến đấu ở tốc độ 2 MAX (2 lần tốc độ âm thanh).
- 25G là lực tác động trong một vụ tai nạn xe hơi ở tốc độ 90 km/h.
Người Mỹ đã làm thí nghiệm phá hủy một máy bay chiến đấu F4 bằng cách đâm vào một bức tường bê tông ở tốc độ 600 km/h và thấy rằng các hình nộm đã chịu một lực tác động là 65g và các bộ phận động cơ chính là 700g.
Lực tác động của một viên đạn chống tăng có lõi bằng uranium nghèo lên lớp giáp của xe tăng từ khoảng cách 100 mét (tính từ khẩu pháo bắn ra) ước tính khoảng 10.000g.
Có thông tin (mặc dù chưa được kiểm chứng) cho rằng, trong một thử nghiệm, hộp đen của chiếc F-35 được đặt trong một chiếc hộp đặc biệt, đã được bắn từ một khẩu pháo mà không bị mất dữ liệu.
Quay trở lại vụ chiếc F-35A của Nhật bị rơi hôm 9/4 vừa qua, theo đài NHK (Nhật Bản), kết quả của cuộc điều tra được tiến hành sau vụ tai nạn cho thấy phi công đã gửi đi thông báo trước khi máy bay rơi, nói rằng anh phải "hủy bài tập huấn luyện". Tuy nhiên viên phi công này không nói gì về tình trạng của máy bay khi đó.
Do vậy việc chiếc hộp đen của chiếc F-35 của Nhật rơi bị hỏng nặng, thiết bị lưu dữ liệu đã bị mất, chứng tỏ máy bay đã xảy ra một vụ nổ cực mạnh; phi công hoàn toàn không biết trước những gì đã xảy ra với một chiếc máy bay được trang bị "trí tuệ nhân tạo" như vậy?
Do đó, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, Takeshi Ivaya về tình trạng của chiếc hộp đen có thể gián tiếp chỉ ra một vụ nổ của máy bay khi máy bay vẫn còn bay trên không.
Nếu vụ nổ xảy ra khi va chạm với mặt nước sẽ làm giảm lực tác động đến vài chục mili giây; hoàn toàn dưới ngưỡng việc phá hủy nghiêm trọng với hộp đen chiếc máy bay xấu số.
Nhật Bản tung toàn lực vào việc tìm kiếm chiếc F-35 bị mất tích.
Còn hộp đen thứ hai trong buồng lái hiện vẫn chưa tìm thấy; theo công ty L3, chiếc hộp đen lắp ở buồng lái này được trang bị một thiết bị phát phát sonar đặc biệt, có khả năng hoạt động liên tục 90 ngày dưới nước và chịu được độ sâu lên tới 6.000 mét.
Trong khi đó, tại khu vực chiếc F-35 của Nhật Bản rơi, độ sâu không vượt quá 1.500 mét.
Nếu trong máy bay dân dụng, đèn tín hiệu dưới nước được kích hoạt tự động sau khi máy bay rơi xuống nước, thì trong lĩnh vực máy bay quân sự, khi rơi xuống nước, một thiết bị đặc biệt được kích hoạt để phát thông tin cho những thiết bị tìm kiếm; nhưng những thiết bị này là bí mật quân sự.
Rất có thể phía Mỹ đã không chia sẻ về thiết bị phát thông tin tìm kiếm cho người Nhật, những thông tin có giá trị lưu trữ trong hộp đen đã chìm cùng phần đầu chiếc máy bay xấu số và có thể nó bị chôn vùi vĩnh viễn trong lòng đại dương.
Dường như vụ rơi máy bay F-35 của Nhật Bản sẽ đi vào lịch sử, và có thể những bí ẩn khác sẽ không bao giờ được giải đáp. Tất nhiên, các báo cáo điều tra sẽ được soạn thảo, phê duyệt và thậm chí được công bố.
Và nguyên nhân xảy ra tai nạn của chiếc F-35 xấu số kia đơn giản nhất là đổ lỗi cho trình độ lắp ráp non kém hoặc chưa tuân thủ "quy trình" công nghệ của nhà thầu lắp ráp Mitsubishi.
Đúng như Peter Layton, một cựu sĩ quan không quân Australia nói:
"Có hàng trăm chiếc F-35 đang hoạt động bình thường khắp thế giới, cho thấy đây không phải vấn đề với thiết kế chung của dòng F-35. Dây chuyền lắp ráp tại Nhật Bản sẽ là nơi đầu tiên cần điều tra để tìm câu trả lời".