Tại buổi làm việc giữa Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), lãnh đạo tỉnh Kiên Giang với các Hội NMTT trên cả nước hôm 2/11 tại Phú Quốc, nhiều giải pháp bảo vệ nước mắm truyền thống của Việt Nam đã được bàn bạc.
Nước mắm truyền thống lao đao trong "bão" arsen
Bà Hồ Thị Liên – Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cho biết, mỗi năm Phú Quốc cung cấp ra thị trường trên 20 triệu lít nước mắm, mang lại doanh thu hơn 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ trước khi xảy ra sự cố "nước mắm nhiễm arsen",d o nguồn cá cơm dần cạn kiệt cộng với sự cạnh tranh thu mua của nhiều thương lái nơi khác, ngành nước mắm truyền thống ở Phú Quốc đã gặp nhiều khó khăn.
"Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam đạt chỉ dẫn địa lý của Liên minh Châu Âu công nhận vào 12/2012. Tuy nhiên, từ 2012 đến nay, gần một nửa số doanh nghiệp sản xuất nước mắm đã ngưng hoạt động vì khó khăn.
Cá cơm được được trộn muối ngay sau khi đánh bắt rồi chở về nhà thùng tiến hành ủ chượp.
Sau khi Vinatas công bố thông tin 67% mẫu nước mắm nhiễm arsen thạch tín, chúng tôi như chết đứng vì tai họa… từ trên trời rơi xuống. 56 doanh nghiệp của hội ngưng hoạt động hơn 10 ngày, đối tác ngưng nhập hàng và còn yêu cầu giải trình vụ việc. Nhiều hội viên các Hội NMTT toàn quốc lâm vào tình trạng hoang mang lo lắng tột độ.
Nếu bảo nước mắm cao đạm (tức NMTT) có arsen thạch tín độc hại thì tại sao Liên minh Châu Âu công nhận chỉ dẫn địa lý cho nước mắm Phú Quốc, xuất khẩu sang nhiều nước có yêu cầu rất cao trong vệ sinh an toàn thực phẩm?", bà Liên nói.
Theo Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc, may mắn là Chính phủ, Bộ ngành và các chuyên gia khoa học đã nhanh chóng vào cuộc "giải oan" cho NMTT, nếu không thì hậu quả sẽ rất khó lường. Hiện các hội viên đang thống kê thiệt hại vừa qua, đến khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng sẽ có hình thức khiếu nại, bồi thường.
Theo chuyên gia Vũ Thế Thành - Thạc sĩ Quản trị chất lượng, giảng viên an toàn thực phẩm VASEP, "cú sốc arsen" vừa qua không chỉ khiến các doanh nghiệp sản xuất NMTT thiệt hại nặng về kinh tế mà còn khiến tinh thần của họ điêu đứng vì những đơn vị này sản xuất theo truyền thống gia đình từ đời này sang đời khác, mỗi làng nghề có truyền thống hàng trăm năm.
Các thùng ủ có dung tích khoảng 10.000 lít được kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Khi đạt tiêu chuẩn mới được gắn thẻ chứng nhận chỉ dẫn địa lý của Liên minh Châu Âu.
"Arsen hữu cơ có rất nhiều trong các loài thủy hải sản, hoàn toàn vô hại. Nước mắm truyền thống chỉ làm từ cá và muối, thời gian ủ chượp kéo dài từ 6-12 tháng mới có hương và vị tự nhiên của nước mắm. Việc kiểm tra arsen trong nước mắm là không cần thiết và kết quả công bố chỉ gây hoang mang cho người tiêu dùng", ông Thành chia sẻ.
Cứu nước mắm truyền thống – cách nào ?
Để bảo vệ NMTT, bà Liên đề nghị các cơ quan nhà nước nhanh chóng xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia riêng cho từng sản phẩm nước mắm và nước chấm vì hiện nay chưa có sự rạch ròi giữa hai loại này. Trong đó, Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 5107:2003 cần được ra soát và ban hành lại cho phù hợp với Tiêu chuẩn Codex, phù hợp với quốc tế.
Các hội viên cũng mong muốn Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Kiên Giang nhanh chóng quy hoạch làng nghề NMTT cũng như xây dựng nhà bảo tàng cho nước mắm Phú Quốc; có biện pháp bảo tồn và phát triển nguồn cá cơm trên biển phục vụ sản xuất của làng nghề.
"Chúng tôi đề nghị người sản xuất nước mắm phải có bề dày lịch sử gia đình, phải theo phương pháp truyền thống và đặc biệt không được cho thêm chất xúc tác, phụ gia để rút ngắn thời gian ủ chượp, gây mất uy tín và làm mai một ngành nghề này.
Bên cạnh đó, nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu vì đa số các hội viên đều sản xuất nhỏ lẻ, không đủ nội lực làm truyền thông", đại diện hội nước mắm nói.
Sau 12 tháng ủ chượp mới có thể ra thành phẩm nước mắm truyền thống.
Còn đại diện Hội Nước mắm Cát Hải (Hải Phòng) kiến nghị cần quy định cụ thể hơn cho từng vùng miền. Chẳng hạn Phú Quốc làm nước mắm từ cá cơm nên độ đạm rất cao, trong khi nước mắm Cát Hải làm từ nguồn cá khác chỉ đạt 20-23 độ đạm nên không thể quy định chung chung một tiêu chuẩn độ đạm cho tất cả các làng nghề.
Ông Mai Anh Nhịn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, đồng ý với đề xuất của Hội Nước mắm Phú Quốc về xây dựng bảo tàng cho làng nghề NMTT này. Ông yêu cầu hội nhanh chóng làm đề nghị lên huyện, huyện sẽ chuẩn bị đầy đủ phương án trình lên tỉnh để xem xét, ký duyệt.
"Chúng tôi đi công tác nước ngoài cũng mang nước mắm theo ăn vì vậy, Kiên Giang rất quan tâm phát triển thương hiệu này. Nó vừa là sản phẩm, vừa là thương hiệu du lịch, giúp Phú Quốc phát triển. Nếu như Phú Quốc không còn nước mắm truyền thống thì không còn là Phú Quốc nữa.
Trước mắt, tôi đề nghị hội nước mắm và các cơ quan liên quan tìm hiểu lịch sử, sưu tập những vật dụng, công thức trong sản xuất nước mắm để trưng bày trong nhà bảo tàng sắp tới", ông Nhịn nói.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, qua kiểm tra các mẫu nước mắm cả truyền thống lẫn công nghiệp đều không bị nhiễm arsen vô cơ mà chỉ có asen hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ sẽ thành lập các đoàn công tác gồm chuyên gia khoa học, nhà quản lý và các hiệp hội nhằm rà soát lại các quy định, phân loại rõ ràng về Tiêu chuẩn dành cho nước mắm và nước chấm. Bộ cũng đề xuất thành lập Hiệp hội nước mắm Việt Nam dựa trên cơ sở các hội trên cả nước hiện nay để đoàn kết lại, hợp sức bảo vệ nghành nghề truyền thống này.
Nước mắm Thái Lan "đạo" nhãn nước mắm Phú Quốc