Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia Trung Á nên từ chối yêu cầu của Trung Quốc trong việc buộc hồi hương các sắc dân thiểu số về Trung Quốc, nơi mà ông Pompeo cho rằng họ phải đối mặt với sự đàn áp.
Ông Pompeo nói rằng việc Bắc Kinh giam giữ người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc không liên quan gì đến chống khủng bố, như Trung Quốc tuyên bố. Thay vào đó, Ngoại trưởng Mỹ coi đây một nỗ lực nhằm xóa bỏ các nền văn hóa và các tôn giáo của người thiểu số. Ông Pompeo đã đưa ra ý kiến trên trong một cuộc họp vào Chủ nhật với các bộ trưởng ngoại giao của 5 nước Trung Á, bao gồm: Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan bên lề Đại hội đồng thường niên của Liên Hợp Quốc.
Đây có thể coi là một nấc mới trong căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi hai nước đang có bất đồng sâu sắc về kinh tế và dần lan sang chính trị. Trước đó, Trung Quốc đã rất khó chịu với việc Mỹ tỏ ý quan tâm đến tình hình Hồng Kông. Hiện tình hình ở Hồng Kông vẫn rất căng thẳng khi cuối tuần qua, làn sóng biểu tình chống chính quyền đặc khu vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt trong khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHND Trung Hoa.
Theo báo chí Mỹ, Nhà Trắng dự định sẽ mang vấn đề Tân Cương ra Liên Hợp Quốc để chỉ trích Trung Quốc. Trong buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 19.9, phóng viên đặt câu hỏi: “Nhà Trắng đang xem xét liệu Tổng thống Donald Trump sẽ đề cập đến các vấn đề liên quan đến Tân Cương trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào ngày 24 tháng 9. Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng có thể nói về Tân Cương. Mỹ cũng sẽ tổ chức một cuộc họp về các vấn đề liên quan đến Tân Cương. Xin cho biết bình luận của Trung Quốc?”
Ông Cảnh Sảng – phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời: “Cuộc tranh luận chung sắp tới trong phiên họp thứ 74 của UNGA mang đến một nền tảng và cơ hội quan trọng để cộng đồng quốc tế thảo luận về các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển thế giới. Nếu bất kỳ quốc gia nào muốn nhân dịp này để đưa ra nhận xét bừa bãi về các quốc gia khác trong nỗ lực can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, họ sẽ không nhận được ủng hộ và không đạt thành công.
Về các vấn đề liên quan đến Tân Cương, tôi sẽ nhắc lại rằng các vấn đề Tân Cương hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và không nước ngoài nào có quyền can thiệp. Gần đây, các quan chức Mỹ đã nhiều lần chỉ trích chính sách Tân Cương của Trung Quốc bất chấp sự thật dưới cái cớ nhân quyền. Trung Quốc kiên quyết phản đối điều đó.
Các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là về sắc tộc, tôn giáo hay nhân quyền, mà là chống lại chủ nghĩa ly khai, bạo lực và khủng bố. Các nỗ lực chống khủng bố và chống cực đoan ở Tân Cương đã đạt được kết quả đáng chú ý và đã không có một cuộc tấn công khủng bố bạo lực nào trong ba năm qua. Các biện pháp có liên quan đã bảo vệ hiệu quả các quyền đối với sự sống, sức khỏe và sự phát triển của người dân thuộc mọi dân tộc và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chống khủng bố quốc tế. Gần một ngàn nhà ngoại giao nước ngoài, các quan chức từ các tổ chức và nhà báo quốc tế đã đến thăm Tân Cương. Tất cả đều công nhận và hoan nghênh những nỗ lực của địa phương để đấu tranh và ngăn chặn khủng bố theo luật pháp. Chúng tôi kêu gọi Mỹ tôn trọng thực tế và sự thật đồng thời ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác dưới cái cớ nhân quyền.
Nếu Mỹ thực sự quan tâm đến quyền con người, họ nên làm việc một cách nghiêm túc để giải quyết các vấn đề nội tại, như bạo lực súng đạn, chênh lệch thu nhập, phân biệt giới tính và an sinh xã hội. Cần hết sức coi trọng những lo ngại trong báo cáo của Cao ủy Nhân quyền và giải quyết bạo lực, giam giữ lâu dài và cản trở viện trợ nhân đạo nhắm vào người nhập cư và người tị nạn, cũng như cách ly trẻ em tị nạn khỏi gia đình họ. Cần chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền của người dân các quốc gia khác bằng cách áp đặt tùy hứng các biện pháp trừng phạt đơn phương”.
Trước đó, Thượng viện Mỹ hôm 11.9 đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương (Trung Quốc). Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hợp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc.
Ngoài ra, dự luật cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ công bố đánh giá hằng năm về quy mô và điều kiện của các “trung tâm đào tạo” Tân Cương nhằm giúp các quan chức. Và giờ thì người đứng đầu Bộ ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan điểm ngay trước ngày Mỹ có bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc”
Hiện quốc tế cũng rất quan tâm đến vấn đề Tân Cương. Hồi tháng 7, Trong một lá thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhóm 22 quốc gia (Canada, Úc, Nhật, New Zealand và các quốc gia EU) đòi hỏi Trung Quốc cần tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo.
Nhóm vận động đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tuyên bố về người Hồi giáo tại Hội đồng Nhân quyền và cho đây là một bước mang tính biểu tượng cho sự quan tâm lớn hơn về các chính sách của Trung Quốc tại Tân Cương. Các chuyên gia về vấn đề này đã, dựa trên các tài liệu chính thức của Trung Quốc, hình ảnh vệ tinh và lời khai của nhân chứng, ước tính rằng "Trung Quốc đã giam giữ trên 1 triệu người trong các trung tâm cải tạo và đã áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ".
Hồi năm 2016, Mỹ đã từng dẫn đầu các nước chỉ trích cách đối xử với người Duy Ngô Nhĩ của Trung Quốc và đưa ra tuyên bố chung lên án Trung Quốc tại Hội đồng Nhân quyền. Nhưng năm ngoái Mỹ đã rút khỏi Hội đồng này nên trong 22 nước ký tên trong lá thư trên, không có chữ ký từ Mỹ. Nhưng sau lần im tiếng hồi tháng 7 thì giờ Mỹ đã quay trở lại vấn đề Tân Cương và đẩy sự kiện này lên nấc thang mới.