Sau khi bị hoãn, NASA sẽ phóng siêu tên lửa SLS vào ngày nào? Chỉ còn 2 cơ hội gần nhất

Minh Hằng |

Sau khi hủy lịch phóng vào phút chót vì sự cố kỹ thuật, NASA sẽ phóng siêu tên lửa SLS phục vụ cho sứ mệnh Artemis I vào ngày nào?

Nhiều người tiếc nuối khi NASA đưa ra quyết định hủy lịch phóng siêu tên lửa SLS vào phút chót. Trước đó, vào ngày 29/8, trước giờ phóng siêu tên lửa mạnh nhất thế giới, hàng nghìn người đã tụ tập ở bờ biển, lề đường, và cả nóc nhà ở khu vực xung quanh bãi phóng. Thậm chí có những người còn ngủ qua đêm ở gần Trung tâm Vũ trụ Kennedy (bang Florida, Mỹ) với hy vọng được chiêm ngưỡng phóng SLS, siêu tên lửa mạnh nhất của NASA lần đầu đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng.

Trong sự kiện phóng siêu tên lửa SLS, đánh dấu khởi đầu cho hành trình quay trở lại Mặt Trăng sau gần 50 năm của NASA, còn có sự tham gia của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và các cựu phi hành gia. Thế nhưng NASA vẫn tuyến bố hủy lịch phóng vào phút chót vì sự cố kỹ thuật là động cơ quá nhiệt.

Theo đó, những người quản lý sứ mệnh Artemis đã họp trong ngày 30/8 để thảo luận và đưa ra cách xử lý tiếp theo.

Sau khi bị hoãn, NASA sẽ phóng siêu tên lửa SLS vào ngày nào? Chỉ còn 2 cơ hội gần nhất - Ảnh 1.

NASA hủy phóng siêu tên lửa SLS vào phút chót vì phát hiện sự cố kỹ thuật. Ảnh: NASA

Siêu tên lửa SLS không được phóng đúng hẹn đã khiến cho nhiều kỹ sư của NASA, những người theo dõi trực tiếp và cả công chúng thất vọng. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng đợt phóng SLS sẽ diễn ra trong những ngày tới.

Sau khi bị hoãn, NASA sẽ phóng siêu tên lửa SLS vào ngày nào? Chỉ còn 2 cơ hội gần nhất - Ảnh 2.

Sau khi đợt phóng siêu tên lửa SLS bị hủy vào phút chót, hàng nghìn người dân đã rời khỏi khu vực xung quanh bãi phóng. Ảnh: Getty Images

Theo ông Kendal Van Dyle, Giám đốc chương trình Microsoft, chia sẻ rằng việc hoãn phóng tên lửa thực tế là rủi ro thường gặp trong các chuyến bay vũ trụ. Việc phóng tên lửa không phải hướng tới mục đích làm cho mọi người kinh ngạc. Thay vào đó, nó đưa phần cứng trị giá tới hàng tỷ USD vào không gian một cách an toàn. Thực tế thỉnh thoảng mọi thứ diễn ra suôn sẻ và cũng có lúc ngược lại nhưng không sao.

Vậy, câu hỏi đặt ra rằng tên lửa SLS mang theo tàu vũ trụ Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng thuộc sứ mệnh Artemis I, sẽ được dời đến khi nào?

Tên lửa SLS sẽ dời lịch phóng đến ngày nào?

Theo NASA, sự cố kỹ thuật xảy ra vào sáng 29/8 vừa qua khiến các kỹ sư của cơ quan này không thể khắc phục ngay lập tức. Do đó, nữ giám đốc phụ trách hoạt động phóng Artemis I Charlie Blackwell-Thompson đã ra hiệu tạm dừng đếm ngược. Đó là vào 8h40' sáng 29/8 (theo giờ Mỹ).

Ngay trong cuộc họp báo vào chiều 29/8, Giám đốc NASA Bill Nelson cũng tuyến bố rằng: "SLS là một tên lửa hoàn toàn mới. Nó sẽ không cất cánh cho đến khi mọi thứ sẵn sàng".

Sau khi bị hoãn, NASA sẽ phóng siêu tên lửa SLS vào ngày nào? Chỉ còn 2 cơ hội gần nhất - Ảnh 3.

Đồng hồ đếm ngược của NASA đã dừng tại thời điểm 40 phút trước khi phóng vào ngày 29/8. Ảnh: Getty Images

Việc hủy bỏ đợt phóng vào ngày 29/8 vừa qua lại tiếp tục tạo thêm áp lực cho NASA và đối tác, đặc biệt là khi sứ mệnh Artemis liên tục bị đội vốn và chậm tiến độ.

Theo dự kiến, siêu tên lửa phục vụ cho sứ mệnh Artemis I có thể dời ngày phóng sang 12h48’ ngày 2/9 (giờ Mỹ), tương đương với 23h48’ (theo giờ Việt Nam) nếu như các sự cố đã được khắc phục và không cần phải kiểm tra nhiên liệu.

