Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm mua bằng được hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất, chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 17/7 đã buộc phải đưa Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình đồng phát triển máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, ba đối tác của Mỹ bao gồm: Saudi Arabia, Qatar và Ấn Độ, cũng đang thấp thỏm chuẩn bị chắp bút ký hợp đồng mua S-400. Giới phân tích tin rằng, sẽ là khôn ngoan khi các quốc gia nói trên xem xét lại ý định của mình, theo Defense News.
Đã có ít nhất 3 đối tác quan trọng của Mỹ đang cân nhắc mua S-400.
Hồi tháng 2 vừa qua, hãng thông tấn TASS đưa tin, Nga và Saudi Arabia đã tổ chức các cuộc tham vấn bổ sung liên quan đến hợp đồng cung cấp S-400 cho Riyadh.
Saudi và Mỹ đã có mối quan hệ an ninh lâu dài, khi cả hai nước tìm cách chống lại mục tiêu chung là Iran. Tuy nhiên, hướng đi của Riyadh ở Yemen và các cáo buộc tồi tệ khác như vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, đã làm căng thẳng mối quan hệ Mỹ-Saudi.
Nếu Riyadh xát thêm muối vào vết thương bằng cách mua S-400, điều đó có thể đại diện cho một điểm mốc bùng phát trong mối quan hệ với Washington, hai chuyên gia phân tích Bradley Bowman Andrew Gabel từ Quỹ Bảo vệ Dân chủ nhận định trên Defense News.
Qatar cũng thể hiện sự quan tâm đến S-400 gần đây và dường như đã tham gia vào các cuộc đàm phán nâng cao với Nga hồi đầu năm nay.
Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid, cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông và là "nhà" của Không lực Mỹ đặc trách miền Trung, cũng như hơn 11.000 thành viên quân đội liên minh quốc tế.
Theo Lầu Năm Góc, căn cứ đã đóng vai trò là sân khấu chính cho hầu hết các hoạt động trên không trong chiến dịch đánh bại khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nếu Qatar mua S-400, bộ Quốc phòng Mỹ có thể quyết định không cho phép F-35 hoạt động ở căn cứ Al Udeid. Như Nhà Trắng đã lưu ý, F-35 không thể cùng vận hành song song với một nền tảng thu thập thông tin tình báo của Nga vốn được sử dụng để tìm hiểu về các khả năng tiên tiến của chính nó.
F-35 sẽ là xương sống của không quân Mỹ trong nhiều thập kỷ tới. Mỹ không thể mạo hiểm để cho Nga nắm bắt hết thông tin về máy bay chiến đấu quan trọng nhất của mình.
Việc không thể sử dụng hoàn toàn Al Udeid sẽ làm tổn hại đến hiệu quả quân sự của Mỹ ở Trung Đông và làm suy yếu giá trị của căn cứ không quân đối với Lầu Năm Góc.
Cũng giống như Thổ Nhĩ Kỳ, không quốc gia nào mua S-400 mà không phải nhận phản ứng từ Mỹ.
Nếu Qatar đang tìm cách chiếm thế thượng phong trong cuộc cạnh tranh với Saudi và tích lũy những người ủng hộ ở Washington, thì việc mua S-400 dường như là một cách làm không phù hợp để hướng tới mục tiêu đó.
Qatar có thể nghĩ rằng căn cứ Không quân Al Udeid cung cấp đòn bẩy cho họ, nhưng Washington có các lựa chọn khác, và việc mua S-400 sẽ làm giảm giá trị của căn cứ này đối với Mỹ trong những năm tới.
Ấn Độ, trong khi đó, là một đối tác ngày càng quan trọng đối với Mỹ ở Châu Á. Mối quan hệ song phương giữa Mỹ và Ấn Độ có tiềm năng trở thành sự đóng góp hàng đầu cho an ninh khu vực và quốc tế, sự ổn định và thịnh vượng trong thế kỷ 21.
Đó là lý do tại sao cả hai quốc gia nên tìm kiếm cơ hội hơn nữa để mở rộng và tăng cường hợp tác trong nhiều thách thức lẫn nhau - bao gồm cả sự trỗi dậy của Trung Quốc và mối nguy khủng bố.
Tuy nhiên, vào năm 2018, Ấn Độ đã đồng ý trả hơn 5 tỷ USD cho năm trung đoàn S-400, dự kiến sẽ được giao vào năm 2023. Giới quan sát tin rằng, với Mỹ, đó sẽ là một sai lầm rất lớn.
Nếu New Delhi mua S-400, điều này sẽ là trở ngại đáng kể và dai dẳng trong mối quan hệ song phương - làm hỏng tiến trình cùng có lợi mà cả hai đạt được trong những năm gần đây.
Theo hai chuyên gia phân tích Bradley Bowman Andrew Gabel, mỗi quốc gia trong số ba quốc gia này chắc chắn có quyền mua vũ khí từ bất cứ đâu mà họ muốn.
Tuy nhiên, trước khi họ thực hiện quyền đó, Riyadh, Doha và New Delhi nên xem xét cẩn thận trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ và xem xét cái giá phải trả và lợi ích của việc mua S-400.
Phản ứng đòi trừng phạt của Quốc hội Mỹ và việc chính quyền Trump loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 là minh chứng cho thấy bất kỳ quốc gia nào âm thầm mua S-400 cũng sẽ không tránh khỏi những động thái gây áp lực mạnh mẽ từ phía đồng minh Washington.
Giới lãnh đạo ở Washington sẽ hiểu các quyết định liên quan đến S-400 như là một chỉ báo về mối quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh mà các quốc gia mua vũ khí Nga sẽ có với Mỹ trong nhiều năm tới.
Trước khi mua S-400 từ Moscow, các đối tác quan trọng của Mỹ nên suy nghĩ cẩn trọng, hai chuyên gia Bradley Bowman Andrew Gabel nhấn mạnh trên Defense News.