Mới đây, chính quyền ông Trump đã thông báo với Quốc hội Mỹ rằng Hồng Kông không còn "tự chủ" trước Trung Quốc. Đây là đánh giá quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn tới việc quyết định liệu Hồng Kông có còn nhận được hỗ trợ quyền lợi về thương mại và kinh tế từ Mỹ hay không.
"Dựa trên tình hình trước mắt, không một người bình thường nào có thể đánh giá rằng Hồng Kông đang duy trì một mức tự chủ cao trước Trung Quốc. Tôi cũng không vui khi phải thông báo quyết định này. Nhưng những chính sách hợp lí cần phải dựa trên sự công nhận những vấn đề thực tế," Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói.
Theo SCMP, xác nhận của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ mang tính thông báo và chưa hẳn sẽ có những chính sách tiếp theo liên quan tới Hồng Kông. Hiện tại, các quan chức Mỹ, bao gồm tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ phải quyết định mức độ áp dụng các biện pháp trừng phạt hoặc những chính sách khác đối với thành phố này.
"Mỹ từng hi vọng rằng mô hình Hồng Kông sẽ phổ biến cho toàn Trung Quốc đại lục, nhưng hiện tại rõ ràng rằng Trung Quốc đang khiến Hồng Kông theo mô hình của đại lục," ông Pompeo nói.
Theo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông được Quốc hội Mỹ thông qua năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm xác nhận Hồng Kông còn duy trì quyền tự chủ hay không, để đặc khu được hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ.
Theo các nhà phân tích, những lựa chọn hiện tại mà Mỹ có thể áp dụng cho Hồng Kông bao gồm tăng thuế thương mại, siết chặt luật đầu tư, đóng băng tài sản và kiểm soát chặt visa.
Động thái của Mỹ đã khiến cả Trung Quốc và Hồng Kông "chấn động".
"Tôi tin rằng việc này sẽ ảnh hưởng tới người dân Hồng Kông theo nhiều cách," Richard Bush, một học giả tại viện nghiên cứu Brookings, nói.
Lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ thay đổi cơ bản mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc, thay đổi tương lai của hệ thống tài chính Hồng Kông và toàn thế giới.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết điều luật an ninh mà Bắc Kinh áp dụng với Hồng Kông trong thời gian gần đây "chỉ tập trung vào một số lĩnh vực rất nhỏ" và "sẽ không có ảnh hưởng tới mô hình tự chủ mức độ cao ở Hồng Kông, không ảnh hưởng tới quyền lợi và tự do của người dân Hồng Kông theo như luật hợp pháp và lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài".
"Vấn đề Hồng Kông là chuyện nội bộ của Trung Quốc và sẽ không cho phép sự can thiệp của nước ngoài. Đối với những sự can thiệp của nước ngoài đối với vấn đề Hồng Kông, chúng tôi sẽ phản ứng bằng những biện pháp cần thiết".
Vào thời điểm Anh trao trả lại Hồng Kông năm 1997, Hồng Kông đóng góp tới 18% GDP của Trung Quốc. Nhưng hiện tại, con số này chỉ là dưới 4%. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đang thúc giục các công ty chuyển hoạt động tài chính tới Thượng Hải.
Trước khi có thông báo về Hồng Kông, Mỹ và Trung Quốc đã mâu thuẫn trên nhiều "chiến trường", bao gồm chiến tranh thương mại, những căng thẳng ngày càng leo thang về đánh cắp bí mật thương mại, giáo dục, về công ty Huawei và chính sách 5G, chưa kể tới những đụng độ Mỹ - Trung ở vùng biển Đông và nguồn gốc của virus corona.