Nhà nào thấy có hộp bánh ngoại, hỏi ra là biết ngay mới có Việt kiều về hay là vừa "xuất ngoại" sang Campuchia mua đồ ở cửa hàng miễn thuế Mộc Bài.
Đó ắt hẳn là cái thời hoàng kim mà nói theo ngôn ngữ quảng cáo là “thấy Kinh Đô hay Bibica là thấy Tết”.
Nay thì đã khác xưa, bánh kẹo ngoại đã bắt đầu chiếm lĩnh vị trí của Kinh Đô và Bibica trên ban thờ Việt rồi. Không tin, hãy thử đến các chuỗi siêu thị như Aeon, Lotte Mart, Big C, Metro…
Vào những ngày này, các loại bánh kẹo ngoại được bày bán ê hề, vừa bước chân vào là nhìn thấy.
Nào là bánh Alfredo Joy từ Malaysia, bánh Bourbon từ Nhật Bản, hộp kẹo sắt Obstkorble từ Đức, bánh The Marketplace Danish Butter Cookies từ Mỹ…
Giá bánh kẹo ngoại thường cao hơn sản phẩm cùng loại trong nước 100.000-300.000 đồng nhưng bao bì đẹp, chủng loại đa dạng, sản phẩm đóng hộp thiếc thì sáng đẹp hơn hẳn hàng nội nên rất hấp dẫn các bà nội trợ.
Để thu hút khách hàng, nhiều siêu thị còn tung ra các chương trình khuyến mãi lớn như mua 3 tặng 1, quay số trúng thưởng hoặc mua sản phẩm được tặng đồ gia dụng...
Không chỉ ở siêu thị mà ở các chợ, cửa hàng bán lẻ cũng bày bán la liệt bánh kẹo và chocolate Đức, Bỉ, Nga, Mỹ, Thụy Sĩ; hạt dẻ, mận khô, nho khô, cherry của Đức, Mỹ.
Chủ một cửa hàng quà tặng trên đường Hãi Thượng Lãn Ông (quận 5) cho biết vụ Tết này chị nhập 80% bánh kẹo ngoại để bán nhưng đến ngày 23 tháng chạp này thì đã gần hết hàng và vừa phải nhập thêm.
Ngoài kênh phân phối qua siêu thị và chợ, bánh kẹo ngoại còn được tuồn vào theo đường xách tay.
Tại một siêu thị chuyên bán hàng xách tay Mỹ trên đường Trần Hưng Đạo quận 1, sản phẩm giỏ quà Tết với 100% bánh kẹo Mỹ được người mua khá ưa chuộng dù giá cũng không hề rẻ, trung bình từ 1 – 2 triệu đồng/giỏ, cá biệt có giỏ quà có giá lên đến 5 – 6 triệu đồng.
Kênh 'offline' là vậy, kênh 'online' cũng sôi nổi không kém. Từ cô bạn văn phòng có người yêu đang đi làm việc ở Nhật đến anh sinh viên tận trời Âu cũng tận dụng cơ hội trở thành nhà phân phối bánh kẹo, chocolate ngoại dịp Tết.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), doanh thu ngành bánh kẹo Việt năm 2013 đạt 26.000 tỉ đồng, năm 2014 hơn 27.000 tỉ đồng và dự báo đến năm 2018 khoảng 40.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, thị phần bánh kẹo thương hiệu Việt đang teo tóp dần.
Nếu như trước đây Việt Nam có một số đại gia lớn trong ngành bánh kẹo như Kinh Đô, Bibica, Hữu Nghị, Hải Hà, Hải Châu, Phạm Nguyên… thì giờ đây, Kinh Đô giờ đã gả cho "anh chồng" Mỹ là Mondelēz International còn Bibica thì cũng gá nghĩa với anh Hàn Quốc Lotte.
Đáng chú ý, sau khi Tập đoàn Mondelēz International (Mỹ) mua lại mảng bánh kẹo của Kinh Đô, các sản phẩm của tập đoàn này như bánh phômai Ritz, bánh quy bơ LU, kẹo Choclairs… cũng đã có mặt ở thị trường qua hệ thống phân phối của Kinh Đô.
Sau khi Việt Nam là thành viên chính thức của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), với thuế suất còn 0%, nhiều mặt hàng bánh kẹo từ các nước trong khu vực ASEAN như Indonesia, Thái Lan... đã tiến vào thị trường Việt Nam.
Thêm vào đó, gần đây hàng loạt siêu thị nội rơi vào tay các tập đoàn bán lẻ hùng mạnh của Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc… Kéo theo đó nhiều loại bánh kẹo ngoại cũng đổ bộ dồn dập vào Việt Nam.
Có ý kiến còn cho rằng với đà tiến công như hiện nay, chẳng bao lâu nữa bánh kẹo nội sẽ “hoàn toàn rút vào hoạt động bí mật” chứ không chỉ thoi thóp như hiện nay.
Thử tưởng tượng, tới đây khi TPP thành hiện thực, có "anh Tây" nào nhanh tay mua quyền sở hữu trí tuệ công thức làm bánh chưng Bờ Đậu (Thái Nguyên) hay bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh) nữa thì dân Việt chắc đành ngậm ngùi chưng ban thờ với 100% bánh ngoại...