Sau khi bán “nồi cơm”, bánh kẹo Kinh Đô còn lại những gì?

Văn Lam |

Rất có thể trong năm 2016, Công ty CP Tập đoàn KIDO (KDC) sẽ từ giã hẳn bánh kẹo - mảng thực phẩm đã từng làm nên tên tuổi của đơn vị này. Sau khi bán đi “nồi cơm” của mình, KDC sẽ còn lại những gì khi dấn thân vào con đường không mấy màu mỡ là mì gói?

KDC có thể từ giã hẳn bánh kẹo

Vừa qua, KDC đã tổ chức Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2016. 

Tại đại hội, KDC trình kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu thuần 1.800 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.500 tỉ đồng. Để đạt được mục tiêu này, KDC có thể sẽ phải bán nốt 20% mảng kinh doanh bánh kẹo còn lại.

Đây là kế hoạch kinh doanh gây bất ngờ cho nhiều người bởi tỉ suất lợi nhuận/doanh thu lên tới 83% là quá cao và gần như không thể đạt được bằng hoạt động kinh doanh thông thường. 

Theo thống kê, trung bình tỉ suất lợi nhuận/doanh thu của KDC đạt khoảng 12%.

Năm ngoái, công ty này cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng vọt lên trên 6.500 tỉ đồng vào quý II, nhờ ghi nhận lợi nhuận từ việc bán 80% mảng bánh kẹo cho đối tác Mondele`z. Các quý khác, lợi nhuận của KDC đều cách rất xa so với con số 1.500 tỉ đồng.

Rõ ràng, mức lợi nhuận lên đến 1.500 tỉ đồng trong kế hoạch kinh doanh năm 2016 cao một cách bất thường trong bối cảnh 20% mảng bánh kẹo còn lại và các mảng kinh doanh mới của KDC chưa thể mang nhiều lợi nhuận.

Trước đó, thông tin nhiều khả năng trong năm 2016, KDC sẽ bán nốt 20% còn lại của mảng bánh kẹo gây xôn xao. 

So sánh tỉ lệ hai con số 1.500 tỉ đồng và 6.500 tỉ đồng cũng gần tương đương với tỉ lệ 20% và 80% khi bán đi mảng bánh kẹo.

Thông tin này cũng được nhà đầu tư trông chờ tại đại hội năm nay là việc bán 20% còn lại của mảng bánh kẹo, theo ông Kelly Wong, Phó tổng Giám đốc KDC, hiện KDC đang thương lượng và hy vọng kết thúc việc chuyển giao mảng bánh kẹo vào cuối năm nay.

Trước đó, lãnh đạo của KDC đã úp mở về việc đơn vị này không có nhiều lý do cũng như tâm huyết để giữ lại thương hiệu đã làm nên tên tuổi công ty một thời. 

Phát biểu tại ĐHCĐ năm ngoái, đại diện KDC cho rằng “không ai ăn bánh kẹo cả ngày”, đó là lý do mà công ty này từ bỏ mảng bánh kẹo, thay vào đó là chiến lược đầu tư mạnh vào mảng hàng thực phẩm và gia vị như trong tuyên bố tại báo cáo thường niên năm trước.

Một nội dung quan trọng trong kỳ họp năm nay là KDC tiếp tục mua cổ phiếu quỹ để đạt con số 30% tổng số cổ phần phát hành như nghị quyết ĐHCĐ bất thường năm 2014 đã thông qua. 

Điều này đồng nghĩa, KDC sẽ mua tiếp hơn 26 triệu cổ phiếu để giảm lượng cổ phiếu đang lưu hành lên đến 76.996.019 cổ phiếu, tương đương 30% tổng số cổ phiếu phát hành.

Cách đây không lâu, ngày 1.3.2016, Công ty Cổ phần Kinh Đô Bình Dương, đơn vị kinh doanh mảng bánh kẹo của Kinh Đô trước đây, cũng đã chính thức đổi tên thành Công ty Cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam, viết tắt là Mondelez Kinh Đô.

Công ty Cổ phần Kinh Đô Bình Dương - nay là Mondelez Kinh Đô, chính thức được bàn giao cho Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) từ 30.6.2015.

Trước đó, vào tháng 11.2014, theo thông tin được cả 2 công ty xác nhận, Mondelēz International sẽ đầu tư 7.846 tỉ đồng (tương đương 370 triệu đô la Mỹ) để nắm giữ 80% cổ phần của mảng kinh doanh bánh kẹo của Kinh Đô (nay là KDC). 