Ngoài ra, NASA cũng chỉ còn một cơ hội gần nhất để phóng tên lửa SLS vào lúc 17h12’ ngày 5/9, vì vị trí của Trái đất và Mặt Trăng thay đổi liên tục. Nếu bỏ qua 2 cơ hội này, SLS sẽ phải rời khỏi bãi phóng và được kéo trở lại cơ sở lắp ráp để tiến hành bảo dưỡng. Theo đó, ngày phóng sẽ có thể dời tới cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10.

Thế nhưng, đến nay, NASA vẫn chưa công bố chính xác ngày phóng tiếp theo của tên lửa SLS. Trước mắt, cơ quan này đang cẩn thận giải quyết từng vấn đề phát sinh và không đưa ra quyết định vội vàng, bởi đó có thể dẫn tới thất bại kinh hoàng.

Theo ông Mike Sarafin, người quản lý sứ mệnh Artemis I, cho biết trong một cuộc họp báo, Artemis I không thể cất cánh vào ngày 29/8 theo kế hoạch ban đầu vì sự cố về động cơ tên lửa. Tuy nhiên nó sẽ sớm được khởi động lại và có thể ngay trong tuần này.

Artemis I, sứ mệnh mở ra kỷ nguyên mới về khám phá vũ trụ

Artemis I chính là sứ mệnh đầu tiên trong chương trình thám hiểm Mặt Trăng mang tên Artemis. Mục tiêu quan trọng của sứ mệnh này là chứng minh rằng cả tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion đều đã sẵn sàng để bắt đầu đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng và những điểm đến không gian sâu khác.

Sau khi bị hoãn, NASA sẽ phóng siêu tên lửa SLS vào ngày nào? Chỉ còn 2 cơ hội gần nhất - Ảnh 5.

Siêu tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion trên bệ phóng ở Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Ảnh: Reuters

Chuyến bay của Artemis I sẽ kéo dài 6 tuần và không có phi hành đoàn. Thay vào đó, Artemis I sẽ sử dụng 3 hình nộm có tên là Zohar, Helga và Moonikin Campos. Những hình nộm này được trang bị các cảm biến để có thể đo lường được mọi thứ, từ rung động cho đến bức xạ.

Ngoài 3 hình nộm trên, tàu Orion còn có nhiều trọng tải khoa học như tảo, nấm, nấm men và hạt giống được đóng gói cẩn thận để tiến hành nghiên cứu về cách mà bức xạ không gian gây ảnh hưởng tới sự sống của tế bào dựa trên ADN. Bởi mục tiêu cuối cùng là giúp con người có thể định cư trên các hành tinh ngoài Trái Đất.

Theo NASA, thông qua quan hệ đối tác trong ngành, sứ mệnh Artemis I còn mang theo một máy tính xách tay chạy cả trợ lý ảo Alexa, phần mềm hội nghị truyền hình Cisco Webex, nhằm xem nó có thể giao tiếp tốt như thế nào với trạm mặt đất tại Houston, Texas (Mỹ).

Đặc biệt, sứ mệnh Artemis I cũng trang bị một số vệ tinh nhỏ cỡ nhỏ gọi là CubeSat, để tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt Trăng, cũng như phân tích thành phần của nó.

Thế nhưng, thử nghiệm có mức độ ưu tiên cao nhất trong sứ mệnh này chính là lá chắn nhiệt mới sẽ bảo vệ Orion khi con tàu quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ cao kỷ lục, thậm chí còn nhanh và nóng hơn cả tàu con thoi, với dự kiến có thể nóng tới 2.760 độ C.

Giám đốc NASA Bill Nelson cho biết: "Đó không còn là thế hệ Apollo nữa, mà là thế hệ Artemis. Chúng ta sẽ trở lại Mặt Trăng nhưng để học hỏi và phát triển các công nghệ mới. Bởi mục tiêu cuối cùng là chúng ta sẽ đến Sao Hỏa".

Theo ông Thomas Zurbuchen, Trưởng ban sứ mệnh khoa học của NASA, sứ mệnh Artemis I còn có một nhiệm vụ quan trọng khác. Đó là tìm hiểu về những nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể có trên Mặt Trăng như nước, khoáng sản. Đương nhiên những nguồn tài nguyên này phải thực sự bất ngờ so với "bức tranh" mà con người đã có về Mặt Trăng ở trong quá khứ.

Nếu như cơ hội phóng lần thứ 2 diễn ra suôn sẻ, siêu tên lửa SLS sẽ đưa tàu Orion lên quỹ đạo Mặt Trăng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Sau đó, sứ mệnh Artemis II và Artemis III sẽ được thực hiện vào năm 2024 và năm 2025.

Bài viết tham khảo nguồn: NASA, New York Times, Saltwire

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại