1. Phải đến khi sứ mệnh của bóng đá Việt Nam được trao vào tay HLV Park Hang-seo, với liên tiếp 4 kỳ tích lớn trong vòng hơn một năm tại vị của ông, người ta mới thấy những gì mà HLV Hoàng Anh Tuấn làm cho lứa U19 đi World Cup ngày nào là thực sự đáng giá. Những Quang Hải, Bùi Tiến Dũng, Văn Hậu, Đình Trọng, Tiến Linh, Đức Chinh... tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh sau lần "ra biển lớn" ấy.
Chính thành công giải giải U19 châu Á dưới sự dẫn dắt của HLV người Khánh Hòa này, cũng như trải nghiệm ở đấu trường World Cup đã khiến những cầu thủ trẻ này không gặp phải sự choáng ngợp khi bước ra đấu trường châu Á, cũng như làm quen với tư duy chiến thuật, sự linh hoạt trong vận hành chiến thuật và lối chơi phù hợp với thể trạng, tinh thần của các cầu thủ Việt Nam.
Để rồi dưới bàn tay "phù thủy" của HLV Park Hang-seo, đội tuyển U23 Việt Nam, cũng như ĐTQG Việt Nam, lứa cầu thủ này thi đấu cực kỳ trơn tru, bản lĩnh và giữ vững phong độ, kiến tạo nên một lứa cầu thủ "thế hệ vàng" thực sự, khác hẳn với những gì HLV Hữu Thắng từng dựa vào Công Vinh và lứa U19 của bầu Đức, để rồi thất bại thảm hại ở cả AFF Cup 2016 lẫn SEA Games 2017.
Ngày đưa HLV Hữu Thắng lên cầm quân ở ĐTQG và U23 Việt Nam, bầu Đức từng tuyên bố hùng hồn: "Không vô địch SEA Games, phải có ít nhất 80% trong thường trực VFF từ chức". Cuối cùng, niềm tin ấy vỡ tan khi thầy trò HLV Hữu Thắng phải lủi thủi xách vali về nước trong tủi nhục ngay sau vòng đấu bảng, bởi trận thua 0-3 trước đại kình địch Thái Lan. Hữu Thắng từ chức. Bầu Đức từ chức.
Những ngày qua, VFF rốt cục cũng thuyết phục được HLV Park Hang-seo đặt cái mục tiêu vô địch SEA Games mà bầu Đức từng hùng hồn tuyên bố ngày nào lên ưu tiên hàng đầu. Mối hận mà HLV Hữu Thắng từng gieo cho bóng đá Việt Nam, nay thầy Park phải thân chinh "rửa" giúp, chứ không phải là người khác như mong muốn ban đầu của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
2. Không phải ngẫu nhiên mà trong hai lần phát biểu của mình trên đất Hàn gần nhất, HLV Park Hang-seo đều than thở rằng ông quá tải với việc cùng lúc phải dẫn dắt đến 2 đội tuyển, cũng như than thở rằng ở Việt Nam, người ta coi SEA Games như "Thế vận hội Đông Nam Á", để nhất quyết đoạt bằng được chiếc huy chương vàng ấy mới thỏa lòng, bởi ông biết bóng đá Việt Nam, dưới bàn tay dẫn dắt của mình đủ sức bay cao ra khỏi cái "ao làng" ấy.
Song rốt cuộc, ông cũng phải ngậm ngùi công nhận rằng trước đây ông không hiểu rõ tầm quan trọng của SEA Games với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên cuối cùng ông cũng nhận ra được rõ hơn ý nghĩa của tấm huy chương vàng ở giải đấu này.
Vậy ý nghĩa đích thực của tấm huy chương vàng SEA Games là gì, ngoài sự công nhận ở tầm mức U23 Đông Nam Á với bóng đá Việt Nam? Từ bao giờ đấu trường U23 khu vực lại được đặt lên hàng đầu trong một nền bóng đá? Phải chăng "con cá mất là con cá to", nên tấm huy chương vàng ấy có ý nghĩa quan trọng đến thế? Hay bởi như lời bầu Đức, rằng "Không vô địch SEA Games, VFF nên từ chức hết"?
Hay bởi chỉ tấm huy chương vàng ấy mới đủ sức rửa sạch nỗi nhục mà HLV Hữu Thắng gieo cho bóng đá Việt Nam ở lần cuối cùng U22 Việt Nam tham dự đấu trường này, để rồi chỉ có tấm huy chương vàng ấy mới đủ sức đưa bóng đá Việt Nam ngẩng cao đầu với các nền bóng đá láng giềng?
Không phải. Mà bởi như bầu Đức từng nói về HLV Hoàng Anh Tuấn, đến World Cup không phải là thành tích, giật tấm vé đi World Cup từ tay của các đội bóng mạnh châu Á cũng không phải là thành tích, mà chỉ có tấm huy chương vàng, nhất là tấm huy chương vàng SEA Games mới là thành tích.
HLV Park Hang-seo "ra giá" với VFF rằng cho U22 Việt Nam có đủ 5 tuần tập trung hoàn chỉnh, ông sẽ quyết tâm đem tấm huy chương vàng SEA Games về cho bóng đá Việt Nam sau 60 năm chờ đợi. Ẩn ý sau đấy, thiết nghĩ là khá rõ. Muốn vô địch SEA Games, thì hẳn nhiên phải giảm nhẹ mức độ đầu tư cả con người, thời gian lẫn tâm sức vào đấu trường khác, cụ thể ở đây là vòng loại World Cup, đấu trường của ĐTQG.
Thôi đành...
"Hay là mình bỏ cả đi
Giấc mơ chẳng đuổi có khi lại về" (*)
...vậy!!!
(*): (thơ Nguyễn Thiên Ngân)