Chiều 12/3, tại sảnh Tân Cương thuộc Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh, đoàn đại biểu Tân Cương đã tổ chức hội nghị bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, thảo luận các văn kiện dự thảo sửa đổi về đầu tư nước ngoài, báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc,...
Chủ tịch khu tự trị Tân Cương Shohrat Zakir đã có cuộc trả lời họp báo mở.
Sẽ đến lúc các trung tâm đào tạo ở Tân Cương biến mất
Trả lời hai câu hỏi của phóng viên đề cập đến các "trại cải huấn" được lập ra để "giáo dục lại" người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, ông Zakir nói rằng sẵn sàng "hoan nghênh các bạn phóng viên từ nước ngoài tự mình đến trải nghiệm, cảm nhận và du lịch ở Tân Cương".
Theo ông này, kể từ cuối năm 2018 đã có hơn mười đoàn khách nước ngoài thăm Tân Cương và được tham quan các "trung tâm giáo dục đào tạo kỹ năng nghề" mà nhà chức trách lập ra, cũng như giao lưu với học viên tại đây.
"Các trung tâm bồi dưỡng hoàn toàn không giống một số hãng thông tấn mô tả như là nơi ngược đãi học viên, hạn chế tự do. Trung tâm giống như trường học nội trú, mà học viên được ăn ở miễn phí, học ngôn ngữ, pháp luật và các kỹ năng," chủ tịch Tân Cương nói trong cuộc họp báo.
Cuộc họp báo của đoàn Tân Cương ngày 12/3 thu hút rất đông truyền thông Trung Quốc và quốc tế (Ảnh: AFP)
Ông Zakir cho biết, "chúng tôi sẽ có ngày càng ít người ở trong các trung tâm này, và nếu một ngày xã hội không còn cần [các trung tâm] nữa, thì chúng sẽ dần dần biến mất".
Theo số liệu do Zakir cung cấp, Tân Cương đã duy trì liên tục 2 năm 3 tháng không xảy ra vụ khủng bố nào. "Tình hình ổn định tiếp tục mang lại lợi ích, năm 2018 toàn khu vực Tân Cương có 537.000 người thoát nghèo, 513 thôn làng rút khỏi diện nghèo, tỉ lệ phát sinh đói nghèo giảm xuống còn 6.51%, giảm 5.06% so với năm 2017,..."
Shohrat Zakir là quan chức chính phủ Trung Quốc đầu tiên lên tiếng xác nhận sự tồn tại của các "trung tâm dạy nghề" nói trên chỉ là tạm thời.
Trước đó, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ thông tin trên truyền thông nước ngoài rằng các trại tập trung được lập ra ở Tân Cương đã tước đi tự do của hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ. Theo chính phủ Trung Quốc, các trung tâm này là "giải pháp chống lại chủ nghĩa cực đoan", nhằm giúp các học viên có cuộc sống và nghề nghiệp bình thường.
China News cho hay, họp báo của đoàn đại biểu Tân Cương dường như là sự kiện "nóng bỏng nhất" trong kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, khi hội trường đã không còn một chỗ trống cho các phóng viên từ 45 phút trước khi cuộc họp bắt đầu, nhiều người không thể đứng lên hay ngồi xuống được, thậm chí có trường hợp hai ký giả phải chia sẻ nhau một chiếc ghế.
Trung Quốc đứng trước sức ép quốc tế
Trong cuộc họp báo, ông Zakir từ chối tiết lộ số lượng "học viên" trong các trung tâm đào tạo, nhưng khẳng định con số này ít hơn thông tin "1 triệu người".
"Số lượng [học viên] thay đổi liên tục," ông cho hay, "song còn cách xa con số cường điệu mà một số người đưa ra rằng có gần 1 triệu người trong các trung tâm."
Ông cũng lặp lại thông tin được chính phủ Trung Quốc tuyên bố trước đây, rằng học viên gia nhập những trung tâm ở Tân Cương "một cách tự nguyện", và họ được phép tự do rời khỏi trung tâm hay về thăm gia đình.
Cuộc thảo luận ở đoàn đại biểu Tân Cương hôm 12/3 là sự kiện được mở cửa cho báo chí nước ngoài dự. Bí thư Tân Cương, Ủy viên Bộ chính trị Trung Quốc, ông Trần Toàn Quốc, cũng có mặt trong họp báo.
Pakistan, đồng minh thân cận hàng đầu của Trung Quốc từ thế giới Hồi giáo, lần đầu phá vỡ im lặng hồi tháng 9 năm ngoái khi công khai chỉ trích chính sách của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Pakistan cảnh báo những biện pháp trấn áp của giới chức Trung Quốc có thể châm ngòi cho chủ nghĩa cực đoan hơn là phát huy tác dụng chống khủng bố.
Mới đây nhất, hồi tháng 2, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng lên án cách đối xử của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi là "sự hổ thẹn với nhân loại", đồng thời yêu cầu Bắc Kinh đóng cửa các "trại tập trung".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy ngày 9/2 cáo buộc người Hồi giáo gốc Thổ đứng trước sức ép và sự "đồng hóa có hệ thống" ở khu vực tây Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) cho hay, thông điệp từ lãnh đạo Tân Cương là động thái mới nhất của Trung Quốc, cho thấy Bắc Kinh phải đối mặt với áp lực quốc tế không nhỏ trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.
Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực trong các chiến dịch cấp quốc tế nhằm "cải chính" cho các trung tâm đào tạo ở Tân Cương, cũng như tổ chức những chuyến thăm dành cho quan chức ngoại giao và truyền thông nước ngoài đến khu tự trị này.