Cho đến thời điểm này, đây được xem là thương vụ mua bán - sáp nhập có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo ở thị trường trong nước.

Hướng đi mới của KDC không rộng mở

Từ năm 2014, nhằm phát triển các ngành hàng mới sau khi bán đi mảng bánh kẹo, KDC đã bắt tay vào nghiên cứu thâm nhập thị trường dầu ăn và mì ăn liền.

Trong khi đó, chặng đường chinh phục mì ăn liền sẽ gian nan hơn rất nhiều. Đối tác của KDC trong lĩnh vực này, Saigon We Vong vốn dĩ cũng không phải là thế lực đáng kể trong ngành. 

Báo cáo phân tích do Công ty Chứng khoán HSC đưa ra hồi tháng 2.2016 trích dẫn số liệu từ KDC cũng cho thấy tình hình kinh doanh của mảng kem và dầu ăn khả quan hơn kỳ vọng (dù doanh thu dầu ăn còn rất khiêm tốn) trong khi doanh thu mảng mì ăn liền hơi yếu do thị trường hiện có nhiều đối thủ cạnh tranh.

Số liệu do Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) công bố cho thấy nhu cầu mì ăn liền đã bắt đầu suy giảm từ năm 2014 sau khi tăng rất thấp trong những năm trước đó. 

Theo WINA, trong giai đoạn 2010-2013, nhu cầu đối với mì ăn liền của Việt Nam chỉ tăng từ 4,82 tỉ gói lên 5,2 tỉ gói – tức chỉ tăng 8% về khối lượng. 

Sang năm 2014, nhu cầu giảm xuống chỉ còn 5 tỉ gói. Ngoại trừ Ấn Độ thì 4 trong 5 thị trường mì ăn liền lớn nhất đều chứng kiến nhu cầu sụt giảm.

Số liệu của WINA khá phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế từ một số doanh nghiệp trong ngành như Vifon, Miliket, hay thậm chí là mảng mì gói của Masan Consumer. 

Trong ba năm gần nhất, doanh thu mì gói của Masan Consumer vẫn chỉ quanh mức 4.000 tỉ đồng/năm.

Chính vì sự bão hòa này mà thị trường mì ăn liền tại Việt Nam càng trở nên gay gắt khi phần lớn thị phần thuộc về 3 doanh nghiệp dẫn đầu là Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.

 Trong suốt 5 năm từ 2010-2014, tổng thị phần của 3 doanh nghiệp này không có sự thay đổi nhiều, ổn định quanh mức 70%.

Chưa đến 30% còn lại dành cho gần chục doanh nghiệp lớn nhỏ khác. Để có thể thay đổi cục diện thị trường, mì gói của KDC cần sớm tạo ra “một cú hích”. Còn nếu không, thời gian càng trôi đi thì cơ hội cho KDC ngày càng ít dần đi. 

Việc KDC tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường mì ăn liền ở thời điểm hiện nay dường như không mấy khả thi khi tất cả những yếu tố thiên thời, địa lợi lẫn nhân hòa đều không thuận lợi.

Trả lời cổ đông về lo ngại thị trường mì ăn liền đã bão hòa, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó Tổng Giám đốc KDC, cho biết nhiều nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều “không gian” để phát triển kinh doanh.

 “Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, ngành nào cũng sẽ bão hòa, đại dương xanh cũng thành đại dương đỏ. Vấn đề là tạo sự khác biệt để chen chân, thay thế sản phẩm đối thủ, giành sự quan tâm của người tiêu dùng”, bà Liễu khẳng định.

Sau khi bán mảng bánh kẹo, hiện KDC đang tập trung vào mảng thực phẩm và gia vị bao gồm 3 ngành hàng: Dầu ăn, mì ăn liền và gia vị, đồng thời tiếp tục phát triển mảng kem và các sản phẩm từ sữa.

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của KDC tăng vọt là do trong kỳ công ty đã ghi nhận khoản tiền chuyển nhượng 80% cổ phần mảng bánh kẹo của Công ty cổ phần Bình Dương cho đối tác Mondelez. Giá trị của thương vụ chuyển nhượng này là khoảng 370 triệu đô la Mỹ, tương đương khoản tiền lên tới 7.846 tỉ đồng.

Kinh Đô vẫn sẽ nắm giữ 20% còn lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại